VnReview
Hà Nội

Apple trao dữ liệu người dùng cho Trung Quốc (phần 2): Phá luật

Trung Quốc đã và đang có những "biện pháp" để bắt Apple làm việc lại cho mình sau nhiều năm bị gã khổng lồ công nghệ khai thác. Nhiều tài liệu cho thấy, chính phủ nước này đã tận dụng sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc để đạt thỏa thuận kiểm soát, quản lý dữ liệu iCloud người dùng, kiểm duyệt ứng dụng tại đây.

Phá vỡ quy tắc

Vào tháng 11/2016, Trung Quốc đã thông qua;một đạo luật yêu cầu tất cả thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng thu thập ở nước này đều phải được lưu trữ tại đây. Đó là một tin xấu đối với Apple, khi mà thời điểm đó hãng đã và đang gây dựng được danh tiếng lớn trong việc đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng. Trong quá khứ, Apple thường xuyên phản đối các yêu cầu truy cập dữ liệu khách hàng từ tòa án, Cook cũng từ chối hỗ trợ FBI bẻ khóa một chiếc iPhone của kẻ khủng bố đã giết 14 người ở San Bernardino, California. Thế nhưng, yêu cầu này vẫn chưa là gì nếu so với yêu cầu mà chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cho Apple. 

Các công ty nước ngoài khác ở Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự Apple, nhưng duy nhất Apple phải chịu chỉ trích vì hãng là công ty có vị thế cao, cũng như phụ thuộc nhiều vào đất nước tỷ dân. Dịch vụ iCloud cho phép khách hàng lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng từ danh bạ cá nhân, ảnh cho đến email trong các trung tâm dữ liệu. Dịch vụ này có thể sao lưu mọi thứ được lưu trữ trên iPhone hoặc máy tính Mac, có khả năng định vị thiết bị trong hệ sinh thái Táo khuyết. Trước đây, hầu hết dữ liệu khách hàng Trung Quốc được lưu trữ trong máy chủ bên ngoài nước này.

Trung tâm dữ liệu mới của Apple tại khu vực Nội Mông, Trung Quốc

Nhóm nghiên cứu của Apple tại Trung Quốc đã cảnh báo ông Cook rằng Trung Quốc có thể đóng cửa dịch vụ iCloud tại nước này, nếu họ không tuân thủ luật an ninh mạng mới. Vì vậy, giám đốc điều hành Apple đành phải đồng ý chuyển dữ liệu người dùng iCloud Trung Quốc sang máy chủ của một công ty quốc doanh ở đây. 

Theo đó, Apple đã và đang tiến hành mã hóa những dữ liệu iCloud quan trọng của khách hàng. Đồng thời, hãng cũng sở hữu các "chìa khóa" dùng để giải mã những dữ liệu này. Vị trí giữ các khóa giải mã dữ liệu người dùng iCloud Trung Quốc là tâm điểm thảo luận trong cuộc đàm phán giữa Apple và quan chức nước này, nguồn tin thân cận cho biết. Ban đầu, Apple muốn lưu chúng ở Mỹ nhưng đã vướng phải sự phản đối từ chính quyền Trung Quốc, họ muốn khóa giải mã phải nằm tại nước mình. 

Vào tháng 6/2017, luật an ninh mạng về lưu trữ dữ liệu người dùng tại Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Trong một thỏa thuận ban đầu giữa Apple và các quan chức Trung Quốc, Apple vẫn cố tình tiết lộ vị trí lưu giữ các khóa giải mã dữ liệu iCloud một cách không rõ ràng, một nhân viên nội bộ cho biết. Sau 8 tháng, quyết định này bất ngờ thay đổi và các khóa giải mã đã bị chuyển đến Trung Quốc.

Sự kiện này đã gây ngạc nhiên cho ít nhất hai giám đốc điều hành của Apple, những người đã có mặt trong cuộc đàm phán với Trung Quốc. Cả hai nhấn mạnh rằng động thái này của Apple có thể gây nguy hiểm cho dữ liệu iCloud của hàng triệu khách hàng. Đặc biệt, họ đều không biết điều gì đã dẫn đến sự thay đổi. 

Theo các tài liệu mà The New York Times thu thập được, chưa có bằng chứng cho thấy rằng chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu. Thay vào đó, trang báo này nhận định rằng Apple chỉ mới thỏa thuận để chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu nếu cần thiết.

(Còn nữa)

Chí Tôn

Chủ đề khác