VnReview
Hà Nội

Lagos, trung tâm công nghệ của châu Phi đang làm điên đảo giới đầu tư

Sau thành công của Flutterwave và Paystack, mảnh đất Nigeria này đã trở thành điểm đến mới của giới đầu tư để tìm kiếm cơ hội lớn tiếp theo của châu Phi.

Lagos, trung tâm công nghệ của châu Phi đang làm điên đảo giới đầu tư

Flutterwave, cái tên khởi nghiệp trong hoạt động xử lý thanh toán, khai sinh ở Lagos, vừa nhận được khoản đầu tư 170 triệu USD. Sự kiện này đã thổi một luồng gió mới khoan khoái và hứng khởi vào cho hệ sinh thái công nghệ của Nigeria. Theo đó, Flutterwave đã trở thành số ít ỏi những dự án khởi nghiệp bởi người địa phương, với vốn nội địa có thể bước chân vào giới "kì lân"– thuật ngữ vốn chỉ những công ty khởi nghiệp có giá trị trước thoái vốn chạm1 tỷ USD.

Đây cũng là một lời công nhận rõ ràng về mảng fintech đang chớm nở ở châu Phi. Trên giấy tờ, hiện Flutterwave đang đáng giá hơn hầu hết số ngân hàng tại khu vực này, chỉ trừ một vài ngân hàng lớn nhất của Nigeria.

Trong năm 2019, các dự án khởi nghiệp của Nigeria đã được đầu tư hơn 600 triệu USD trong vòng đầu tư mạo hiểm. Cùng năm ấy, tổng dòng tiền đầu tư chảy về châu Phi đã vượt qua 1 tỷ USD, đây cũng là lần đầu tiên những dự án khởi nghiệp của châu lục này chạm mốc nói trên.

Nhưng trước đó không lâu, chẳng ai có thể rõ liệu có thể thu hồi hay thoái vốn khi đầu tư vào những công ty khởi nghiệp này hay không. Chưa kể, số lựa chọn cho những phiên phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) cũng rất giới hạn do thị trường vốn ở hầu hết các thành thị của châu Phi đều rất nông. Ví dụ, Jumia, công ty thương mại điện tử đang cung cấp dịch vụ ở 11 quốc gia châu Phi đã phải chọn Sàn Chứng khoán New York làm nơi phát hành cổ phiếu đánh giá nhiều tỷ USD của mình vào năm 2019. Tới tận bây giờ, Jumia vẫn được kể tên khi nói tới số ít ỏi những đợt IPO thành công của một công ty khởi nghiệp ở châu Phi.

Sau gần một thập kỷ của đầu tư và phát triển, những người trong cộng đồng khởi nghiệp công nghệ của Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung đang đau đáu tìm kiếm tên tuổi đủ lớn để mang về một thương vụ thoái vốn tầm cỡ tiếp theo.

Osita Mwoye, người cố vấn cho các startup trong giai đoạn đầu, tin rằng việc một dự án khởi nghiệp xây dựng bởi người châu Phi nhằm giải quyết vấn đề của người châu Phi có thể thoái vốn thành công chính là "tờ giấy chứng nhận" cho những nỗ lực của giới nhà sáng lập nội địa đã bỏ ra trong suốt thập kỉ qua.

Lagos, trung tâm công nghệ của châu Phi đang làm điên đảo giới đầu tư

Nhờ thế mà khi thông tin về việc ông lớn của mảng thanh toán của Mỹ là Stripe sẽ mua lại Paystack được đăng tải vào tháng 10 năm trước với mức giá hơn 200 triệu USD, cả hệ sinh thái nội địa đã hoan hỉ trong lòng. Paystack được thành lập bởi Shola Akinlade và Ezra Olubi vào năm 2015, hoạt động chủ yếu ở Lagos – thủ phủ của Nigeria, và hiện đang phục vụ hơn 60.000 khách hàng. Nwoye khẳng định rằng thương vụ trên đã tạo ra làn sóng tích cực, gây chấn động cho những cái tên khác đang hoạt động về lĩnh vực công nghệ của Nigeria. Lần đầu tiên trong lịch sử, Paystack đã trả lời cho câu hỏi "Tìm đâu để thoái vốn?".

Còn đối với giới đầu tư công nghệ tại đây, thương vụ này mang tới cho họ một cơ hội mới để thay đổi định kiến của những ai đang phản đối việc đổ tiền vào bối cảnh công nghệ tuy non nớt nhưng hoàn toàn có thể sinh lời nếu chấp nhận đặt cược.

Với giới công nhân viên chức, đây là một "lời chứng thực rằng công nghệ hoàn toàn có thể mang lại công ăn việc làm cho họ" ở một nơi mà chỉ những công ty về dầu mỏ mới được coi là tiêu chuẩn vàng.

Ngoài ra, một điểm tích cực không đo đếm được nhưng quan trọng khác chính là thương vụ mua lại Paystack đang được nhìn nhận như một nguồn cảm hứng, cho thấy rằng châu Phi cũng hoàn toàn có thể tạo ra những công ty tầm cỡ thế giới, đáng để giới đầu tư phải quan tâm.

