VnReview
Hà Nội

Rẽ hướng sang châu Phi, hãng điện thoại Trung Quốc hất chân Samsung và Apple

Ở các thị trường lớn như Ấn Độ, châu Âu hay Bắc Mỹ, độ phổ biến của các tên tuổi Samsung và Apple là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, tại thị trường ngách như châu Phi, đây lại là nơi bành trướng của một nhà sản xuất Trung Quốc ít được biết đến.

Transsion, công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc đứng sau thương hiệu Tecno đang chiếm hơn 3/4 tổng số điện thoại phổ thông được bán ra trong quý đầu năm nay ở châu Phi, bỏ xa Nokia với 8,1% và Stylo 1,7%.

Thay vì smartphone đời mới, các mẫu điện thoại "cục gạch" giá rẻ với đầy đủ chức năng cơ bản đang thống trị thị trường châu Phi. Trong ba tháng đầu năm, 96,9% điện thoại bán ra là thiết bị giá rẻ hoặc tầm trung được tùy biến riêng cho người dùng châu Phi.

Tại đây, Transsion đang thể hiện sức mạnh của mình với thị trường hơn 1 tỷ dân. Trong khi nhiều hãng điện thoại từ bỏ thị trường cấp thấp và các thiết bị giá rẻ để chuyển sang kinh doanh ở phân khúc smartphone cao cấp, Transsion lại đi theo hướng kết hợp giữa bán smartphone và điện thoại phổ thông. Cho đến nay, việc Transsion dẫn đầu thị phần ở châu Phi là thành quả đáng được đền đáp.

Trước khi tiến hành IPO vào năm 2019, Transsion là tên tuổi ít được biết đến. Năm 2008, công ty gia nhập thị trường châu Phi với văn phòng đầu tiên tại Nigeria. 10 năm sau đó, Transsion đã vượt qua Samsung từ Hàn Quốc để trở thành nhà sản xuất điện thoại số một châu Phi.

Tiếp tục đà phát triển, Transsion thống trị thị trường smartphone châu Phi đối với cả điện thoại giá rẻ và cao cấp, tạo nên hàng loạt thương hiệu như Tecno, Infinix và Itel. Nhà sản xuất Trung Quốc chiếm đến 44,3% thị phần smartphone châu Phi, giữ ngôi đầu bảng trước Samsung với 22,9% và người đồng hương Oppo với 8,3%, theo số liệu thống kê bởi IDC.

Nhờ việc bán các sản phẩm của mình ở những thị trường mới nổi như châu Phi, Transsion đã kiếm được rất nhiều lợi nhuận và gọi vốn thành công 400 triệu USD sau khi niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vào năm 2019.

Có thể nói, Transsion là số ít nhà sản xuất đánh vào một thị trường châu Phi đầy tiềm năng và đang phát triển. IDC cho biết mức tăng trưởng hàng năm của thị trường di động tại lục địa này đạt 14% trong quý đầu tiên, với tổng 53,3 triệu thiết bị di động được bán ra.

So với cùng kỳ, mảng smartphone của khu vực chứng kiến tốc độ tăng trưởng 16,8% lên 23,4 triệu chiếc được bán ra, trong khi thị trường điện thoại phổ thông tăng 11,9% đạt 29,9 triệu chiếc.

Hai người "anh lớn" từ Trung Quốc là Xiaomi và Huawei cũng là một trong những nhà sản xuất được nhiều người biết đến ở châu Phi. Tuy nhiên, sức hút của châu Phi là rất lớn khiến cho hàng chục công ty Trung Quốc khác như Gionee, Oukitel, X-Tigi, Ulefone và iBRIT cũng đang để mắt đến.

Phân khúc smartphone giá rẻ và giá cực rẻ chiếm phần lớn thị trường châu Phi trong 5 quý gần đây

Theo IDC, Transsion sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị có giá thành phải chăng và phần cứng tốt, cho phép họ hướng đến tất cả các phân khúc thị trường và tỏ ra vượt trội hơn so với các đối thủ toàn cầu khác ở châu Phi.

Hơn nữa, công ty Trung Quốc còn sở hữu mạng lưới phân phối rộng rãi trong khu vực, hợp tác cùng các nhà bán lẻ lớn để đảm bảo thiết bị của họ có thể đến tay hầu hết người dùng trên thị trường.

