VnReview
Hà Nội

Apple trao dữ liệu người dùng cho Trung Quốc (phần 4): Khuất phục

Trung Quốc đã và đang có những "biện pháp" để bắt Apple làm việc lại cho mình sau nhiều năm bị gã khổng lồ công nghệ khai thác. Nhiều tài liệu cho thấy, chính phủ nước này đã tận dụng sự phụ thuộc vào Trung Quốc để đạt thỏa thuận với hãng trong việc kiểm soát, quản lý dữ liệu iCloud người dùng, kiểm duyệt ứng dụng tại đây.

Bị thao túng;

Vào đầu năm 2018, Guo Wengui, một tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong, đã đứng lên tố giác những hành vi tham nhũng của một số quan chức ở quê nhà. Guo vẫn kiên trì với chiến dịch của mình trong mấy năm qua, động thái gần đây nhất trong nỗ lực bóc trần hành vi tham nhũng là tung ra một ứng dụng trên App Store, có khả năng truyền tải thông điệp tố cáo đến mọi người. 

Tuy nhiên, trước khi ứng dụng của Guo có mặt trên iPhone, chính phủ Trung Quốc đã làm mọi cách để nó không được phê duyệt. Ngay sau khi ông Guo nộp đơn lên App Store, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc, cơ quan quản lý Internet của nước này, đã yêu cầu Apple loại bỏ ứng dụng mà không nêu bất cứ lý do gì. Và cũng không rõ do đâu mà họ biết được sự tồn tại của ứng dụng này. 

Các tài liệu và cuộc phỏng vấn của The New York Times đã phát hiện ra một góc khuất hoạt động bên trong Apple. Một công cụ được thiết kế để chủ động kiểm duyệt và chặn những ứng dụng mà họ đánh giá là nguy hiểm, cần loại bỏ.  

Vào ngày 4/2/2018, ngay sau khi chính quyền Trung Quốc yêu cầu từ chối ứng dụng của ông Guo, một người quản lý của Apple đã gửi email cho đồng nghiệp với câu hỏi: "Ông Guo có nằm trong ‘danh sách đen mà Trung Quốc gửi cho Apple không?'". Danh sách này bao gồm các tổ chức, cá nhân bị Bắc Kinh đưa vào tầm ngắm. Người đồng nghiệp đó trả lời mập mờ có thể, bởi ông ấy đã lan truyền những tin đồn chưa được kiểm chứng về quan chức Trung Quốc. 

Chân dung Guo Wengui, vị tỷ phú cố tung ra ứng dụng bóc trần hành vi tham nhũng

Một nhân viên khác tại Apple cho rằng những vấn đề như vậy nên được trình lên cho "hội đồng phê duyệt cấp cao" của Apple xử lý. Đây là một nhóm các giám đốc điều hành chuyên quyết định các vấn đề khó khăn nhất liên quan đến App Store, bao gồm cả các cấp phó hàng đầu dưới CEO. Kết quả, hai tuần sau đó, hội đồng này cho biết rằng ông Guo thuộc danh sách đen. Theo các tài liệu, một vài nhân viên của Apple đã thêm tên của Guo cũng như ứng dụng của ông ấy vào "trang wiki nội bộ chứa thông tin những ứng dụng sẽ bị xóa khỏi App Store Trung Quốc của Apple".

Đuổi việc kẻ chống đối

Sáu tháng sau, Guo đã gửi lại ứng dụng của mình với những thay đổi nhằm "phù hợp" với quy định của App Store. Trieu Pham, một nhân viên kiểm duyệt ứng dụng của Apple đã được giao nhiệm vụ kiểm duyệt ứng dụng của ông. Sau khi không tìm thấy bất cứ điều gì vi phạm quy tắc trên ứng dụng này, Trieu đã phê duyệt nó vào ngày 2/8/2018. 

Ba tuần sau, Trystan Kosmynka, trưởng bộ phận kiểm duyệt ứng dụng của Apple, đã gửi email tới một số nhà quản lý lúc 2 giờ 32 phút sáng với chủ đề là "Hot: Guo". Chính phủ Trung Quốc đã phát hiện ra ứng dụng mới của trên App Store và ông Kosmynka muốn biết tại sao nó lại được phê duyệt. "Ứng dụng này và tất cả ứng dụng sau này có liên quan đến hắn đều không thể có trên App Store tại Trung Quốc", ông viết trong email. 

