VnReview
Hà Nội

Xiaomi thúc đẩy tham vọng sản xuất chip giúp Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài

Trong bối cảnh người đồng hương Huawei bị Mỹ kìm kẹp bằng loạt lệnh trừng phạt lên mảng smartphone, Xiaomi đã tăng cường đầu tư nghiên cứu chip nhằm thúc đẩy khả năng độc lập của Trung Quốc với công nghệ nước ngoài.

Xiaomi đã mua lại cổ phần của ít nhất 34 công ty liên quan đến chất bán dẫn ở Trung Quốc từ năm 2019 đến tháng 3 năm nay, theo dữ liệu phân tích thị trường từ Nikkei Asia. Hãng cũng tích cực đầu tư vào 24 đối tác nghiên cứu phần cứng bên cạnh chất bán dẫn.

Mục tiêu mà Xiaomi hướng đến là những công ty phát triển và sản xuất chip, các startup mới thành lập hay các bên phụ trách sản xuất tấm nền, ống kính camera và thiết bị tự động hóa có độ chính xác cao.

Lộ trình đầu tư của Xiaomi có nhiều nét tương đồng với kế hoạch phát triển dài hạn của Bắc Kinh trong việc xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất vững và nâng cao trình độ nghiên cứu công nghệ cao trong nước.

Hiện tại, Xiaomi là ngôi sao mới nổi trong ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc, với thị phần di động đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ xếp sau Samsung và Apple. Tương tự Huawei, tốc độ phát triển chóng mặt đã khiến Xiaomi lọt vào tầm mắt của chính quyền Washington. Giới chức Mỹ lo ngại hãng smartphone Trung Quốc có thể hợp tác với quân đội trong nước và gây hại đến an ninh quốc gia, song Xiaomi một mực phủ nhận các cáo buộc nói trên.

Nikkei Asia cho biết các khoản đầu tư mà Xiaomi đổ vào chipset hay các công nghệ phần cứng trên smartphone được thực hiện chủ yếu thông qua pháp nhân liên kết mang tên Hubei Xiaomi Changjiang Industry Fund Partnership.

Với sự tham gia của các công ty con trực thuộc nhà sản xuất Gree cùng một doanh nghiệp do chính quyền Vũ Hán hậu thuẫn, quỹ đầu tư này đến nay đã có 4 năm thành lập và phát triển với 12 tỷ nhân dân tệ (1,82 tỷ USD) vốn điều lệ ban đầu.

Năm 2019, Hubei Xiaomi Changjiang Industry Fund Partnership đã đầu tư vào 6 công ty trong lĩnh vực bán dẫn. Cho đến khi chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung nổ ra vào năm ngoái, con số đó đã tăng lên 22. Nhiều trong số họ là đối tác cung ứng cho Xiaomi, Oppo, Huawei hay Samsung.

Tính đến hôm 29/3, quỹ đầu tư đã rót vốn vào 6 doanh nghiệp bán dẫn địa phương trong năm 2021. Xiaomi cho biết tham vọng phát triển chip của họ, khởi động từ năm 2014, đã bắt đầu đơm hoa kết trái.

Tại sự kiện ra mắt Mega Launch, hãng đã công bố Surge C1 – vi xử lý hình ảnh "cây nhà lá vườn" đầu tiên được trang bị trên chiếc Mi MIX Fold màn hình gập mới nhất. Dự kiến, Xiaomi sẽ đưa Surge C1 lên nhiều smartphone ra mắt trong tương lai.

"Đã bảy năm kể từ khi Xiaomi đầu tư vào chip. ... Surge C1 chỉ là một bước tiến nhỏ trong quá trình phát triển chất bán dẫn của Xiaomi, nhưng nó đánh dấu cột mốc quan trọng cho khả năng xử lý hình ảnh trên smartphone của hãng", Chủ tịch Lei Jun cho biết tại một sự kiện báo chí trực tuyến. "Đường đến tham vọng tự thiết kế chip của Xiaomi vẫn còn dài và đầy thách thức, nhưng chúng tôi có đủ kiên nhẫn và kiên trì để thực hiện được nó".

Một số công ty Trung Quốc đã có những nỗ lực tương tự trong việc phát triển chip kể từ năm ngoái, khi Washington đột ngột loại bỏ Huawei khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu trọng điểm với lý do công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với quân đội và chính phủ Trung Quốc.

Về phần mình, Huawei đã đầu tư vào hơn 20 công ty nghiên cứu chip trong một năm rưỡi qua nhằm lấp đầy lỗ hổng trong chuỗi cung ứng hiện tại. Trong khi Oppo, hãng smartphone có thị phần cao thứ 4 thế giới đã thuê nhiều nhân viên từng có kinh nghiệm làm việc tại các bên cung cấp và đối thủ của họ để phát triển chip xử lý của riêng mình.

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc Geely có kế hoạch đưa chipset lõi của riêng mình vào ô tô sớm nhất là trong 2023. Alibaba và Baidu, hai gã khổng lồ Internet của Trung Quốc, cũng đã nhảy vào cuộc đua phát triển thiết kế chip, với việc cả hai đều tiết lộ chip xử lý dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) của riêng mình.

Giới phân tích cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc nhận ra sự cần thiết và thách thức của việc phát triển chip của riêng họ. "Trung Quốc sở hữu thị trường rộng lớn cho phép các nhà sản xuất xây dựng hệ sinh thái chip của riêng mình, nhưng tất cả đều nhìn thấy điều gì đã xảy ra với Huawei khi đơn vị thiết kế chip mạnh mẽ của họ bị ngăn không cho tiếp cận với các công nghệ quan trọng của Mỹ," Donnie Teng, nhà phân tích của Nomura Securities, cho biết với Nikkei Asia.

Trong khi tăng cường đầu tư vào thị trường nội địa, Xiaomi đã giành được phần thắng tại Mỹ sau khi một thẩm phán liên bang đưa ra phán quyết đứng về phía công ty Trung Quốc, ngăn không cho các lệnh cấm đầu tư từ thời ông Trump có hiệu lực.

Nhà sản xuất này cũng đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi cựu Tổng thống Trump rời Nhà Trắng. Việc đầu tư chớp nhoáng cùng vị thế trên trường di động hiện tại đã khiến tên tuổi của Xiaomi ngày càng phổ biến.

"Dự kiến số lô hàng điện thoại thông minh của Xiaomi trong năm nay lần đầu tiên có thể sánh ngang so với Apple. Việc các thương hiệu lớn xây dựng chuỗi công nghệ sản xuất chip nội bộ hay tăng cường đầu tư bên ngoài là điều thiết yếu trong bối cảnh thị trường hiện tại... Sau tất cả, chip bán dẫn là thành phần cốt lõi trong tất cả thiết bị điện tử và là phương tiện hoàn hảo giúp tạo nên sự khác biệt giữa một rừng đối thủ cạnh tranh", một chuyên gia phân tích từ Isaiah Research cho biết.

Tháng 9/2020, Xiaomi đã nhanh chóng vượt mặt Apple và chính thức loại Huawei khỏi top 3 nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu vào quý IV cùng năm. Theo số liệu phân tích từ Canalys, số lô hàng điện thoại thông minh của Xiaomi trong năm 2020 đạt 146,4 triệu chiếc, tăng 17,5% so với năm 2019 bất chấp toàn cảnh bức tranh thị trường di động ảm đạm.

Ngọc Diệp

Chủ đề khác