VnReview
Hà Nội

Reuters: Ấn Độ cố tình “trì hoãn” chứng nhận thiết bị điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc

Ấn Độ vẫn tiếp tục trì hoãn việc phê duyệt các mô-đun Wi-Fi trên các thiết bị do Trung Quốc sản xuất dẫn tới việc nhiều sản phẩm bị trì hoãn ra mắt tại thị trường tỷ dân.

Ấn Độ đã ngừng phê duyệt việc nhập khẩu các mô-đun Wi-Fi từ Trung Quốc trong nhiều tháng, dẫn tới việc nhiều nhà sản xuất máy tính như Dell và HP của Mỹ và Xiaomi, Oppo, Vivo và Lenovo của Trung Quốc buộc phải trì hoãn việc ra mắt sản phẩm tại một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới hiện nay.

Các nguồn tin cho biết, việc nhập khẩu các thiết bị điện tử thành phẩm từ Trung Quốc như loa bluetooth, tai nghe không dây, smartphone, smartwatch và laptop có chứa mô-đun Wi-Fi đang bị trì hoãn.

Theo Reuters, cơ quan Wireless Planning and Coordination (WPC) Wing thuộc Bộ thông tin Ấn Độ đã từ chối phê duyệt nhiều đơn cấp phép nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc từ tháng 11/2020. Tuy nhiên các nỗ lực giải quyết vấn đề này đang được thực hiện.

Hơn 80 đơn đăng ký từ các công ty Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang chờ WPC giải quyết kể từ đó tới nay. Thậm chí ngay cả các ứng dụng từ một số công ty Ấn Độ nhưng có thành phẩm nhập từ Trung Quốc cũng phải WPC phê duyệt.

Dell, HP, Xiaomi, Oppo, Vivo và Lenovo hiện chưa đưa ra yêu cầu bình luận. Bộ truyền thông Ấn Độ cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Ấn Độ vẫn giữ quan điểm đối đầu với Trung Quốc

Lập trường cứng rắn của Ấn Độ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi tự lực kinh tế.

Chính sách theo chủ nghĩa dân tộc của ông đã giúp thúc đẩy sự phát triển của hoạt động lắp ráp smartphone ở quốc gia Nam Á này. Hiện chính phủ Ấn Độ cũng đang thuyết phục các công ty đặt trụ sở sản xuất thiết bị điện tử ở nước này.

Mặc dù vậy các công ty công nghệ cũng rất do dự vì việc đầu tư dây chuyền sản xuất cơ bản tại Ấn Độ khá tốn kém và phải chờ đợi lâu để thu về lợi nhuận, mặt khác rào cản nhập khẩu do chính phủ áp đặt có thể khiến họ bị mất doanh thu.

Trước đây, Ấn Độ đã cho phép các công ty tự khai báo thiết bị không dây, một động thái giúp hoạt động nhập khẩu dễ dàng hơn. Nhưng các quy định mới ban hành vào tháng 3/2019 đã yêu cầu các công ty phải có sự chấp thuận từ phía chính phủ.

Nhờ vào dân số đông, nhu cầu thị trường lớn và tiềm năng xuất khẩu, Ấn Độ đã trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị di động lớn trên thế giới. Tuy vậy, dấu ấn và quy mô sản xuất của Ấn Độ vẫn chưa thực sự ấn tượng để các công ty công nghệ lớn có thể rót vốn đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ và thiết bị đeo thông minh tại đây.

Sự chậm trễ kéo dài trong việc phê duyệt của WPC cũng phần nào thể hiện tham vọng dần cắt giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế công nghệ của Ấn Độ, đặc biệt là sau cuộc đụng độ biên giới với Bắc Kinh vào năm ngoái dù căng thẳng đã giảm bớt cho tới nay.

Chính phủ của Modi trong tuần này đã loại bỏ nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc Huawei khỏi danh sách các công ty được phép thử nghiệm mạng 5G, trong khi đó các đối thủ châu Âu và Hàn Quốc vẫn được phép.

Một khi việc triển khai 5G bắt đầu ở New Delhi, Ấn Độ có thể sẽ chặn các nhà cung cấp dịch vụ di động sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei.

Năm ngoái, các công ty Mỹ như Apple, Cisco và Dell không may vướng vào căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc, đặc biệt khi các cảng của Ấn Độ hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của các công ty này vì chúng được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong một ví dụ khác, việc Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ các giấy tờ chứng minh chất lượng đối với hàng điện tử từ Trung Quốc còn làm chậm việc nhập khẩu các mẫu iPhone của Apple.

Giờ đây, các công ty đã có được các giấy tờ chứng minh an toàn từ cơ quan kiểm soát chất lượng của Ấn Độ. Nhưng việc nhận được sự chấp thuận của WPC sẽ trở thành trở ngại chính đối với việc nhập khẩu các thiết bị điện tử từ Trung Quốc tại thị trường Ấn Độ trong thời gian tới.

Tiến Thanh (Theo Reuters)

Chủ đề khác