Giám đốc phát triển của Paystack là Emmanuel Quartey có viết trong một email gửi cho Rest of World rằng: "Chúng tôi tin rằng câu chuyện về Paystack là một bằng chứng cho thấy rằng người trẻ ở châu Phi có thể giải quyết được những câu đố mà châu lục này đang mắc phải, và chúng tôi cũng mong rằng sự thật này sẽ mở lối dẫn tới nguồn đầu tư và những hỗ trợ cần có để giúp họ bồi đắp giấc mơ của mình."

Cả Paystack và Stripe đều xuất thân từ vườn ươm Y Combinator, mối quan hệ của hai công ty này nảy nở khi mà Paystack được giới thiệu với CEO của Stripe là Patrick Collison – người đã chủ động ngỏ ý đầu tư.

Và kết quả là vào năm 2018, Stripe cùng với Visa và Tencent đã đầu tư 8 triệu USD vào Paystack trong vòng series A. Quyết định mua lại công ty khởi nghiệp của Nigeria cũng là điều không quá bất ngờ.

Việc Paystack về một nhà với Stripe đã tổng kết lại một năm đầy những thương vụ khổng lồ của giới công nghệ châu Phi. MFS Africa, một cổng thanh toán của châu Phi, cũng mở đầu phát pháo đầu tiên vào tháng Sáu bằng việc mua lại Beyonic, một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số ở Ghana, Tanzania, Kenya và Rwanda với mức phí không công khai.

Tháng Tám cùng năm, WorldRemit, công ty chuyển tiền có trụ sở ở London, đã bỏ ra 500 triệu USD để mua lại SendWave, một công ty chuyển tiền khác ở Kenya cho phép người ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể gửi tiền tới bảy quốc gia châu Phi và Bangladesh. Thương vụ này có thể được coi là một dạng đầu tư lớn chưa từng có dành cho một công ty khởi nghiệp công nghệ của châu Phi.

Ngọn lửa hứng khởi và nhiệt huyết do sự kiện về Paystack nhóm lên hồi tháng 10 năm ngoái lại một lần nữa được châm thêm bằng vòng gọi vốn gần đây nhất của Flutterwave, đặc biệt là sau khi Olugbenga Agboola hé lộ bước tiến tiếp theo của công ty này sẽ là Sàn chứng khoán New York. Đây có thể sẽ là một động thái tích cực đối với những nhà sáng lập và đầu tư nơi đây.

Bối cảnh công nghệ của châu Phi không chỉ được tiếp lửa bởi các nhà đầu tư từ Thung lũng Sillicon hay Liên minh châu Âu, giới đầu tư Trung Quốc cũng chẳng chịu kém cạnh. Năm 2019, Opay, một công ty fintech, đã gọi vốn được 170 triệu USD từ phía các nhà đầu tư Trung Quốc.

Khởi nghiệp fintech đang là tâm điểm của giới báo chí trên toàn châu Phi bởi họ đang giải quyết được những vấn đề ngay cả khi ở đây vẫn tồn tại một kiến trúc kinh tế lỗi thời hoặc những rào cản tới từ việc thiếu đi những kiến trúc kinh tế cần thiết.

Nwoye, cho rằng fintech - cụ thể là những công ty hoạt động về mảng thanh toán - đang khởi sắc ở châu Phi bởi đây là lĩnh vực xương sống của mọi hoạt động kinh doanh trên internet của châu lục này.

Ông khẳng định: "Không có thanh toán, thì cũng chẳng có thương mại trên không gian mạng. Mọi thứ đều phải phụ thuộc vào hoạt động thanh toán, và khi thanh toán không tồn tại, kinh doanh cũng chẳng tồn tại và mọi thứ sẽ đều sụp đổ."

Khi không còn bị ám ảnh bởi bài toán "tìm đâu ra chỗ thoái vốn", giới công nghệ châu Phi giờ đây đều mang một cảm giác chung rằng họ có thể báo hiệu bình minh của làn sóng các thương vụ sáp nhập quốc tế trong đó có sự tham gia của các công ty châu Phi.

Lagos, trung tâm công nghệ của châu Phi đang làm điên đảo giới đầu tư

Razaq Ahmed, CEO của Cowrywise, một nền tảng tiếp kiệm số có trụ sở ở Lagos, tin rằng những dự án khởi nghiệp của châu Phi hiện đã "trưởng thành" và dự đoán rằng sẽ ngày càng có nhiều cơn sóng đầu tư tới từ những tay chơi tầm cỡ quốc tế và khu vực, một phần là nhờ vào lãi suất quốc tế thấp cũng những câu chuyện thành công của mảnh đất châu Phi đang vang đi ngày một xa.

Ahmed cho biết: "Một xu hướng quan trọng khởi đầu từ cuối năm trước chính là sự quan tâm ngày một lớn của các quỹ đầu tư trong khu vực dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều này đang mang tới một hương vị mới trong bộ cơ hội đầu tư."

Trung ND theo Rest of World

Chủ đề khác