VnReview
Hà Nội

Đằng sau sự thành công toàn cầu của BTS và làn sóng Kpop (Phần 2)

Bên cạnh chiến lược phát triển của công ty quản lý, sự phát triển của BTS còn nhờ vào sự hậu thuẫn của chính phủ Hàn Quốc.

Nhóm nhạc thần tượng nữ Blackpink biểu diễn tại lễ hội Coachella ở California vào năm 2019

Đối với lĩnh vực văn hóa Hàn Quốc, việc tiếp cận người hâm mộ trên khắp thế giới được xem như thành quả đỉnh cao của nhiều thập kỷ phát triển. Hwang Seon-hye, cựu giám đốc trung tâm kinh doanh Tokyo của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, cho rằng nguồn gốc của sự thành công quốc tế ngày nay mà nội dung Hàn Quốc có được bắt nguồn từ cuối thập niên 90.

Chính sách phát triển văn hóa đại chúng của Hàn Quốc

Để tìm kiếm sự tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Tổng thống Kim Dae-jung khi đó đã đặt cược vào hai ngành bổ trợ mới là văn hóa đại chúng và công nghệ thông tin. Dựa theo hướng đi đó, các đời tổng thống kế nhiệm của Hàn Quốc tiếp tục phát huy sức mạnh văn hóa và rót ngân sách nhà nước vào hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo.

Đối mặt với nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước và thị trường trong nước tương đối nhỏ, nhân tài và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã hướng ra nước ngoài. Hwang cho biết việc tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông đồng nghĩa với việc s tạo nội dung để phân phối trực tuyến toàn cầu, một định hướng mà Hàn Quốc hiện đang phát triển mạnh.

"Tất nhiên, những nội dung đó phải thú vị và vui nhộn. Nhưng khả năng cạnh tranh quốc tế nằm ở quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng ở các định dạng nội dung. Cho dù là đối với âm nhạc hay phim truyền hình phục vụ cho mục đích phân phối trực tuyến và ở các quốc gia khác, tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều phải minh bạch và được thiết lập rõ ràng", bà Hwang cho biết.

Big 3 K-pop, nhóm 3 công ty giải trí lớn nhất ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (ảnh: Nikkei);

KOCCA (Cục Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc) được thiết lập như một phần của bộ máy hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên làm về công việc sáng tạo ở Hàn Quốc. Xét duyệt nội dung để xuất khẩu quốc tế, cơ quan này sẽ chọn lọc những thị trường mà họ có thể tiếp cận. Các văn phòng khu vực sau đó sẽ giúp kết nối công ty, cá nhân Hàn Quốc với khách hàng địa phương.

Văn phòng quốc tế đầu tiên được thành lập tại Nhật Bản và Trung Quốc vào năm 2001, chủ yếu để hỗ trợ ngành công nghiệp hoạt hình. Nhưng Hwang cho rằng cơ hội đã tăng lên gấp bội. Phim hoạt hình trực tuyến và phim truyền hình Hàn Quốc có thể được chuyển thể thành nhiều nội dung ở nhiều nước khác nhau.

"Nhìn chung, các công ty giải trí Hàn Quốc đã và đang đi đầu ... cố gắng làm cho nội dung của họ dễ tiếp cận nhất có thể, bất kể bạn ở đâu trên thế giới", Jenna Gibson, ứng cử viên tiến sĩ tại Đại học Chicago, cho biết.

"Họ đang tạo ra những video có thể chia sẻ được và sở hữu tính phổ biến cao. Ngoài ra, họ không chỉ đầu tư vào âm nhạc hay mà còn đầu tư vào toàn bộ quá trình sản xuất, cùng với đó là màn trình diễn hết mình trên sân khấu", Gibson nói.

Fandom Army đông đảo

Một động lực thiết yếu dẫn đến thành công của K-Pop là vai trò của chính người hâm mộ trong việc truyền bá nội dung yêu thích. Người hâm mộ BTS tập hợp trên Weverse, Twitter hoặc YouTube để thảo luận về cách phiên dịch lời bài hát, bài phỏng vấn nghệ sĩ và bài đăng trên mạng xã hội sang hàng chục ngôn ngữ khác nhau – một loại hoạt động quảng bá mà có tiền cũng không thể mua được.

Army đã chứng tỏ hiệu quả trong việc theo dõi và phân tích về cơ sở người hâm mộ toàn cầu của BTS. Năm 2020, Army đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 400.000 người hâm mộ BTS đại diện cho hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cuộc khảo sát được thực hiện bằng 46 ngôn ngữ và phát hiện ra rằng hơn một nửa trong số đó là dưới 18 tuổi và phụ nữ chiếm đến 86%. Dữ liệu bên ngoài từ việc bán vé cho thấy cơ sở người hâm mộ ngày càng đa dạng về giới tính.

Cho đến nay, quốc gia có nhiều người trả lời khảo sát nhất là Indonesia, chiếm 20% số người được khảo sát, đánh bại Mỹ với 8,4% và Hàn Quốc với 3,7%. Indonesia là một quốc gia dân số trẻ, đông dân và có mối quan hệ lâu năm với văn hóa Hàn Quốc, bao gồm mỹ phẩm, thời trang.

