VnReview
Hà Nội

Công ty Nhật Bản trở thành nhà tư vấn dây chuyền tự động hoá hàng đầu thế giới

Yaskawa Electric là một trong 4 công ty tự động hoá nhà máy hàng đầu thế giới, nổi tiếng với những mẫu robot công nghiệp và các sản phẩm khác cần thiết cho các nhà sản xuất xe hơi và chip.

Để đa dạng hoá hoạt động kinh doanh, công ty nay còn cung cấp dịch vụ tư vấn về tự động hoá đáp ứng nhu cầu của một loạt các ngành công nghiệp, bao gồm ngành thực phẩm và chăm sóc sức khoẻ.

Vào mùa thu năm 2020, Hiroshi Ogasawara (65 tuổi), chủ tịch của Yaskawa Electric, đã tận dụng quãng thời gian yên ắng giữa đại dịch virus corona để ghé thăm một khách hàng - nhà sản xuất linh kiện điện tử ở Tokyo. Một vị quản lý tại đó đã hỏi Ogasawara về chuỗi cung ứng và cách để cải thiện dây chuyền nhà máy cũng như cải thiện sản lượng.

Trước những bất định vì cuộc thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch virus corona và hoạt động cạnh tranh toàn cầu đang ngày một tăng cao, các khách hàng của Yaskawa trên lĩnh vực điện và xe hơi cảm thấy không thể tiếp tục tạo ra những cải tiến như họ đã từng trong quá khứ.

Trong bối cảnh đó, Yaskawa là cái tên được nhiều người tìm đến để có được những lời khuyên về tự động hoá và cải thiện hiệu quả của dây chuyền sản xuất. Sau khi bước chân vào lĩnh vực tư vấn, Yaskawa chủ yếu tư vấn về robot công nghiệp dựa trên nền tảng công cụ máy móc.

Các sản phẩm chính của Yaskawa vẫn là servomotor, vốn được sử dụng rộng rãi trên lĩnh vực robot để điều khiển chuyển động của thiết bị. Công ty cho đến lúc này đã xuất xưởng gần 20 triệu sản phẩm, biến họ thành nhà cung ứng hàng đầu thế giới với thị phần toàn cầu 17%. Nhưng tình hình cạnh tranh với các công ty khác không vì thế mà hạ nhiệt.

Vào tháng 3, công ty đã tổ chức giới thiệu trực tuyến một loại servomotor mới. "Chúng tôi nhận thấy mẫu servomotor này có hiệu năng tốt nhất trên thế giới" - một kỹ sư phụ trách phát triển cho biết. Tuy nhiên, hai năm trước đó, Mitsubishi Electric đã tung ra một sản phẩm tương tự. Các chuyên gia trong ngành công nghiệp cho rằng motor mới của Yaskawa chỉ tốt hơn một chút so với của Mitsubishi mà thôi.

Bởi hiệu năng ưu việt là chưa đủ để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh hiện nay, Yaskawa muốn biến những kiến thức của họ về tự động hoá và cải thiện hiệu suất nhà máy thành một món hàng kinh doanh mới. Công ty này là nhà sản xuất trang thiết bị tự động hoá nhà máy lớn duy nhất trên thế giới có sản phẩm servomotor riêng, chính vì vậy, lẽ thường tình, toàn bộ nhà máy của họ đều được vận hành bởi các giải pháp tự động hoá, bao gồm các công cụ máy móc từ các công ty khác.

Thị phần servomotor của Yaskawa Electric theo từng khu vực

Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tư vấn phát huy hiệu quả, Yaskawa cần thể hiện mình có một "bảng thành tích" xuất sắc. Và điều đó bắt đầu với những công bố về tính hiệu quả của chính dây chuyền sản xuất của hãng. Năm 2018, công ty đã bổ sung một cơ sở mới tại nhà máy ở Khu tổ hợp Saitama, gần Tokyo, để thu thập và phân tích dữ liệu về servomotor và robot công nghiệp, phục vụ cải thiện năng suất.

