VnReview
Hà Nội

Huawei chuyển trọng tâm sang thiết bị kết nối và thị trường doanh nghiệp do khó khăn từ lệnh cấm

Huawei từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, nhưng giờ đây, công ty lại đang tập trung vào các thiết bị kết nối cũng như thị trường doanh nghiệp trong bối cảnh họ phải "chiến đấu" với những lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ mà chính quyền Biden gần đây đã thắt chặt hơn.

Huawei chuyển trọng tâm sang thiết bị kết nối và thị trường doanh nghiệp do khó khăn từ lệnh cấm

Tuy nhiên, Huawei vẫn có thể bị hạn chế quyền truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ có liên quan đến những thị trường đó bởi Nhà Trắng hiện vẫn giữ lập trường cứng rắn của mình đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này.

Từ khi được thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này đang cố gắng vượt qua nghịch cảnh bằng chiến lược 1+8+N mới. Chủ tịch Huawei, Ken Hu Houkun, cho biết rằng chiến lược này sẽ giúp thúc đẩy doanh số trong một năm khi công ty hiện đang ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỉ.

"Tôi tin bạn sẽ thấy nhiều sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ Huawei", Hu tiết lộ trong một cuộc họp báo tại Thâm Quyến, mô tả sự phát triển của một hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ số ngoài smartphone. "Doanh thu từ hoạt động kinh doanh 8+N đã giúp chúng tôi bù đắp phần nào tác động từ sự sụt giảm doanh số smartphone."

Cống bố từ năm 2019, số 1 trong 1+8+N chính là để cập đến smartphone, trong khi số 8 lại bao gồm các thiết bị kết nối, chẳng hạn như những dòng máy tính laptop, tablet, smartwatch, tai nghe hay smart TV của Huawei. Còn với chữ N, nó đại diện cho những thiết bị Internet of Things bên thứ ba, có thể được kết nối thông qua ứng dụng HiLink của Huawei cùng các công nghệ chia sẻ file.

Trong cuộc họp báo mới đây, Hu cho biết, hoạt động 8+N đã ghi nhận mức tăng 65% so với cùng kì năm ngoái, đạt tổng doanh thu 891,4 tỉ NDT (tương đương 136 tỉ USD).

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC, Huawei đã xuất xưởng 3,3 triệu tablet trên toàn cầu trong quý 4 năm ngoái, xếp thứ 5, chỉ sau Apple, Samsung Electronics, Lenovo Group và Amazon.com.

Việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chiến lược 1+8+N và tạo ra doanh thủ đáng kể đã cho thấy Huawei, với khoảng 197.000 nhân viên, hoạt động tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã chật vật như thế nào khi nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, "vòng kim cô" cho Huawei đã bị siết chặt hơn, bao gồm quyền truy cập vào các công nghệ chip tiên tiến cũng như khả năng sản xuất bằng công nghệ Mỹ.

"Các lĩnh vực khác này trong chiến lược 1+8+N của Huawei vẫn là những thị trường khá nhỏ bé so với smartphone", Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, cho biết. Cô chỉ ra rằng, quyền truy cập vào chip bị hạn chế cũng ảnh hưởng đến các phân khúc này.

;"Vấn đề quan trọng sẽ thay đổi cuộc chơi đối với Huawei là liệu họ có thể tìm được nguồn chipset thay thế hay không, hoặc liệu chính quyền mới tại Mỹ có sẵn sàng giảm bớt các lệnh trừng phạt lên công ty hay không", Popal cho hay. "Sẽ là một thách thức đối với Huawei trong việc giành lại vị trí đã mất trong ngành smartphone trong 2 năm qua mà không có Google Mobile Services cũng như những chipset 5G từ Qualcomm."

