VnReview
Hà Nội

Samsung nỗ lực đảm bảo nguồn cung thiết bị chế tạo chip từ châu Âu và Mỹ

Với việc Mỹ đang muốn thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước và các hãng đang đẩy mạnh mở rộng dây chuyền, nguồn cung thiết bị sản xuất chip có thể khan hiếm, buộc các hãng như Samsung phải tích cực đàm phán với các đối tác để có một chân trong danh sách đặt hàng.

Samsung Electronics đang nỗ lực tối đa để đảm bảo có đủ thiết bị sản xuất bán dẫn. Mới đây, các quan chức của tập đoàn đã đến thăm nhiều nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ở Mỹ, Hà Lan bất chấp đại dịch Covid-19, chủ yếu để đảm bảo nguồn cung thiết bị ổn định.

Hiện tại trên toàn cầu, nhu cầu các thiết bị bán dẫn được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Nguyên nhân do Mỹ đang thúc đẩy tự chủ nguồn cung. Đồng thời việc TSMC mở rộng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn cũng khiến tình hình tranh giành thiết bị sản xuất bán dẫn ngày càng khốc liệt và căng thẳng hơn.

Ngoài Samsung Electronics, Intel và TSMC, nhiều công ty khác cũng đang xem xét đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Micron Technology, một hãng chip nhớ của Mỹ đang xem xét đầu tư vào các dây chuyền EUV. Trong khi đó, ngành công nghiệp đúc chip và bộ nhớ tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ tăng đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip.

Trong tuần này, một quan chức cấp cao của Samsung đã đến thăm các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn ở Mỹ để thảo luận về việc cung cấp thiết bị. ;Vị quan chức này dự kiến ​​sẽ gặp Gary Dickerson, CEO của Applied Materials, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu hiện nay và Tim Archer, CEO của Lam Research, một công ty lớn khác.

Một nhân vật chủ chốt khác của Samsung cũng đã có chuyến công tác đến Hà Lan để gặp các quan chức của ASML, nhà sản xuất thiết bị quang khắc EUV duy nhất trên thế giới. Phó chủ tịch Lee Jae-yong trước đó đã đến thăm ASML vào tháng 10/2020. Có thể thấy, tập đoàn Hàn Quốc rất xem trọng quan hệ với công ty Hà Lan.

Giới chuyên môn cho biết, chuyến thăm của một số lãnh đạo Samsung đến các nhà sản xuất thiết bị bất chấp đại dịch COVID-19 cho thấy, áp lực cạnh tranh khốc liệt giữa đơn vị sản xuất chất bán dẫn để đảm bảo nguồn cung công cụ chế tạo.

Thị trường thiết bị công cụ bán dẫn trên thế giới do năm công ty thống trị: AMAT, LAM Research, Tokyo Electron (TEL), KLA Corp. và ASML. Những công ty này chiếm tới 60-70% nguồn cung thiết bị chế tạo bán dẫn. Vai trò của họ ngày một quan trọng hơn khi các nhà sản xuất đang dần tiến tới những quy trình sản xuất chip phức tạp hơn.

Vấn đề là năng lực sản xuất của mỗi công ty đều có hạn. Trong khi đó, lịch trình giao hàng gần như đã kín. Chính vì vậy để đảm bảo kế hoạch sản xuất chip không bị gián đoạn, tăng khả năng cạnh tranh và đi trước đối thủ, các hãng bán dẫn sẽ cần có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn.

Các chuyên gia dự đoán, tình trạng thiếu thiết bị sản xuất bán dẫn sẽ ngày càng trầm trọng khi Mỹ đặt mục tiêu tham vọng, đó là thúc đẩy tự cung cấp chất bán dẫn. Trong khi đó áp lực nhu cầu chip sẽ khiến nguồn cung chip ngày một khan hiếm. Một đại diện trong ngành dự đoán, Samsung Electronics có thể sẽ chi hơn 31 tỷ cho các dây chuyền bán dẫn trong năm nay.

Mai Huyền (Theo Businesskorea)

Chủ đề khác