Henry Tugendhat, nhà phân tích chính sách cấp cao về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, cho biết Transsion là một thương hiệu phổ biến ở châu Phi vì có giá cả phải chăng và chiến lược tiếp thị nội địa hóa.

Theo Tugendhat, công ty đã bán được nhiều mẫu điện thoại thông minh khác nhau ở mức trên dưới 100 USD, bên cạnh việc đầu tư nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong khu vực.

"Huawei gia nhập thị trường thiết bị di động tại Kenya vào đầu những năm 2010 với mẫu điện thoại IDEOS. Đây là điện thoại Android đầu tiên được bán với giá 100 USD và là thành công lớn đối với công ty.

Tuy nhiên, kể từ đó, Huawei lại tập trung nhiều hơn vào việc tiếp thị các sản phẩm của mình với tư cách là một thương hiệu xa xỉ sáng ngang Apple hay Samsung. Và trong năm qua, doanh số bán điện thoại của họ đã bị sụt giảm sau khi chịu đòn trừng phạt của Mỹ".

Đối với Oppo và Xiaomi, hai nhà sản xuất này chủ yếu nhắm vào phân khúc tầm trung nên họ không cạnh tranh trực tiếp với các smartphone của Apple, Samsung hay Huawei, Tugendhat cho biết.

"Thật thú vị khi một nền kinh tế thị trường bị kiểm soát như Trung Quốc lại sản sinh ra hàng loạt thiết bị với nhiều mức giá khác nhau và được tối ưu hóa cho tùy thị trường, khu vực. Trong khi nền kinh tế tự do như Mỹ chỉ có duy nhất Apple thành công trên thị trường quốc tế".

"Khi các nước phương Tây tiếp tục nói không với các sản phẩm Huawei, tôi tin chắc rằng thị trường châu Phi sẽ trở nên quan trọng và cần thiết đối với họ", Tugendhat nói. Tuy nhiên, Huawei chưa có bất kỳ quyết định đầu tư lớn nào vào thị trường này, mà chỉ tập trung cho các văn phòng kinh doanh.

Bên cạnh đó, yếu tố giá cả cũng quyết định sự thành công của các nhà sản xuất tại các quốc gia đang phát triển ở châu Phi. Và với lợi thế về giá sẵn có, Transsion hay những hãng Trung Quốc khác có thể dễ dàng vượt qua Samsung, vốn nổi tiếng là có giá thành và cấu hình đi kèm không mấy cạnh tranh.

Bên cạnh dung lượng pin lớn và giá cả dễ tiếp cận, Transsion còn ghi điểm nhờ trang bị nhiều khe SIM cho điện thoại. Ở châu Phi, nơi một quốc gia có nhiều nhà mạng khai thác, điện thoại có nhiều khe SIM là ưu điểm giúp người dùng tiết kiệm chi phí.

Peter Wanyonyi, nhà phân tích công nghệ người Kenya cho rằng Trung Quốc sẽ còn thống trị thị trường smartphone ở Kenya nói riêng và châu Phi nói chung trong nhiều thập kỷ tới.

"Các thương hiệu phương Tây không thể cạnh tranh về giá. Ví dụ, những chiếc điện thoại giá rẻ nhất của Apple hay Motorola có giá cao gấp nhiều lần mức lương trung bình của người Kenya. Trong khi Samsung thì phải thăng hạng để cạnh tranh với Apple nên không có nhiều sản phẩm thuộc phân khúc bình dân và chất lượng kém hơn nhiều so với các mẫu điện thoại Trung Quốc cùng tầm giá", Wanyonyi nhận định.

Châu Phi là thị trường lớn kém phát triển về lĩnh vực viễn thông còn sót lại trên thế giới. Khu vực Nam Á và Nam Mỹ cũng là điểm đến tiềm năng trong tương lai khi có rất ít các công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ. Tại châu Phi, hiện có đến hơn 500 triệu dân vẫn chưa có thẻ SIM và thiết bị di động.

Wanyonyi cho rằng các hãng điện thoại Trung Quốc sẽ tiếp tục hướng đến thị trường châu Phi vì khu vực này có dân số đông, lớn hơn toàn bộ các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Do đó các nhà sản xuất sẽ tìm cách giúp người dân nơi đây truy cập vào mạng di động bằng điện thoại từ Trung Quốc, sử dụng mạng do công ty viễn thông Trung Quốc cung cấp.

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Chủ đề khác