VnReview
Hà Nội

Forbes: Sony dịch chuyển từ phần cứng sang dịch vụ, lãi lớn nhưng có đôi chút buồn

Thông thường, hiếm có công ty nào mạo hiểm thực hiện một cú "xoay trục" về lĩnh vực kinh doanh nếu không rơi vào thế buộc phải làm điều đó. Hầu hết các công ty tìm cách thay đổi DNA quá muộn sau khi đã bị bỏ lại bởi chuyến tàu thị trường.

Nhưng Sony lại khác biệt so với số còn lại, bởi đội ngũ quản lý của hãng đã sớm đọc vị thị trường và chủ động lèo lái quá trình chuyển đổi hết sức quan trọng, biến công ty từ một nhà sản xuất phần cứng sang mô hình kinh doanh hướng dịch vụ.

Ảnh hưởng của phần cứng Sony lên âm nhạc hiện đại

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Sony là một trong những công ty Nhật Bản đầu tiên tận dụng đội ngũ nhân công rẻ mạt để sản xuất hàng hoá tiêu dùng. Tuy nhiên, phải đến khi hãng giới thiệu một mẫu đài bán dẫn xách tay nhỏ gọn, vận may mới bắt đầu mỉm cười.

Có thể nói rằng ngành công nghiệp âm nhạc đã được "tiêm steroid" nhờ sự xuất hiện gần như cùng lúc của thiết bị nghe radio nhỏ bằng lòng bàn tay mang tên Sony TR-63, cùng với ban nhạc Beatles, vào cuối năm 1963. Chiếc radio này đã trở thành một món quà Giáng sinh phổ biến, còn bộ tứ huyền thoại lúc bấy giờ cũng vừa ra mắt và chễm chệ trên đỉnh của nhiều bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ. Earphone dạng đơn khá tiện lợi của TR-63 được xem là công cụ hoàn hảo để những cô cậu tuổi teen nghe nhạc một cách bí mật trong khi ngủ thiếp đi, và điều này gián tiếp giúp doanh số đĩa vinyl tăng đến chóng mặt.

Nhưng trên thực tế, phải đến khi Walkman ra mắt năm 1979, Sony mới bùng nổ. Trước đó, nghe nhạc thông qua đĩa vinyl hay định dạng băng cassette vừa ra mắt chỉ có thể được thực hiện tại nhà, bởi các thiết bị này quá lớn. Sự xuất hiện của Walkman đã lần đầu cho phép mọi người mang âm nhạc theo bên mình đến khắp mọi nơi. Sony đã bán được hơn 200 triệu máy cho đến khi ngừng sản xuất vào năm 2010, và Walkman đã thực sự đặt cái tên Sony lên bản đồ thị trường với danh nghĩa một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng lớn của thế giới.

Tiếp đó, Sony phát triển đĩa compact cùng với Philips, và sản phẩm này một lần nữa thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp âm nhạc. Khi mà nhiều người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lại toàn bộ danh mục nhạc yêu thích của họ dưới định dạng số tân tiến, các hãng thu âm lớn bắt đầu tận hưởng dòng doanh thu mới mẻ và trở thành mục tiêu thâu tóm bởi những tập đoàn lớn hơn. Ngành công nghiệp âm nhạc đã thay đổi mãi mãi, với các nhà doanh nghiệp được thay thế bởi lãnh đạo các tập đoàn, lợi nhuận tăng vọt, và tất cả diễn ra là nhờ miếng nhựa tròn do Sony tạo ra. Công ty Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ cần rung đùi thu phí bản quyền trên doanh thu của gần một nghìn tỷ CD thuộc nhiều định dạng khác nhau trong nhiều năm liền. Nhưng mỗi phần doanh thu được tạo ra chỉ là một phần nhỏ của sức ảnh hưởng to lớn của sản phẩm này lên ngành công nghiệp âm nhạc.

