VnReview
Hà Nội

Tencent bị điều tra vì nắm cổ phần ở Epic Games và Riot Games

Những khoản đầu tư khổng lồ của Tencent vào các công ty phát triển game của Hoa Kỳ đang trở thành vấn đề lo ngại đối với chính phủ nước này.

Theo Reuters, "ông trùm" công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings Ltd;đang đàm phán các thỏa thuận với Ủy ban an ninh quốc gia Hoa Kỳ nhằm tìm cách giữ lại số cổ phần thuộc sở hữu của mình tại Riot Games và Epic Games, các nhà phát triển trò chơi điện tử của Hoa Kỳ .

Kể từ nửa cuối năm ngoái, Tencent đã bắt đầu tiến trình đàm phán với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), cơ quan có thẩm quyền yêu cầu "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc phải thoái vốn tại quốc gia này. Các nguồn tin cho biết thêm, CFIUS đã xem xét liệu việc xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng của Epic Games và Riot Games có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không vì thuộc quyền sở hữu của ông chủ Trung Quốc.

Hiện tại, Tencent sở hữu 40% cổ phần của Epic Games, nhà sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite. Tencent cũng mua phần lớn cổ phần của Riot Games vào năm 2011 và thâu tóm nốt phần còn lại vào năm 2015. Riot Games là nhà phát triển của "League of Legends", một trong những tựa game PC đình đám nhất thế giới.

Theo Reuters, Tencent đang đàm phán các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro với CFIUS, giúp công ty này có thể giữ lại các khoản đầu tư của mình. Các biện pháp chi tiết không được tiết lộ, tuy nhiên, có thể chúng sẽ liên quan đến việc tạo rào cản lên Tencent đối với các hoạt động có liên quan đến an ninh quốc gia. Thông thường, các kiểm toán viên độc lập sẽ được bổ nhiệm để giám sát việc thực hiện các thỏa thuận này.

Một trong những nguồn tin cho biết Tencent sẽ khó có khả năng đạt được các thỏa thuận để giữ các khoản đầu tư của mình.

Tencent, Epic Games và đại diện CFIUS tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ chối bình luận về những thông tin trên. Người phát ngôn của Riot Games cho biết công ty có trụ sở tại Los Angeles hoạt động độc lập với Tencent và họ luôn thực hiện các "thông lệ hàng đầu của ngành" nhằm bảo vệ dữ liệu khách hàng, đồng thời từ chối bình luận về các cuộc thảo luận của Riot Games với CFIUS.

CFIUS đã trấn áp quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các tài sản công nghệ của Mỹ trong vài năm gần đây, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang về thương mại, nhân quyền và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ có thể rơi vào tay chính quyền Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục duy trì lập trường diều hâu chống lại Trung Quốc được thừa hưởng từ người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề địa chính trị như tương lai của Đài Loan và Hồng Kông, cũng như cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Dẫu vậy, nhiều vị trí quan trọng của CFIUS vẫn chưa được bố trí. Điều này đã dẫn đến việc hoãn thi hành các quyết định trước đó của chính phủ Hoa Kỳ đối với ByteDance của Trung Quốc, công ty đã bị cựu Tổng thống Donald Trump yêu cầu bán TikTok vào năm ngoái nhưng đã bị ngăn trở bởi sự tham gia của tập đoàn Oracle và Walmart.

Epic hiện vẫn bị "mắc lại" trong cuộc chiến pháp lý với Apple đối với quyền truy cập vào kho ứng dụng của nhà sản xuất iPhone. Công ty này cáo buộc Apple bắt ép các nhà phát triển game phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng (in-app) với mức phí hoa hồng lên tới 30%, và phải tuân theo các nguyên tắc đánh giá ứng dụng mang tính chất phân biệt đối xử đối với các sản phẩm cạnh tranh Apple.

Về phía mình, Apple lập luận rằng Epic Games đã phá vỡ hợp đồng khi phát triển hệ thống thanh toán in-app của riêng mình trong Fortnite nhằm lách khoản phí của Apple. Phía Nhà Táo cho rằng cách điều hành cửa hàng ứng dụng của mình là nhằm truyền cảm hứng, sự tin tưởng đến người tiêu dùng, khiến họ sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm của các nhà phát triển chưa nổi tiếng.

Các mảng kinh doanh rộng lớn của Tencent bao gồm trò chơi điện tử, streaming media, truyền thông xã hội, quảng cáo và dịch vụ đám mây. Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách kiềm chế sức mạnh kinh tế, xã hội của Tencent và các công ty khác như Alibaba Group Holding.

Giang Vu (theo Reuters)

Chủ đề khác