VnReview
Hà Nội

Sony chi 18 tỷ USD để đảm bảo vị thế thống trị về game và anime

Một trong những doanh nghiệp được coi là biểu tượng của Nhật Bản - Sony - đã đặt ra mục tiêu 1 tỷ thuê bao sử dụng các dịch vụ giải trí.

Tập đoàn Sony vừa công bố kế hoạch chi 2 nghìn tỷ Yên (khoảng 18 tỷ USD) trong vòng 3 năm tới, nhằm giữ vững vị trí thống trị trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử và nội dung anime, đồng thời mở rộng kinh doanh cảm biến hình ảnh.

"Khi nói đến sức mạnh tài chính, khả năng đầu tư và cơ hội thắng lợi của chúng tôi đã tăng lên";- Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sony, ông Kenichiro Yoshida, chia sẻ trong cuộc họp chiến lược mới đây của tập đoàn.

Sony dự kiến đầu tư chiến lược 18 tỷ USD từ nay cho đến tháng 3 năm 2024. Các khoản chi tiêu trích ra từ dòng tiền hợp nhất 3,1 nghìn tỷ Yên (khoảng hơn 28 tỷ USD), dự kiến được tạo ra trong cùng khoảng thời gian kể trên, không gồm kinh doanh dịch vụ tài chính.

Sự thành công của "Demon Slayer" đem về rất nhiều nguồn thu cho Sony

Hoạt động kinh doanh trò chơi và anime của Sony phát triển nhờ danh mục sản phẩm đa dạng của tập đoàn này, bao gồm cả bộ phim hoạt hình Demon Slayer đã công phá các kỷ lục phòng vé tại Nhật Bản cũng như Mỹ. Sony dự kiến sẽ tập dụng thành công của bộ phim hoạt hình kể trên để phát triển trò chơi điện tử ăn theo.

Cùng với đó, sản xuất phim và chương trình truyền hình dựa trên kho IP game PlayStation. Jim Ryan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sony Interactive Entertainment cho biết, có tới 10 dự án đang được phát triển. Sắp tới, Uncharted sẽ là dự án hợp tác đầu tiên của PlayStation Productions với Sony Pictures ra rạp.

Sony cũng dự định chi nhiều tiền hơn để thu hút người dùng đăng ký sử dụng các dịch vụ trò chơi, âm nhạc và phim hoạt hình của mình. Các công ty con về giải trí của hãng cũng kỳ vọng tăng cường hợp tác với các đối tác khác, nhằm mở rộng nền tảng giải trí. Ông Yoshida cho biết: "Sony hiện đang kết nối trực tiếp với 160 triệu người dùng trên thế giới qua các dịch vụ giải trí. Tôi muốn con số này tăng lên thành 1 tỷ".

Trong vài năm trở lại đây, Sony đang trở nên tích cực hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực giải trí. Năm ngoái, tập đoàn này công bố kế hoạch mua lại Crunchroll - dịch vụ phát phim hoạt hình trực tuyến tại Mỹ. Tháng trước, họ tiết lộ mua lại công ty âm nhạc Som Livre của Brazil. Mới đầu tháng này, Sony cũng hoàn tất việc mua lại thương hiệu phát hành nhạc indie AWAL có trụ sở tại London.

Nhiều khả năng, Sony sẽ tiếp tục mua lại các doanh nghiệp giải trí trong thời gian tới để bành trướng công việc kinh doanh của mình. Ông Yoshida cũng cho biết họ có "tiềm năng lớn" trong việc mở rộng người dùng ở Ấn Độ.

Hiện tập đoàn đang cung cấp dịch vụ SonyLIV, tập trung vào phát video trực tuyến chuyên về văn hóa địa phương. SonyLIV đã có bước phát triển đáng kể khi số người đăng ký trả phí tăng 8 lần trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, đạt mức 5,6 triệu người.

Máy chơi game Sony đang "cháy hàng" trên toàn cầu

Đối với lĩnh vực game, CEO của Sony cho biết thách thức trong thời gian sắp tới là phải làm sao để hệ thống thực tế ảo thế hệ tiếp theo có khả năng tích hợp được "công nghệ cảm biến mới nhất". Vào tháng 2 năm nay, tập đoàn tiết lộ đang phát triển một chiếc kính thực tế ảo mới cho PlayStation 5.

Hiện tại, máy chơi game Sony đang bị thiếu chip trầm trọng, không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty thừa nhận, tình trạng khan hàng sẽ còn kéo dài cho tới hết năm nay, khiến giới game thủ ngán ngẩm.

Ở lĩnh vực cảm biến, Sony hiện đang chiếm lĩnh phân khúc cảm biến hình ảnh trên smartphone. Tập đoàn này cũng đang nỗ lực để tăng cường nghiên cứu, phát triển cảm biến trên ô tô, phát triển các phân khúc khách hàng mới nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường smartphone.

Nguyễn Dương (Theo Nikkei)

Chủ đề khác