VnReview
Hà Nội

3,6 tỷ USD Bitcoin biến mất cùng với chủ sàn giao dịch tiền điện tử tại Nam Phi

Khoảng 69.000 đồng Bitcoin được cho là đã biến mất cùng với 2 anh em vốn là nhà sáng lập của hệ thống giao dịch AfriCrypt tại Châu Phi. Liệu đây là 1 phi vụ lừa đảo như bao phi vụ hay là hệ thống của họ bị hack?

Dù vẫn chưa có những bằng chứng rõ ràng, nhưng nếu nó trở thành một vụ lừa đảo thay vì là một vụ hack, thì đây sẽ là vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử, Bloomberg đưa tin. Đã có những dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư rằng hệ thống này có thể là lừa đảo chẳng hạn như đảm bảo lợi nhuận 10% một ngày.; 

AfriCrypt được thành lập vào năm 2019 và được điều hành bởi anh em Ameer và Raees Cajee. Vào thời điểm hệ thống này sập, họ đang quản lý khối lượng tài sản bằng Bitcoin có giá trị khoảng 3,6 tỷ USD, và vào ngày 13/4, họ đã thông báo cho khách hàng của mình rằng hệ thống đã bị hack và họ sẽ đóng băng tài khoản của khách hàng. Công ty cho biết hiện tại họ sẽ tạm dừng hoạt động trong giai đoạn "cố gắng lấy lại các khoản tiền bị đánh cắp và thông tin bị xâm phạm".

Công ty luật Hanekom Attorneys tại Nam Phi đang phụ trách vụ án này cho biết mối nghi ngờ đã dấy lên khi 1 thông báo từ AfriCrypt đi kèm với lời cảnh báo rằng: "Khách hàng có thể thực hiện các biện pháp kiện tụng, nhưng chúng tôi mong khách hàng thừa nhận rằng điều này sẽ chỉ làm chậm trễ quá trình phục hồi""Hoài nghi của chúng tôi và thân chủ có lý do vì thông báo này đã kêu gọi các nhà đầu tư không thực hiện hành động pháp lý", luật sư Hanekom cho biết. Công ty luật cũng tuyên bố rằng "các nhân viên của Africrypt đã mất quyền truy cập vào máy chủ bảy ngày trước khi bị cáo buộc tấn công".

Các luật sư của Hanekom cáo buộc rằng hai anh em đã chuyển đi 69.000 BTC - giá trị hiện hành khoảng 2,2 tỷ USD sau đợt sụt giá của BTC - từ tài khoản của AfriCrypt và ví của khách hàng, đồng thời đưa quỹ của hệ thống "vào các dịch vụ che khuất hoạt động giao dịch và các nền tảng "deepweb" khác nhau, dẫn đến số tiền bị phân mảnh nghiêm trọng" khiến cho các quỹ và tài khoản của hai anh em không thể truy cập và theo dõi được.

Sau sự kiện trên thì lãnh đạo của AfriCrypt đã mất liên lạc và không thể gọi điện được cho họ, trong khi đó trang web AfriCrypt cũng ngừng hoạt động. Công ty luật đã báo cáo vụ việc cho cơ quan "Diều hâu" của cảnh sát quốc gia Nam Phi. Tòa án tối cao Nam Phi đã ban hành lệnh thanh lý tài sản cho chủ nợ đối với anh em nhà Cajee và hạn chót để họ thực hiện là ngày 19/7. Theo trang tin tức tiền điện tử BitcoinKe, AfriCrypt đã thu hút khách hàng bằng cách nhắm đến các nhà đầu tư có nhiều tài sản và thúc giục họ giới thiệu bạn bè, bằng chiêu trò "bánh vẽ" mang lại lợi nhuận lên đến 10% hàng ngày.

Lời hứa 10%/ngày của AfriCrypt khiến cho khoản lợi nhuận 10% hằng tháng của mô hình sàn giao dịch thông minh cũng tại Nam Phi bị phát giác đang lừa đảo tiền của người dùng vào năm 2020 là Mirror Trading International trở thành dĩ vãng. MTI được mô tả là mô hình Ponzi lớn nhất mà đất nước từng thấy, nắm giữ 23.000 BTC từ các nhà đầu tư cho đến thời điểm họ bị lật tẩy (774 triệu USD theo giá trị hiện tại). Giám đốc điều hành của MTI, Johann Steynberg được cho là đã chạy trốn đến Brazil để thoát khỏi sự trừng phạt khi công ty này bị tòa án ra phán quyết phải thanh lý tài sản cho chủ nợ.

Vụ việc có thể thúc đẩy động lực của các cơ quan quản lý nhằm áp đặt trật tự trên thị trường trong bối cảnh các vụ gian lận gia tăng vì các đồng tiền điện tử ngày càng có giá trị. Vào tháng 1, giá trị hàng ngày của giao dịch tài sản tiền điện tử lần đầu tiên chạm mốc 141 triệu USD ở Nam Phi, cho thấy sự sôi động quá mức ở một thị trường tài chính mà chưa có bất kỳ các quy định pháp lý nào để bảo vệ các nhà đầu tư.

Chí Tôn

Chủ đề khác