VnReview
Hà Nội

Sau Mỹ, TSMC chọn Nhật Bản để xây nhà máy chip tiếp theo

Công ty bán dẫn Đài Loan TSMC đang cân nhắc việc xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Nhật Bản sau khi chính quyền Tokyo đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn ở nước này.

Nguồn tin thân cận với Nikkei;cho biết, TSMC đang xem xét kế hoạch xây dựng một nhà máy ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nhật Bản. Được biết,  TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và xem Sony của Nhật Bản là một trong những khách hàng chính của mình. 

Cơ sở sản xuất này sẽ có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cảm biến hình ảnh, vi điều khiển ô tô và các chip xử lý khác. Đây cũng nơi đánh dấu bước đi đầu tiên của TSMC đến Nhật Bản, sau nhiều thập kỷ duy trì chiến lược đặt dây chuyền sản xuất ở thị trường nội địa.

Bên cạnh Tokyo, TSMC cũng đang xây dựng một nhà máy chip tiên tiến ở Mỹ để đối phó với áp lực từ chính quyền Washington, hối thúc các công ty xây dựng cơ sở gia công bán dẫn ở địa phương. Trong năm 2020, các đối tác Nhật Bản đóng góp 4,7% doanh thu của công ty Đài Loan, trong khi con số đó lên đến 62% đối với nhóm khách hàng Bắc Mỹ.

Theo kế hoạch dự kiến, TSMC sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất tấm wafer 12 inch có thể chuyển đổi giữa các công nghệ quy trình khác nhau, bao gồm tiến trình sản xuất 28 nm và 16 nm. Trên lý thuyết, kích thước nanomet, khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên chip, càng nhỏ thì giá thành và chất lượng của chip càng cao.

Nếu đề án xây dựng được thông qua, cơ sở sản xuất của TSMC sẽ được xây dựng gần với nhà máy của Sony ở Kumamoto. Tuy nhiên, công ty Đài Loan sẽ sở hữu và điều hành nhà máy độc lập để tránh những rủi ro về xung đột lợi ích.

Theo kế hoạch, TSMC sẽ chi 18,6 tỷ yên (tương đương 170 triệu USD) cho một trung tâm R&D ở Nhật Bản, cùng với các nhà cung cấp hàng đầu tại đây chế tạo những vật liệu và công cụ bán dẫn tiên tiến. Mặt khác, chính phủ Nhật Bản cũng đang có kế hoạch rót ngân sách vào lĩnh vực bán dẫn để bắt kịp với các cường quốc.

Với vị thế dẫn đầu, TSMC chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu cho dịch vụ đúc chip theo hợp đồng cho các bên, trong đó gồm nhiều tên tuổi lớn như Apple, Qualcomm, Nvidia, Broadcom, Amazon và Google. Bên cạnh đó, nhà sản xuất Đài Loan còn hợp tác sản xuất chip ô tô cho các bên cung cấp như NXP, Renesas Electronics và Infineon.

Vừa qua, Mỹ, Nhật Bản và Đức, ba nền kinh tế sản xuất ôtô đã kêu gọi TSMC và các công ty trong ngành ưu tiên sản xuất chip cho xe hơi trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu. Chính phủ ba nước đã nhấn mạnh sự cần thiết và tính cấp bách của việc tăng cường nội địa hóa sản xuất.

Từ nay cho đến năm 2023, TSMC sẽ chi 100 tỷ USD để đáp ứng "sự gia tăng cơ cấu" của nhu cầu chip trên thế giới. Công ty đang từng bước mở rộng năng lực sản xuất ở Đài Loan và công bố kế hoạch nâng cao công suất cho nhà máy Nam Kinh, Trung Quốc trước năm 2023.

Ngọc Diệp (Theo Nikkei)

Chủ đề khác