VnReview
Hà Nội

Tổng thống Joe Biden gỡ bỏ lệnh cấm đối với TikTok và WeChat

Ngày 9/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút lại một loạt lệnh hành pháp từ thời ông Trump, ngăn không cho người dùng tải xuống hai ứng dụng Trung Quốc là WeChat và TikTok.

Biden đồng thời ra lệnh Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại những rủi ro bảo mật mà các ứng dụng có liên kết với đối thủ nước ngoài mang lại, dựa trên quy tắc bảo mật chuỗi cung ứng mà Mỹ phê duyệt thời gian gần đây. ;

Bộ Thương mại Mỹ sẽ xem xét các ứng dụng "được thiết kế, phát triển, sản xuất hoặc cung cấp bởi người sở hữu, hoặc chịu sự kiểm soát của đối thủ nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, có thể gây ra rủi ro không đáng có hoặc không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia và người dân Mỹ", tờ Wall Street Journal dẫn lời Nhà Trắng.

Lệnh hành pháp cũng đưa ra các tiêu chí để xác định và đánh giá mức độ rủi ro của ứng dụng, nhất là đối với những phần mềm "có liên quan đến hoạt động tình báo hoặc phục vụ cho mục đích quân sự của đối thủ nước ngoài, tham gia vào hoạt động độc hại trên Internet hay thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm".

Thông qua động thái này, Tổng thống Biden thu hồi lệnh cấm đối với WeChat và TikTok được ông Trump đưa ra vào tháng 8/2020, bên cạnh một lệnh hành pháp vào tháng 1/2021 nhắm mục tiêu vào 8 ứng dụng công nghệ tài chính và truyền thông.

Trước đó, chính quyền Trump đã ban hành lệnh gỡ bỏ TikTok và WeChat khỏi các kho ứng dụng tại Mỹ vì lo ngại hoạt động thu thập dữ liệu bất chính rồi gửi về Trung Quốc. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị ngăn chặn bởi tòa án liên bang. Thậm chí ông Trump còn yêu cầu TikTok thoái vốn cho các công ty do người Mỹ sở hữu.

Thông tin WSJ công bố vào tháng 2/2021 cho biết chính quyền Biden đã đảo ngược sắc lệnh này khi hoãn kế hoạch buộc bán TikTok trong bối cảnh những thách thức pháp lý đang diễn ra.

Vào thời điểm đó, Nhà Trắng đang xem xét cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ an ninh dữ liệu, cân nhắc hành động của chính quyền cũ để xác định xem liệu mối đe dọa an ninh mà ông Trump viện dẫn có phù hợp cho lệnh cấm hoàn toàn hay không.

Đây được xem là động thái mới nhất của chính quyền Biden trong việc giải quyết những thách thức mà Trung Quốc đặt ra. Tuần trước, Biden đã ký mở rộng lệnh cấm đầu tư từ thời ông Trump vào một số công ty Trung Quốc trong lĩnh vực giám sát và quốc phòng.

Cụ thể, có 59 công ty bị liệt vào danh sách cấm đầu tư, bao gồm những cái tên chịu trách nhiệm sáng chế và triển khai công nghệ giám sát chống lại các nhóm thiểu số Hồi giáo và bất đồng chính kiến ở Hong Kong.

Một quan chức giấu tên làm việc cho chính quyền cấp cao kỳ vọng Tổng thống Mỹ sẽ bổ sung thêm hoạt động chống lại Trung Quốc sau khi thực hiện chuyến đi đầu tiên tại nhiệm sở để gặp các nhà lãnh đạo trong nhóm G7, NATO và Liên minh châu Âu.

Ngọc Diệp (Theo WSJ)

Chủ đề khác