Tất nhiên, những sản phẩm đột phá của Sony chưa dừng ở đó. Đã có thời điểm những chiếc TV tốt nhất thị trường bạn có thể mua được mang tên Sony Trinitron, và thiết bị âm thanh cao cấp lẫn phổ thông của công ty được xếp vào hàng "đỉnh của đỉnh". Máy ảnh, máy tính, máy in, bán dẫn, pin, và rất nhiều thứ thiết yếu khác đều hiện diện trong danh sách sản phẩm rộng lớn của Sony.

Máy nghe nhạc của Sony luôn là sản phẩm yêu thích của những người mê nhạc

Lấn sân sang đa phương tiện

Các lãnh đạo của Sony đủ thông minh để nhận ra rằng cách tốt nhất để tăng cường doanh thu từ mảng thiết bị điện tử phần cứng là phải có hệ sinh thái phần mềm media đầy đủ dành cho chúng (một chiến lược được Apple áp dụng rất thành công). Vào năm 1988, công ty khiến cả thế giới âm nhạc sốc khi mua Columbia Records, hãng thu âm lớn nhất và tiềm năng nhất thời điểm đó. Một vài năm sau đó, hãng này đổi tên thành Sony Music và duy trì đến ngày nay.

Năm 1989, công ty thực hiện tiếp một bước đi lớn vào thế giới phương tiện bằng cách thâu tóm Columbia Pictures từ Coca-Cola và rồi đổi tên nó thành Sony Pictures Entertainment.

Tiếp đó, khi hệ máy console PlayStation của Sony ra mắt vào năm 1994, công ty lập nên một công ty con gọi là Sony Computer Entertainment (hiện là Sony Interactive Entertainment) nhằm đảm bảo hệ máy này luôn có một kho game phong phú. Kể từ thời điểm đó, đây cũng là công ty con có khả năng sinh lời bậc nhất của Sony.

Thoát khỏi phần cứng

Tất cả những sự kiện nêu trên đều dẫn đến công bố gần đây nhất của Sony: công ty sẽ giảm bớt tài nguyên cho mảng phần cứng, và tập trung mạnh hơn vào game, phương tiện, và dịch vụ. Sony cho biết họ dự kiến triển khai những khoản đầu tư chiến lược trị giá 18 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để thực hiện tham vọng đó, với một ngoại lệ là mảng kinh doanh cảm biến. Công ty Nhật Bản hiện là một nhà cung ứng cảm biến cho smartphone và camera lớn trên thị trường, và họ được cho là đang muốn mở rộng sang cả lĩnh vực cảm biến cho xe hơi.

Khi nhìn lại, có thể thấy Sony đã đi trước đón đầu những thứ mới mẻ và hấp dẫn trong nhiều năm trời, và nay họ quyết định rời đi để các công ty khác nhảy vào "rỉa" nốt phần còn lại. Trong vài năm trở lại đây, bạn có lẽ đã đôi lần nhận thấy Sony đang hướng sang một ngã rẽ khác khi quan sát những sản phẩm mà công ty tung ra tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Las Vegas. Mọi chuyện đã được định sẵn từ lâu!

Sony hiển nhiên đang đi đúng hướng đã chọn, khi mà năm ngoái, họ đạt được doanh thu kỷ lục 81 tỷ USD (tăng 9% so với năm trước đó), và lợi nhuận ròng kỷ lục 10 tỷ USD (tăng 101% so với năm trước đó). Nhưng điều đó không có nghĩa khi nhìn lại toàn bộ quá trình, người trong cuộc lẫn những ai yêu mến Sony không cảm thấy có đôi chút buồn.

Sony đã luôn tạo ra được những sản phẩm phần cứng tiêu dùng xuất sắc. Bất kể bạn mua sản phẩm nào của công ty này, bạn đều biết nó sẽ hoạt động như quảng cáo, thậm chí là tốt hơn, và cực kỳ bền bỉ. Trên thế giới có rất nhiều nhà sản xuất phần cứng giỏi, nhưng Sony phải được xếp vào loại đặc biệt. Thế giới đang thay đổi chóng mặt của chúng ta có lẽ sẽ không còn trọn vẹn khi không có những sản phẩm phần cứng của Sony nữa.

Minh.T.T (theo Forbes)

Chủ đề khác