Các công cụ máy móc từ các công ty khác được trang bị servomotor của Yaskawa cũng được phân tích tại cơ sở này, với các robot gắp và mang các linh kiện đã xử lý bởi các công cụ máy móc để đánh giá liệu một tác vụ có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian định trước hay không, và liệu một thành phần nào đó có đủ độ tin cậy hay không. Sau đó, Yaskawa sẽ đưa ra những khuyến nghị dựa trên phân tích của mình.

Từ năm 2018, các lãnh đạo từ 300 công ty điện tử và thực phẩm đã ghé thăm cơ sở của Yaskawa. "Các khách hàng muốn chúng tôi hỗ trợ tăng năng suất của toàn bộ dây chuyền sản xuất lên một tầm cao mới" - quản lý nhà máy, Satoru Shiraishi, nói. "Bao gồm việc sử dụng các công cụ máy móc từ các công ty khác"

Yaskawa gần đây đã nhận được nhiều đơn hàng không chỉ từ các khách hàng lâu năm trong ngành công nghiệp xe hơi và điện tử, mà còn từ các công ty trên lĩnh vực thực phẩm và y tế. Một trong số đó là Lotte, một công ty bánh kẹo có nhà máy gần cơ sở Saitama. "Chúng tôi nhờ Yaskawa tư vấn để xây dựng một nhà máy thông minh" - một kỹ sư của Lotte tiết lộ.

Số đơn hàng servomotor đã xuất xưởng của Yaskawa Electric

Phát hiện và phân loại các sản phẩm lỗi, ví dụ là một chiếc bánh được nướng chưa kỹ, là tối quan trọng với Lotte. Tuy nhiên, cho đến gần đây, hầu hết những việc này đều được làm thủ công. Để tự động hoá quy trình, Lotte đã nhờ một công ty IT thuộc tập đoàn Yaskawa tư vấn vào khoảng 1 năm trước. Sau đó, họ đã ứng dụng một hệ thống đánh giá dựa trên nền tảng AI vào hoạt động sản xuất. Lotte hiện đang cân nhắc sử dụng robot của Yaskawa để xác định các sản phẩm lỗi.

Robot của Yaskawa còn được sử dụng trong các nhà máy thực phẩm để sản xuất cơm cuộn và các vật phẩm khác cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi. "Chúng tôi đang nhận ngày càng nhiều đơn hàng tư vấn về tự động hoá trong các nhà máy thực phẩm" - theo Junji Tsuda, chủ tịch của Yaskawa Electric. "Mọi thứ từ các tập đoàn lớn đến các ship đồ ăn trưa nhỏ lẻ"

Thu hút được khách hàng trên lĩnh vực sản xuất thực phẩm và các ngành công nghiệp khác là một quá trình rất khó khăn. Năm 2018, Yaskawa lập một công ty con đảm nhiệm hoạt động tự động hoá các nhà máy rau củ, nhưng trang thiết bị mà họ cung cấp cho một cửa hàng tiện lợi lớn lại gặp vấn đề nghiêm trọng.

"Cuối cùng, chúng tôi mất hàng trăm triệu Yên" - Takuji Morita, chủ tịch công ty con này, cho biết. Khi Morita báo cáo tình hình, Ogasawara chỉ nói "đó là kinh nghiệm học được đấy". Ông đã hướng dẫn Morita thay thế trang thiết bị lỗi với những thiết bị hoạt động được để lấy lại niềm tin từ khách hàng. Số trang thiết bị mới này hiện vẫn đang được sử dụng tại nhà máy.

"Làm những thứ khác biệt với các công ty khác và tiếp tục mang lại thắng lợi cho khách hàng là công thức dẫn đến sự tăng trưởng về lâu về dài" - Ogasawara nói.

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác