VnReview
Hà Nội

Cha đẻ của TSMC tuyên bố ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc 'chưa phải là đối thủ xứng tầm'

Ông cho rằng hiện tại Samsung Electronics vẫn là đối thủ lớn nhất của TSMC với nhiều lợi thế cạnh tranh.

Trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng kể từ khi nghỉ hưu cách đây gần 3 năm, Morris Chang, nhà sáng lập 89 tuổi của hãng đúc chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết Trung Quốc vẫn chưa phải là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất chip và Đài Loan nên giữ vững vị trí dẫn đầu của mình trong mảng sản xuất chất bán dẫn.

Morris Chang, người thành lập nên TSMC vào năm 1987, được xem là "người cha già" dìu dắt sự thành công của Đài Loan trong lĩnh vực kinh doanh đúc chip. Tại một diễn đàn do;Economic Daily tổ chức ở Đài Bắc hôm thứ Tư, Morris Chang đã nói về những nỗ lực tách biệt của Trung Quốc và Mỹ nhằm xây dựng nên khả năng sản xuất chip của riêng họ.

"Trung Quốc đã tiêu tốn khoản tiền hàng chục tỷ USD trong vòng 20 năm qua nhưng họ vẫn còn đứng sau TSMC 5 năm. Năng lực thiết kế chip logic của họ vẫn kém Mỹ và Đài Loan từ một đến hai năm. Đại lục vẫn chưa thể xứng tầm là một đối thủ cạnh tranh", Chang nói.

Trước đây, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào TSMC làm nguồn cung cấp chip tiên tiến nhưng hiện tại quốc gia này đang tìm cách đạt được khả năng tự cung cấp chất bán dẫn bằng nhà sản xuất chip SMIC nội địa trong bối cảnh diễn ra những căng thẳng với Mỹ.

Morris Chang cho rằng sản xuất chất bán dẫn là một ngành công nghiệp quan trọng đối với Đài Loan, có tác động sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của người dân, nền kinh tế của hòn đảo và cả yếu tố quốc phòng.

"Đây là ngành công nghiệp đầu tiên mà nhờ vào đó Đài Loan có được vị thế cạnh tranh trên toàn cầu. Tôi kêu gọi chính phủ, toàn bộ xã hội và TSMC hãy giữ chặt lấy nó", ông nói.

Morris Chang, người sáng lập TSMC (bên phải, ngoài cùng). Ảnh: AFP.

Song hành với những nỗ lực đến từ Trung Quốc và Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách đưa vị thế ngành sản xuất chất bán dẫn trở lại với châu lục này. Ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đầu tư 50 tỷ USD để tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước, EU đã công bố mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất chất bán dẫn lên 20% tổng sản lượng thế giới vào năm 2030.

Trong bài phát biểu của mình, ông Chang cũng chỉ trích gã khổng lồ chip Intel của Mỹ, khi mô tả quyết định gần đây của công ty này trong việc tham gia thị trường sản xuất chip theo hợp đồng là "rất mỉa mai" vì chính họ đã từ chối cơ hội đầu tư vào TSMC hơn ba thập kỷ trước. Các đơn vị đúc chip theo hợp đồng như TSMC thường nhận đơn đặt hàng từ các công ty fabless như Qualcomm, thiết kế nên sản phẩm nhưng thuê gia công từ dây chuyền ngoài.

Chang cho biết ông đã bị Intel từ chối khi tiếp cận để xin tài trợ vào năm 1985. "Trước đây, Intel là người chế nhạo chúng tôi và nghĩ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ trở nên lớn mạnh. Họ chưa bao giờ nghĩ việc kinh doanh chế tạo tấm wafer lại trở nên quan trọng như hiện tại", ông nói.

Chang cho biết Mỹ cũng gặp bất lợi so với Đài Loan vì cường quốc này thiếu đi các kỹ sư chuyên sâu dành riêng cho lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, đồng thời nói thêm rằng "mức độ toàn tâm tận hiến của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất hoàn toàn không thể sánh được với Đài Loan". 

"Điều tôi cần lúc này là những kỹ sư, kỹ thuật viên và người vận hành có năng lực và tận tâm. Họ phải sẵn sàng quên mình cho công việc. Ở Mỹ, hoạt động sản xuất chip đã không phổ biến trong nhiều thập kỷ qua", ông Chang nói.

Chang cho biết Samsung Electronics vẫn là đối thủ lớn nhất của TSMC trong lĩnh vực gia công wafer, đồng thời nói thêm rằng Hàn Quốc có nhiều lợi thế giống như Đài Loan, bao gồm khả năng đào tạo nhân tài hàng đầu cho ngành. 

Giang Vu theo SCMP

Chủ đề khác