Huawei chuyển trọng tâm sang thiết bị kết nối và thị trường doanh nghiệp do khó khăn từ lệnh cấm

Tháng trước, chính quyền Joe Biden đã thông báo cho một số nhà cung cấp của Huawei tại Mỹ về các điều kiện cứng rắn hơn đối với giấy phép xuất khẩu đã phê duyệt trước đó. Theo thông tin từ Bloomberg, chính phủ Mỹ cấm các công ty này xuất khẩu những mặt hàng được sử dụng trong hoặc với thiết bị 5G cho Huawei.

Thế nhưng, Huawei vẫn còn hi vọng. Hu cho biết rằng, công ty "mong nhận được sự giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm khôi phục sự hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn".

Dẫu sự tập trung mạnh mẽ vào thị trường nội địa của Huawei đã được đền đáp, chiếm 65,6% tổng doanh số năm ngoái, thế nhưng, hoạt động kinh doanh của công ty ở nước ngoài đã giảm nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt thương mại, ngăn cản quyền truy cập vào Google Mobile Services. Bên cạnh đó, sự quan tâm từ các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc triển khai thiết bị mạng 5G của Huawei đã giảm đáng kể do nhiều lo ngại về bảo mật.

"Mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng di động ở Trung Quốc là rất lớn", Mike Feibus, Chủ tịch của công ty nghiên cứu Mỹ FeibusTech, cho hay. "Nhưng Huawei là một nhà cung cấp toàn cầu. Thế nên, dù có chiếm phần lớn thị trường nội địa cũng sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng và đạt được độ hiệu quả."

Gần đây, Huawei cũng đã nỗ lực mở rộng doanh số thị trường doanh nghiệp trong nước, cho thấy quyết tâm tăng cường ứng dụng các công nghệ của công ty đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh quá trình mở rộng hiện diện ra toàn cầu bị hạn chế bởi những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Đóng góp của nhóm doanh nghiệp rất có thể sẽ tăng lên khi Huawei cố gắng đa dạng hóa và giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào nhóm doanh nghiệp tiêu dụng, vốn được thúc đẩy bởi smartphone", Popal cho hay. "Khi vị thế của Huawei trên thị trường smartphone tiếp tục bị ảnh hưởng và chưa có hồi kết, việc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tập trung vào mảng kinh doanh doanh nghiệp lại là một vấn đề sống còn."

Việc triển khai các dịch vụ mạng di động 5G trên khắp Trung Quốc, với dân số sử dụng internet cũng như thị trường smartphone lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong nhiều ngành nghề, từ dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe cho đến sản xuất hay những nguồn kinh tế lâu đời như khai thác mỏ.

"Trong quá trình chuyển đổi số của các ngành công nghiệp, Huawei áp dụng chiến lược tập trung vào khách hàng", Peng Zhongyang, Chủ tịch bộ phận kinh doanh doanh nghiệp của Huawei, cho biết trong một trả lời liên quan đến kế hoạch phát triển. Ông tiết lộ, Huawei muốn thiết lập mối quan hệ kinh doanh lâu dài với các công ty trong nhiều ngành khác nhau.

Tháng trước, Huawei công bố sẽ cấp phép công nghệ di động 5G của mình cũng như tiết lộ mức phí bản quyền. Theo Jason Ding, Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ tại Huawei, công ty đã thu được khoảng 1,2 tỉ USD – 1,3 tỉ USD từ việc cấp bằng sáng chế trong khoảng thời gian 2019 – 2021.

Hồi tháng 1, Huawei xác nhận, công ty cũng đang hướng đến việc thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực xe điện thông minh. Thực tế, gã khổng lồ Trung Quốc đã nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan đến xe hơi từ năm 2014 khi thành lập một phòng thí nghiệm cho những phương tiện kết nối internet.

Feibus cho biết, dẫu Huawei đã chứng minh được khả năng phục hồi phát triển kinh doanh của mình trong nghịch cảnh, thế nhưng, những trở ngại chính trị sẽ khiến công ty "không thể tránh khỏi khoảng thời gian khó khăn".

Minh Hùng theo SCMP

Chủ đề khác