Người hâm mộ BTS giữ khoảng cách khi tập trung xem một buổi hòa nhạc trực tuyến ở Seoul vào tháng 10

CedarBough Saeji, phó giáo sư thỉnh giảng về Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á tại Đại học Indiana, Bloomington, mô tả các cơ hội thương mại dựa trên sự phổ biến của K-Pop là "các ngành công nghiệp đen tối".

Ông cho biết bản thân ngành công nghiệp giải trí không có sự trong sạch. Những lời bàn tán lan truyền trong nhiều năm khi các nghệ sĩ biểu diễn dễ bị ràng buộc trong vô số hợp đồng không công bằng và mọi động thái của họ đều bị cơ quan quản lý kiểm soát, thậm chí có thể đối mặt với lạm dụng tình dục và sang chấn tâm lý.

Những lo ngại đó bùng phát vào năm 2019, khi một số nhân vật nổi tiếng của nền giải trí Hàn Quốc bị phát hiện có liên quan đến mại dâm, buôn bán ma túy và phân phối video tình dục quay hình phụ nữ mà không được sự đồng ý từ họ.

Nhưng những ngôi sao K-Pop được công ty quản lý thể hiện là những người trong sạch và hoàn mỹ đã thúc đẩy tiềm năng của họ đối với người ủng hộ. "Chúng ta luôn có mong muốn về những lựa chọn thay thế, nơi phong cách ngôi sao hung hãn, có khoảng cách với khán giả được thay thế bằng một thần tượng nhạc pop xinh đẹp, đầy khát vọng và thân thiện với người hâm mộ. Khi đó, các ngôi sao nhạc pop phương Tây không cung cấp được thứ chúng ta đang cần", Saeji nói.

BTS được tạo điều kiện trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

Những nỗ lực của Hybe trong việc đa dạng hóa các khu vực địa lý và lĩnh vực âm nhạc cho thấy một triết lý rằng BTS cũng như bao nhóm nhạc khác, không thể duy trì vị trí hàng đầu mãi mãi.

Vào tháng 12/2020, cơ quan lập pháp Hàn Quốc đã thông qua một dự luật cho phép các thành viên của BTS trì hoãn nghĩa vụ bắt buộc cho đến tuổi 30.

Động lực đằng sau dự luật này là Jeon Yong-gi, một nhà lập pháp của đảng cầm quyền, người nói rằng mục đích của luật là để ghi nhận những nghệ sĩ có đóng góp đáng kể trong việc quảng bá đất nước ra thế giới và cho phép họ hoãn nghĩa vụ để giảm thiểu tối đa gián đoạn cho sự nghiệp của họ.

Ông đề cập đến việc BTS đặc biệt xứng đáng với sự quan tâm tích cực mà khán giả toàn cầu dành cho Hàn Quốc và cho biết việc hoãn nghĩa vụ có thể được mở rộng cho các vận động viên thể thao điện tử xuất sắc. Trước đó, Hàn Quốc đã có một sửa đổi luật nghĩa vụ quân sự để "trị" các ngôi sao tìm cách trốn nhập ngũ.

Theo kế hoạch, 7 thành viên của BTS sẽ cùng nhau nhập ngũ vào năm 2025

Tại xứ sở kim chi, hệ thống nghĩa vụ quân sự bắt buộc là một vấn đề nóng trong nước. Giới thượng lưu vốn có mối quan hệ tốt với đất nước trong quá khứ, thường tìm mọi cách để trốn nhập ngũ. Vì thế, trước những động thái miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho các nghệ sĩ giải trí và vận động viên, chính phủ Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng.

Hiện tại, câu hỏi đặt ra cho việc đổi tên thương hiệu của Hybe là liệu công ty có thể tìm ra nhân tố mới để kế thừa ngọn lửa thành công từ BTS khi các thành viên trong nhóm tạm thời vắng mặt hay không.

Trong tương lai, Hybe có khả năng tăng cường quảng bá cho Enhypen và TXT, những nhóm đã có màn ra mắt thành công. Công ty gần đây cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với YG Entertainment, đối thủ đại diện cho nhóm nhạc nữ Blackpink, đồng thời có kế hoạch mở rộng hơn nữa sang các lĩnh vực từ sản xuất âm nhạc đến kinh doanh nền tảng và giáo dục tiếng Hàn.

"Big Hit đang làm những điều mà các công ty khác đã làm trước đây, nhưng điều khác biệt là tốc độ họ làm và số tiền họ đầu tư vào nó. Tại thời điểm này, họ đang thử nghiệm bằng cách rẽ sang nhiều con đường khác nhau và vẫn còn quá sớm nên chưa thể kết luận được gì", Gibson nói.

Các chuyên gia nhất trí rằng người hâm mộ BTS vẫn sẽ hứng thú và dành tình cảm cho nhóm, thậm chí còn tăng đáng kể hoạt động của fandom ngay cả khi các thành viên nhập ngũ.

Học giả Epps-Robertson cho biết: "Tôi không nghĩ Army sẽ rời bỏ BTS vì âm nhạc và thông điệp của nhóm không giới hạn độ tuổi, cũng như có sức hấp dẫn giữa các thế hệ, bởi vì chúng phản ánh cảm xúc và trải nghiệm mà chúng ta gặp phải trong suốt cuộc đời".

Ngọc Diệp (Theo Nikkei)

Chủ đề khác