VnReview
Hà Nội

TSMC khốn đốn vì Covid-19 và hạn hán kéo dài

Cơ quan chức năng Đài Loan đang lo lắng về việc liệu đợt bùng phát dịch Covid-19 có thể gây nguy hiểm cho vai trò của nơi này trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu hay không. Tuy nhiên, có một mối đe dọa còn lớn hơn với ngành công nghiệp này: khủng hoảng khí hậu.

Đài Loan - vùng lãnh thổ chiếm hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng việc biến đổi khí hậu có thể khiến thiên tai đến thường xuyên hơn.

Đợt hạn hán tồi tệ ở Đài Loan hiện nay là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất chip trên hòn đảo này, bao gồm cả TSMC - tập đoàn chuyên về chế tạo chất bán dẫn lớn nhất thế giới. TSMC cho biết họ sử dụng 156.000 tấn nước mỗi ngày cho việc sản xuất chip, tương đương với khoảng 60 bể bơi cỡ Olympic. Nước được sử dụng để làm sạch hàng chục lớp kim loại tạo nên chất bán dẫn.

Jefferey Chiu, kỹ sư điện tại Đại học quốc gia Đài Loan cho biết: 'Trong một con chip có hàng tỷ bóng bán dẫn và chúng cần rất nhiều lớp kim loại để kết nối tất cả các tín hiệu'.

Do hạn hán xảy ra nghiêm trọng, cơ quan chức năng Đài Loan đã phải hạn chế việc cung cấp nước máy trên toàn hòn đảo. TSMC đã phải cố gắng giải quyết tình trạng này qua việc vận chuyển nước bằng đường bộ và tăng tỷ lệ tái chế.

Hồ chứa Baoshan - nơi cung cấp nước cho TSMC và nhiều công ty khác đang khô kiệt dần

Covid-19 ảnh hưởng đến các công ty

Chip bán dẫn là một phần không thể thiếu trong rất nhiều đồ dùng hiện nay, từ điện thoại thông minh, ô tô đến cả máy giặt. Việc sản xuất chúng rất khó bởi cần chi phí phát triển lớn và một nguồn tri thức khổng lồ. Điều này có nghĩa là việc sản xuất chip bán dẫn chỉ tập trung ở một số nhà cung cấp trên thế giới.

TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Họ cung cấp hàng cho rất nhiều công ty danh tiếng như Apple, Qualcomm, Nvidia... Nhiều công ty có thể tự thiết kế chip riêng của mình nhưng vẫn phải nhờ TSMC sản xuất do chi phí quá lớn.

Ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu hiện đang chịu rất nhiều áp lực. Nguồn cung gần đây bị thiếu hụt nghiêm trọng, chủ yếu do bất ổn vì đại dịch, thời tiết khắc nghiệt và lệnh trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc.

Bên cạnh hạn hán, cơ quan chức năng Đài Loan hiện tại còn phải đối phó với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Vào tháng 5, 2 nhân viên của TSMC đã nhiễm Covid-19 nhưng các hoạt động của công ty này vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ít nhất 5 nhà sản xuất chất bán dẫn khác ở phía tây nam Đài Bắc đã phải dừng hoạt động do công nhân nhập cư dương tính với virus SARS-CoV-2.

King Yuan Electronics - đơn vị cung cấp dịch vụ đóng gói và kiểm tra chất bán dẫn hàng đầu thế giới mới đây đã phải tạm ngừng hoạt động 2 ngày sau khi hơn 200 nhân viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, tất cả công nhân nhập cư của công ty này đã phải cách ly trong 2 tuần khi một ổ dịch được phát hiện ở khu ký túc xá của họ.

King Yuan Electronics đối phó với tình hình bằng cách tuyển thêm công nhân người bản địa và cảnh báo rằng các nhà máy chỉ có thể hoạt động với công suất hạn chế.

Hạn hán sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất chip

Các chuyên gia cho rằng việc thiếu nước ở Đài Loan có thể sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai. Hsu Huang-hsiung, một chuyên gia về khí hậu cho rằng Đài Loan sẽ có thể nhận được ít nước mưa hơn trong thập kỷ tới, dẫn đến hạn hán thường xuyên hơn.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng năm nay sẽ là cơ hội tốt để kiểm tra tính bền vững của ngành công nghiệp chất bán dẫn ở Đài Loan. Hạn hán có thể khiến sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất chip chậm lại. Nguyên nhân là vì công nghệ liên quan đến chất bán dẫn ngày càng tinh vi, các nhà sản xuất sẽ cần nhiều nước hơn. Nếu không vượt qua được đợt hạn hán của năm nay thì các công ty Đài Loan khó lòng trụ được trong những đợt hạn hán sau.

Ngoài ra, các nhà sản xuất hiện tại cũng phải đối phó với tình trạng thiếu điện ở Đài Loan. Tình trạng mất điện đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở đây, khiến việc sản xuất bị đình trệ mà nguyên nhân chính là do nhu cầu điện ngày càng cao. TSMC cho biết việc mất điện còn ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của tập đoàn này.

Ông Hsu cho biết: 'Chúng ta cần cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide nhưng mặt khác cũng cần tạo ra nhiều điện hơn. Các công ty sẽ cần đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo để đảm bảo tương lai bền vững'.

Nguyễn Dương Theo CNN

Chủ đề khác