VnReview
Hà Nội

Nhiều nước phớt lờ cảnh báo của Mỹ về khả năng Huawei hoạt động gián điệp

Các quốc gia phát triển không mấy "bận tâm" trước những lo ngại về an ninh Mỹ cáo buộc cho công nghệ của Huawei, nhất là khi công ty tiếp tục kế hoạch xây dựng nhà máy thiết bị 5G ở Pháp.

Trong một nghiên cứu được công bố hôm 2/6, tổ chức tư vấn Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) có trụ sở tại London kết luận "việc ban hành một chính sách an ninh chung đối với vấn đề đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là khó có thể thực hiện".

Nghiên cứu cũng cho biết "những lo ngại ngày càng tăng về sự phụ thuộc vào công nghệ đang khiến một số quốc gia phát triển phải xem xét lại thỏa thuận với Trung Quốc, trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Còn các quốc gia đang phát triển yếu thế hơn lại tỏ ra miễn cưỡng tuân theo".

Huawei có kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất trị giá 200 triệu euro ở Pháp. Công ty dự kiến mở cửa nhà máy vào năm 2023 với mục tiêu sản xuất thiết bị, trạm phát không dây 5G cho đối tác châu Âu. Nằm gần biên giới giữa Pháp với Đức, Huawei dự kiến nhà máy sẽ tạo ra 1 tỷ euro giá trị các thiết bị 5G mỗi năm, trong bối cảnh công ty phải đối mặt với những chỉ trích gây gắt ngày càng leo thang của Mỹ. Nước này cáo buộc thiết bị mạng di động của Huawei có nguy cơ gián điệp cho Trung Quốc.

Song, công ty bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc và tuyên bố, họ chủ động cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào thiết bị của mình để theo dõi lưu lượng thoại và dữ liệu.

Năm 2019, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ bổ sung Huawei vào danh sách pháp nhân, hạn chế quyền truy cập của Huawei vào mạng lưới Mỹ. Cục cũng hạn chế xuất khẩu công nghệ do Mỹ làm chủ cho Huawei và cấm công ty tham gia đấu thầu vào dự án của chính phủ hoặc xây dựng mạng lưới 5G cho các nước đồng minh khác, bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Anh.

"Tuy nhiên, các quốc gia phát triển đang chống lại nỗ lực loại trừ Huawei ra khỏi mạng lưới Internet của Mỹ", ODI cho biết.

Chính phủ Malaysia chống lại Washington bằng cách nhấn mạnh sẽ tự áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật riêng trong việc lựa chọn đối tác 5G. Đồng thời, nước này cho biết sẽ không chuyện ngừng hợp tác với Huawei hay các công ty công nghệ Trung Quốc.

Ở châu Phi, hầu hết các quốc gia đều chấp nhận Huawei, trong đó Kenya và Nam Phi sử dụng công nghệ từ Trung Quốc để xây dựng hạ tầng mạng 5G. Bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Mỹ đối với các quốc gia ngừng sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc, Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất ở châu Phi.

Nhà mạng Safaricom của Kenya sử dụng công nghệ của Huawei để triển khai 5G

Một nghiên cứu gần đây của dự án CSIS Reconnecting Asia cho biết, các nền kinh tế đang phát triển vẫn chào đón Huawei. Hãng đã thiết lập được 70 thỏa thuận tại 41 quốc gia về cơ sở hạ tầng đám mây, dịch vụ chính phủ điện tử. Hầu hết các giao dịch này (57%) là ở các nước có thu nhập trung bình, hơn một phần ba là ở châu Phi.

Vào năm 2020, thị trường châu Phi và Trung Đông chiếm đến 50 – 60% doanh số thiết bị không dây của Huawei và ZTE. "Vẫn còn phải xem liệu có nhiều quốc gia loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi mạng lưới 5G của họ hay không", nghiên cứu của ODI tiết lộ.

Nhiều khả năng trong tương lai, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn đối với Huawei. Trước mắt, công ty phải tập trung vào việc xây dựng khả năng tự cung cấp các thành phần linh kiện quan trọng như chip.

Nhưng về lâu dài, ngay cả khi mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và các nước hạ nhiệt, Huawei và các công ty Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy việc làm chủ công nghệ và đổi mới nhằm hạn chế hết mức những rủi ro do địa chính trị mang lại, Olena Borodyna, một cán bộ nghiên cứu trong chương trình Khả năng phục hồi và Rủi ro Toàn cầu của ODI và là đồng tác giả của báo cáo, cho biết.

Những nỗ lực này từ phía Trung Quốc sẽ duy trì đà dẫn đầu về vấn đề triển khai 5G và sự đổi mới trí tuệ nhân tạo. Hơn cả, nó còn là đòn bẩy giúp Huawei tiên phong trong các lĩnh vực về mạng không dây thế hệ kế tiếp – 6G.

Bên cạnh Pháp, Huawei đang triển khai các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trị giá hàng tỷ USD trên khắp châu Phi và châu Á. Ở Đông Nam Á, công ty sẽ chi 23,2 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu thứ ba tại Thái Lan nhằm phát triển thành nơi đi đầu về công nghệ kỹ thuật số trong khu vực.

Công nghệ mạng 5G thương mại đầu tiên ở châu Phi là do Huawei cung cấp

Huawei cũng sẽ cùng xây dựng một mạng lưới cáp quang, phục vụ các công ty đa quốc gia và các cơ quan chính phủ. Nghiên cứu của ODI cho biết các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu 398 giải pháp về công nghệ thành phố thông minh đến hơn 100 quốc gia.

"Chưa rõ các nước đang phát triển sẽ quan tâm đến những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu ở mức độ nào và liệu điều này có ngăn cản họ hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là trong trường hợp không có các giải pháp thay thế cạnh tranh, hay không", bà Borodyna;cho biết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy trước khi giới thiệu công nghệ 5G, Huawei đã mở rộng thị phần ở các nước đang phát triển nhờ chính sách vay ưu đãi cho chính phủ và công ty viễn thông ở nước sở tại để nâng cấp hạ tầng Internet. Được biết, Huawei đã cùng với nhiều ngân hàng Trung Quốc để đưa ra ưu đãi về giá.

"Ngay cả đối thủ lớn như Samsung cũng không thể so sánh với Huawei về mức giá cạnh tranh, đó là chưa kể tại những thị trường không nhiều ngân sách như các quốc gia đang phát triển", báo cáo nêu rõ.

Alexander Brown, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, cho biết với việc Huawei đang phải đối mặt với những hạn chế ở một số nước phát triển, "sự lãnh đạo của chính quyền Bắc Kinh đã nâng cao độ tin cậy cho chuỗi cung ứng và năng lực công nghệ cốt lõi, đưa nó thành vấn đề cấp bách đối với an ninh quốc gia và kế hoạch phát triển 5 năm của đất nước".

Brown cho biết Trung Quốc dự kiến đẩy mạnh công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo, điện toán lượng tử, chất bán dẫn hoặc khoa học thần kinh. Điều này vô tình khiến các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của nước này chịu áp lực cung cấp sản phẩm cho chính phủ.

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Chủ đề khác