VnReview
Hà Nội

Các mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc bắt đầu dừng hoạt động

Sau quyết định vào cuối tuần trước của Bắc Kinh về việc siết chặt hoạt động đào bitcoin và giao dịch tiền ảo, hàng công xưởng đào tiền ảo ở Trung Quốc đã bắt đầu tháo dàn, bán máy và thanh lý nhà xưởng.

Chiếm đa số các công xưởng đào bitcoin của toàn thế giới, cũng như là nguồn cung cấp "trâu cày" bitcoin, Trung Quốc đã gây chấn động thế giới tiền ảo khi đưa ra quyết định trên. Theo Reuters, bắt đầu từ cuối tuần qua, các xưởng tiền ảo lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu rút dần hoạt động, trong đó có cả các mỏ liên kết với sàn tiền số như Huobi. Sàn tiền ảo có trụ sở tại Hồng Kông này đã gửi thông báo tới các nhà đầu tư, cho biết đã đình chỉ hoạt động giao dịch từ Trung Quốc đại lục và sẽ tập trung kinh doanh ở các thị trường khác.

Jiang Zhuo Er - nhà sáng lập xưởng đào bitcoin BTC.TOP cho biết sẽ dừng hoạt động ở Trung Quốc và chuyển sang Bắc Mỹ. Jiang dự đoán, thị trường khai thác tiền mã hóa sẽ chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Trong khi đó, HashCow, công ty sở hữu 10 xưởng khai thác bitcoin trải dài ở nhiều tỉnh như Tân Cương và Tứ Xuyên cũng đã dỡ dàn, bán máy để tuân thủ các quy định của chính phủ. HashCow cũng gửi thư cho khách hàng thông báo ngừng nhận lắp đặt "trâu cày" và sẽ hoàn tiền cho nhà đầu tư gửi máy đào nhưng chưa đào.

Mỗi xưởng đào chứa hàng trăm bộ "trâu cày", gồm những dàn CPU có năng lực xử lý cực cao

Trung Quốc từng là nơi chiếm tới 90% hashrate của thế giới tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm dần theo thời gian. Hashrate là chỉ số đo sức mạnh tính toán của hệ thống máy móc hay còn gọi là công suất đào tiền ảo. Hiện hashrate của mạng lưới bitcoin đã giảm về ngưỡng trước khi cơn sốt tiền ảo bùng nổ hồi đầu năm nay, khoảng 15 ExaHash/s khi lợi nhuận đào chỉ còn 0,19 USD/TeraHash (1 Exa = 1 triệu Tera).

Vấn đề về tiêu thụ điện năng và phát thải khí nhà kính đã khiến hoạt động đào bitcoin trở thành tâm điểm chỉ trích trong thời gian gần đây. Theo nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nature Communications, hoạt động đào tiền mã hóa tại Trung Quốc sẽ tiêu tốn lượng điện hàng năm khoảng 297 tWh vào năm 2024, tương đương tổng tiêu thụ điện của cả Italy vào năm 2016.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực giảm khí thải nhà kính, cam kết đạt trung hòa carbon (không có sự gia tăng ròng khí thải nhà kính toàn cầu vào khí quyển do hệ quả từ các hoạt động kinh doanh sản xuất) vào năm 2060. Trong kết luận ở cuộc họp của giới chức Trung Quốc hôm thứ sáu (21/5), Bắc Kinh cho biết sẽ mạnh tay trấn áp các hoạt động đào và giao dịch tiền ảo trong thời gian tới.

Như một hệ quả, làn sóng bán tháo Bitcoin đã xuất hiện cuối tuần qua, kéo giá trị của đồng này tụt xuống dưới ngưỡng nguy hiểm, chỉ còn 30.000 USD, giảm khoảng 56% so với đỉnh 65.000 USD mới thiết lập hồi đầu tháng 5.

V.H

Chủ đề khác