VnReview
Hà Nội

“Thái tử Samsung” có thể được ân xá

Tổng thống Hàn Quốc dường như đang nghiên về phương án ân xá cho Phó chủ tịch Samsung.

Trong một bữa ăn trưa cùng các lãnh đạo hàng đầu của nhóm Big 4, bao gồm 4 tập đoàn chaebol lớn nhất Hàn Quốc, tổng thống cho biết "nhiều người bày tỏ sự cảm thông" tới Phó chủ tịch đang ngồi tù của Samsung. Tại Nhà Xanh, ông dường như đang "bắn tín hiệu" thăm dò phản ứng tới quan chức Samsung, Hyundai, SK và LG.

Khả năng ân xá là rất cao

Các giám đốc đã đề nghị Tổng thống Moon Jae-in xem xét khoan dung với ông Lee, người đang ngồi tù tại Trung tâm Giam giữ Seoul. "Tình hình kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Tôi biết cần phải có các hành động quyết liệt tới từ các tập đoàn" - ông Moon nói. Những gì ông nói trái ngược hẳn thái độ trước đây, vốn rất cứng rắn với lãnh đạo các doanh nghiệp.

Dường như nỗ lực từ giới doanh nhân và công chúng đã có tác dụng. Ông Moon có thể đã xoay chuyển tâm ý bởi vị thế quá lớn của Samsung trong nền kinh tế. Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD tại Mỹ, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh gia tăng đối với đơn vị kinh doanh bán dẫn cốt lõi.

Tổng thống Moon đang chịu áp lực phải ân xá ông Lee (ảnh: Nikkei)

Một nhà phân tích chính trị dày dạn kinh nghiệm, Park Sung-min, nhắc đến khả năng ân xá cho ông Lee là "khả năng rất cao". "Tình cảm của mọi người với ông ấy đang tiến triển rất tốt", sau đó liên hệ với hành động quyên góp bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của cha ông Lee mà gia đình Samsung thực hiện hồi tháng Tư.

Lee Kun-hee, cha ông của Phó chủ tịch Samsung hiện tại, có sở thích sưu tập tác phẩm nghệ thuật và đã mua rất nhiều tranh của Pablo Picasso và Claude Monet.

Hankook Research đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 người vào tháng trước, thu về kết quả cũng ủng hộ ông Lee. Có 64% người tham gia nghiêng về phương án ân xá, 27% phản đối và 9% không nêu quan điểm. Giả sử Hàn Quốc đưa ra thông báo ân xá cho người thừa kế Samsung, có thể là vào Quốc Khánh.

Các nhà phân tích tin rằng, lệnh ân xá sẽ được thông báo ngày 15/8, Lễ Quốc Khánh của đất nước Hàn Quốc nhằm kỷ niệm việc Nhật Bản chính thức đầu hàng trong Thế Chiến II. Đó cũng là ngày chính phủ Hàn Quốc được thành lập. Tuy nhiên, Nhà Xanh vẫn một mực từ chối xác nhận bất cứ thông tin gì.

Nếu được ân xá, ông Lee nhận lệnh vào ngày Quốc Khánh của Hàn Quốc (ảnh: Yonhap)

Một quan chức cho biết: "Tổng thống sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi lắng nghe cẩn thận ý kiến từ nhiều phía. Ông không hề nói cụ thể rằng sẽ ân xá hay không." Phía Samsung cũng từ chối bình luận.

Những ý kiến bất đồng

Hiện tại, với tư cách là người đóng thuế nhiều nhất cho đất nước, Samsung đóng một vai trò không thể thay thế. Tuy nhiên, tập đoàn này lại đang đối mặt với thách thức hiện thực hóa tham vọng thống trị ngành bán dẫn, kỳ hạn năm 2030. Họ đã dẫn đầu lĩnh vực chip nhớ, nhưng bây giờ phải vượt qua các đối thủ hùng mạnh khác để có thể nắm trọn ngành bán dẫn.

Nhiều đơn vị truyền thông đã yêu cầu Tổng thống phóng thích ông Lee khỏi nhà tù, qua đó giúp Samsung có thể đưa ra các quyết định chiến lược, thực hiện các vụ đầu tư và M&A lớn. Một số thậm chí còn hy vọng, ông Lee có thể tận dụng mạng lưới quan hệ toàn cầu của mình để giúp Hàn Quốc đảm bảo nguồn vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, bên cạnh tâm lý đó thì cũng có những tiếng nói phản biện khác. Jang Hye-young thuộc Đảng Công lý đã nói rằng, Lee được thả tự do chẳng khác nào một hành động phủ định sự công bằng trước pháp luật. "Lee nên ngồi tù cho tới khi mãn hạn" - một nhà lập pháp nói.

Một số người biểu tình yêu cầu không được ân xá ông Lee (ảnh: Nikkei)

Một thành viên trong Đảng Dân chủ của ông Moon cũng nghĩ tương tự, nếu ân xá thì chứng tỏ giàu có và quyền lực sẽ luôn giành được sự khoan dung, kể cả phải đứng trước pháp luật. Theo Park Sang-in, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, sự vắng một của một thành viên cũng không ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của một chaebol. Ân xá ông Lee có thể là thiếu công bằng.

Không phải lần đầu

Lịch sử Hàn Quốc ghi nhận nhiều vụ bắt giữ sau đó ân xá đối với các quan chức chaebol. Năm 2009, Tổng thống Lee Myung-bak từng ân xá cho ông Lee Kun-hee khỏi án tù ba năm vì biển thủ và trốn thuế. Trước đó, năm 1997 ông Lee cũng từng bị ngồi tù 2 năm vì tội hối lộ cựu Tổng thống Roh Tae-woo 10 tỷ won. Sau đó, Tổng thống Kim Young-san đã ân xá cho ông.

Hai chaebol khác là Hyundai và SK đều từng có chủ tịch phải ngồi tù, sau đó được tổng thống ân xá.

Trong suy nghĩ nhiều người, "ân xá" dường như là một đặc quyền mà những người lãnh đạo các chaebol có được. Đơn giản vì họ ở vị trí có thể cống hiến cho đất nước, thay vì tống họ vào tù và không thể trực tiếp lèo lái doanh nghiệp.

"Nếu ngài Lee được thả, đó chính là tín hiệu cho thấy thành viên trong gia đình nắm quyền ở chaebol vẫn là vùng cấm" - một nhà phân tích đề nghị ẩn danh nói.

Ambitious Man (Theo Nikkei)

Chủ đề khác