VnReview
Hà Nội

Ngành bán dẫn Châu Á trên cơ Mỹ về khả năng sản xuất chip như thế nào?

TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc hiện đang kiểm soát hơn 70% thị trường sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu. Vậy tại sao lại có sự chênh lệch như vậy với nền sản xuất bán dẫn có tiếng của Mỹ?

Nếu bạn nói về sản xuất chip, người ta thường nghĩ đến hai công ty, đó là TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc. Hai công ty châu Á này khi kết hợp đang kiểm soát hơn 70% thị trường sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.

Trong khi đó, Mỹ trước đây từng là nước dẫn đầu về bán dẫn nhưng nay đã bị tụt lại trong lĩnh vực này sau những thay đổi bất ngờ về mô hình kinh doanh trong ngành bán dẫn. Nhưng sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu và căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ ngày càng quan tâm hơn tới chuỗi cung ứng, vốn chỉ tập trung vào tay một số ít công ty và tạo ra động lực để đưa ngành sản xuất bán dẫn quay trở lại Mỹ nhằm giành lại vị thế lãnh đạo.

Mỹ gần đây đã chi hàng tỷ đô la và hiện đang xem xét liên minh với các quốc gia khác để thực hiện mục tiêu chiếm lại vị thế trên thị trường bán dẫn. Chất bán dẫn rất quan trọng đối với tất cả mọi thứ, từ xe hơi đến smartphone. Tuy nhiên nó cũng đang bị đẩy vào trung tâm của căng thẳng Mỹ-Trung.

Bank of America nhận định: "Một đặc điểm trong chính sách của Mỹ là đặt nặng vấn đề vào Trung Quốc. Nó đã trở thành một mệnh lệnh quốc gia nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất trong bối cảnh tình trạng thiếu chip gần đây và cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc".

 

Châu Á đã thống trị ngành sản xuất chip như thế nào

Chìa khóa để hiểu các vấn đề liên quan đến địa chính trị trong ngành bán dẫn, quốc gia nào chiếm ưu thế và lý do tại sao Mỹ đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa nằm ở việc nắm bắt được chuỗi cung ứng và các mô hình kinh doanh.

Các công ty như Intel là nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDM). Họ thiết kế và sản xuất chip của riêng họ. Nhưng sau này nhiều công ty bán dẫn nổi tiếng dù tự thiết kế chip nhưng lại thuê ngoài sản xuất ở các xưởng đúc. Hai xưởng đúc lớn nhất hiện nay là TSMC ở Đài Loan và Samsung Electronics ở Hàn Quốc.

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, xu hướng này trở nên nở rộ và các công ty bắt đầu chuyển sang mô hình này nhiều hơn. TSMC và Samsung đã tận dụng lợi thế đó và bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất tiên tiến. Giờ đây, nếu một công ty như Apple muốn đặt hàng chip lắp ráp trên iPhone, họ sẽ phải nhờ đến TSMC giúp họ sản xuất trên quy mô lớn.

Theo dữ liệu từ Trendforce, TSMC có 55% thị phần đúc và Samsung có 18%. Đài Loan và Hàn Quốc nói chung đã chiếm tới 81% thị phần toàn cầu và gần như thống trị. Điều này cũng dẫn tới việc nhiều hãng công nghệ gần như phụ thuộc vào TSMC và Samsung.

Bank of America cho biết: "Năm 2001, 30 công ty sản xuất ở vị trí dẫn đầu tuy nhiên do chi phí bán sản xuất tăng cao và khó khăn, con số này đã giảm xuống chỉ còn 3 công ty là TSMC, Intel và Samsung". Tuy nhiên, quy trình sản xuất của Intel vẫn đi sau TSMC và Samsung.

Neil Campling, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Mirabaud Securities chia sẻ với CNBC: "Đài Loan và Hàn Quốc đã trở thành những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo các tấm wafer đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Một phần thành công của họ trong 20 năm qua là nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ và khả năng tiếp cận lực lượng lao động có tay nghề cao".

Trong khi TSMC và Samsung là những nhà sản xuất chất bán dẫn thống trị, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào thiết bị và máy móc nhập từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Các công ty đồng thời là các nhà cung cấp thiết bị bán dẫn sẽ sản xuất thiết bị theo yêu cầu của các xưởng đúc.

Theo số liệu của Gartner, 5 nhà cung cấp thiết bị bán dẫn hàng đầu chiếm gần 70% thị trường. Ba trong số năm nhà sản xuất là các công ty của Mỹ, một của châu Âu và một của Nhật Bản. ASML có trụ sở tại Hà Lan là công ty duy nhất trên thế giới có thể chế tạo máy quang khắc cực tím (EUV) dùng trong các nhà máy chế tạo ra những con chip tiên tiến nhất của TSMC và Samsung.

Mỹ lên kế hoạch gì để giành lại ngôi vương trên thị trường chip?

Nói như vậy để thấy, Mỹ không hẳn đang tụt hậu trong toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn. Một số công ty của Mỹ chắc chắn vẫn không thể thiếu trong chuỗi cung ứng. Nhưng lĩnh vực mà Mỹ đang tụt hậu, đó là "sản xuất". Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang tìm cách giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng.

Vào tháng 2, Biden đã ký một sắc lệnh nhằm xem xét lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn để xác định rủi ro. Nằm một phần trong gói kích thích kinh tế trị giá 2 ngàn tỷ USD, dự tính sẽ có khoảng 50 tỷ USD dành cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Một dự luật có tên CHIPS for America Act cũng đang được soạn thảo nhằm mục đích tạo động lực nghiên cứu và phát triển để đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành trơn tru.