Cuối cùng, Apple đã gỡ bỏ ứng dụng và bắt đầu điều tra. Một báo cáo cho biết lý do ứng dụng của Guo được phê duyệt vì "quy trình ẩn của Trung Quốc tại Apple không được tuân theo", trích dẫn từ tài liệu của tòa án. The New York Times cho biết, ông Trieu, nhân viên kiểm duyệt ứng dụng đó, lẽ ra phải gửi ứng dụng đến các chuyên gia ngôn ngữ tiếng Trung của Apple, những người được đào tạo để phát hiện các chủ đề cần chặn xuất hiện trên App Store Trung Quốc. 

Khi bị các nhà quản lý chất vấn, ông nói với họ rằng ứng dụng của Guo không vi phạm bất kỳ chính sách nào nhưng họ phản bác lại rằng ứng dụng này thực sự có vấn đề. Ông Trieu khẳng định lời nói của mình đều dựa trên các bằng chứng có trong tài liệu của tòa án. Sáu tháng sau, Apple sa thải Trieu. Không lâu sau, ông đã kiện công ty Mỹ với cáo buộc hãng đuổi việc mình nhằm xoa dịu chính phủ Trung Quốc. 

Apple cho biết lý do họ gỡ bỏ ứng dụng kia trên App Store Trung Quốc vì đã xác định được nó là bất hợp pháp. Thêm vào đó, hãng bổ sung rằng Trieu Pham bị sa thải do ông làm việc kém hiệu quả. Trong quá khứ, các ứng dụng của ông Guo được báo cáo dùng để cung cấp thông tin sai lệch. Mục đích chính xác của các ứng dụng chưa có kết luận rõ ràng, nhưng những tài liệu của tòa án cho biết, chúng có liên quan đến hành vi tham nhũng của vài quan chức.

Chiều lòng Trung Quốc, Apple sẵn sàng "bẻ cong" cả quy tắc làm việc

Chịu sai khiến

Phillip Shoemaker, người điều hành App Store của Apple từ năm 2009 đến năm 2016, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các luật sư tại Trung Quốc đã cung cấp cho nhóm của ông một danh sách, chứa những chủ đề nhạy cảm không được xuất hiện trong ứng dụng. Ông cho biết chính sách của Apple là đúng với thực tế: Nếu các luật sư phát hiện thêm bất cứ chủ đề nhạy cảm nào, Apple sẽ nhanh chóng xóa những ứng dụng có liên quan. 

Trên iPhone Trung Quốc, Apple cấm ứng dụng về những nhân vật bị coi là chống đối. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng giúp Trung Quốc truyền bá tư tưởng ra thế giới. Ngoài ra, hãng còn kiểm duyệt những biểu tượng cảm xúc, lá cờ hoặc bản đồ liên quan tới vùng lãnh thổ Đài Loan. Theo Patrick Wardle, cựu chuyên gia an ninh tại Cơ quan An ninh Quốc gia, có thời gian chỉ cần gõ từ "Đài Loan" cũng có thể khiến iPhone gặp sự cố. 

Shoemaker tiết lộ, anh từng bị đánh thức vào nửa đêm vì có yêu cầu gỡ bỏ một ứng dụng từ chính phủ Trung Quốc. Nếu ứng dụng chứa các chủ đề bị cấm, Shoemaker sẽ xóa nó, nhưng đối với các trường hợp phức tạp hơn, anh sẽ trình lên cho các giám đốc điều hành cấp cao xử lý. Vào năm 2012, Apple đã chống lại lệnh gỡ bỏ các ứng dụng của The New York Times. Kết quả, 5 năm sau, vụ kiện thành công và Tim Cook đã thông qua quyết định này, nguồn tin từ hai chuyên gia trong lĩnh vực này. 

Gần đây, Apple đã bắt đầu tiết lộ tần suất chính phủ yêu cầu họ gỡ bỏ ứng dụng. Trong khoảng thời gian hai năm tính đến cuối tháng 6/2020, Apple đã chấp thuận 91% yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng của Bắc Kinh, tương đương 1.217 ứng dụng. Trong khi đó, Apple đã chấp thuận 40% yêu cầu ở các quốc gia khác tức 253 ứng dụng.

Táo khuyết cho biết, hầu hết ứng dụng đã xóa theo yêu cầu của Trung Quốc đều có liên quan đến bài bạc, nội dung khiêu dâm, hoạt động không phép (dịch vụ cho vay, ứng dụng livestream), sai phạm so với quy định,...  

Tuy nhiên, một phân tích riêng của The New York Times về dữ liệu ứng dụng cho thấy, số ứng dụng trên chỉ là một phần nhỏ trong tổng số mà Apple đã chặn ở Trung Quốc. Kể từ năm 2017, khoảng 55.000 ứng dụng đang hoạt động đã biến mất khỏi App Store Trung Quốc nhưng ở các quốc gia khác, chúng vẫn được cung cấp.

Chí Tôn

Chủ đề khác