Trong khi đó, công ty Intel mới đây đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới, hoạt động như một xưởng đúc. Đây có thể là động thái của Mỹ nhằm sớm vực dậy lại nền bán dẫn trong nước và mang tới giải pháp thay thế trong nước cho hai xưởng đúc của TSMC và Samsung.

Ngoài ra một nguyên nhân khác khiến Mỹ đột ngột quan tâm trở lại ngành bán dẫn trong nước, đó là tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành công nghiệp điện tử, xe hơi.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc nhiều người phải ở nhà và nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử cá nhân tăng vọt, dẫn tới nguồn cầu linh kiện ngày một lớn, gây áp lực lên chuỗi cung ứng. Đó là chưa kể sau khi nền kinh tế và hoạt động tiêu dùng phục hồi lại ở một số quốc gia, nhu cầu mua sắm nhiều mặt hàng khác sử dụng chip bắt đầu tăng mạnh trở lại cũng khiến nguồn cung chip không kịp đáp ứng.

Chính việc TSMC và Samsung chiếm gần như toàn bộ thị trường bán dẫn đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bởi lẽ gánh nặng cung cấp đủ các đơn hàng chip cho tất cả khách hàng khiến dây chuyền của hai xưởng đúc này luôn trong tình trạng quá tải và khó đáp ứng được hết nhu cầu, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến lịch trình ra mắt sản phẩm của nhiều hãng hay làm giảm sản lượng xuất xưởng.

Theo nhà phân tích Campling đến từ hãng tư vấn Mirabaud Securities, sự thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn đã khiến chính phủ Mỹ nhận ra rằng, họ "đang không kiểm soát được vận mệnh của chính mình".

Nhưng cũng có những yếu tố địa chính trị tác động đến chính sách bán dẫn của nước Mỹ.

Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận thực hành địa công nghệ học tại Eurasia Group: "Về lâu dài, chính quyền Biden muốn tiếp tục khuyến khích các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài và Mỹ mở rộng công suất ở Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc ở những nơi nhạy cảm về địa chính trị như Đài Loan và tạo ra các công việc kỹ thuật được trả lương cao ở Mỹ".

Một phần trong chính sách của Mỹ liên quan đến việc hình thành các liên minh. Đầu tháng này, Nikkei tiết lộ, Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nikkei cho biết hai bên sẽ hướng tới một hệ thống sản xuất không tập trung vào các khu vực cụ thể như Đài Loan.

Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm đổi mới tương lai, một công ty tư vấn trụ sở tại Toronto, Canada, chia sẻ với CNBC: "Mỹ đang cố gắng loại bỏ Trung Quốc khỏi phương trình này. Họ đang cố gắng thiết kế lại cách thức hoạt động của ngành công nghiệp chip thế giới khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Mỹ không nhất thiết phải tự cung tự cấp mặc dù Washington rất mong muốn điều này. Thay vào đó, Mỹ nhắm đến xây dựng các lĩnh vực quan trọng hơn, từ AI đến chip và muốn mọi thứ tách biệt khỏi địa chính trị. Và bởi vì một số quốc gia chia sẻ mối quan tâm giống như Mỹ, nên họ rất dễ tìm kiếm đối tác xây dựng liên minh".

Trung Quốc thúc đẩy tự cung tự cấp

Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự cung tự cấpm đặc biệt khi Mỹ có nhiều động thái cắt đứt nguồn cung thiết bị, công nghệ cho Trung Quốc. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn thông qua các khoản đầu tư khổng lồ và các ưu đãi như giảm thuế.

Nhưng Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ và các quốc gia khác ở Châu Á ở nhiều mặt. SMIC là xưởng đúc lớn nhất của Trung Quốc và là đối thủ cạnh tranh với TSMC và Samsung. Nhưng công nghệ của SMIC vẫn đi sau đáng kể so với các đối thủ như Đài Loan và Hàn Quốc nhiều năm.

Và ngay cả khi muốn vượt lên, con đường cũng không hề dễ dàng với Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn còn đó. Washington đã đưa SMIC vào danh sách đen vào năm ngoái. Lệnh cấm này sẽ hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ nhất định cho SMIC, qua đó kìm hãm sự phát triển của nhà sản xuất chip này do các công ty Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Theo Bank of America, khoảng 80% hoặc nhiều dây chuyền sản xuất chip của SMIC đến từ các nhà cung cấp của Mỹ.

Năm ngoái, Reuters đưa tin, Mỹ đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan phải ngừng bán máy ASML cho SMIC. Công ty Hà Lan là công ty duy nhất sản xuất máy quang khắc cực tím (EUV) để tạo ra những con chip tiên tiến nhất. Máy đó hiện vẫn chưa được chuyển tới Trung Quốc.

Bank of America cho biết: "Nếu Trung Quốc muốn sản xuất chip tiên tiến hàng đầu, điều đó gần như là không thể nếu không có thiết bị của Mỹ hoặc các đồng minh. Chúng tôi vẫn hoài nghi về sự thay đổi trong tiến trình sản xuất chip của Trung Quốc do các hạn chế từ phía Mỹ. Bởi hiện tại nước này vẫn đi sau về sở hữu trí tuệ và bị hạn chế quyền tiếp cận chúng do lệnh cấm của Mỹ".

Kết luận, Bank of America cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ phải mất ít nhất từ 5 năm tới mới có thể đạt được những tiến bộ đáng kể.

Tiến Thanh (Theo CNBC)

Chủ đề khác