VnReview
Hà Nội

Lầu Năm Góc huỷ hợp đồng đám mây 10 tỷ USD mà Amazon và Microsoft đang tranh chấp tại toà

Thay vào đó, một hợp đồng điện toán đám mây mới sẽ được soạn thảo với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ ba vừa qua đã công bố sẽ huỷ bỏ hợp đồng đám mây trị giá 10 tỷ USD vốn đang là trung tâm của một cuộc chiến pháp lý giữa Amazon và Microsoft. Nhưng họ cũng đồng thời công bố một hợp đồng mới, và tiếp tục kêu gọi hai nhà cung cấp dịch vụ đám mây này tham gia đấu thầu, với khả năng cả hai cùng được chọn là rất cao.

Theo trang tin CNBC, thoả thuận JEDI - viết tắt của Joint Enterprise Defense Infrastructure - được xem là một trong những bản hợp đồng rắc rối nhất từng có của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong thông cáo báo chí đưa ra vào thứ ba, Lầu Năm Góc nói rằng "vì những yêu cầu ngày càng cao, hạ tầng đám mây ngày càng phức tạp, và những tiến bộ mới trong lĩnh vực này, hợp đồng JEDI Cloud không còn đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nữa".

Cổ phiếu của Microsoft đã giảm khoảng 0,4% sau vụ việc, trong khi cổ phiếu Amazon tăng 3,5% sau khi đã đạt đỉnh 52 tuần liên tiếp.

Cuộc chiến xoay quanh dự án điện toán đám mây này dường như vẫn chưa ngã ngũ. Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn cần tiềm lực đám mây quy mô doanh nghiệp, và do đó đã công bố ngay một bản hợp đồng đa đối tác mới được biết đến với tên gọi Joint Warfighter Cloud Capability (JWCC).

Cơ quan này nói rằng họ dự định kêu gọi cả Amazon và Microsoft tiếp tục tham gia đấu thầu cho hợp đồng mới, nhấn mạnh rằng hai công ty này là những nhà cung cấp dịch vụ đám mây duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu của mình. Nhưng dẫu vậy, Lầu Năm Góc vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường để xem liệu có còn công ty nào khác đáp ứng được những tiêu chí họ đưa ra hay không.

Hợp đồng JEDI trước đó được đưa ra nhằm mục đích hiện đại hoá hạ tầng IT của Lầu Năm Góc, đảm bảo khả năng duy trì các dịch vụ trong những quãng thời gian lên đến 10 năm. Microsoft được chọn làm nhà thầu của JEDI vào năm 2019, đánh bại dịch vụ đám mây hàng đầu thị trường là Amazon Web Services (AWS).

Một tháng sau đó, AWS đệ đơn kiện lên Toà án Liên bang Hoa Kỳ nhằm phản đối quyết định chọn thầu của JEDI.

Công ty này cáo buộc rằng thành kiến của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đối với Amazon và CEO của công ty thời điểm đó, Jeff Bezos, đã tác động đến Lầu Năm Góc, khiến họ trao hợp đồng cho Microsoft.

Năm ngoái, thanh tra Lầu Năm Góc đã công bố một bản báo cáo khẳng định việc lựa chọn Microsoft không hề bị ảnh hưởng từ phía Nhà Trắng.

Tuy nhiên, thanh tra cho biết trong bản báo cáo dài 313 trang vào tháng 4/2020 rằng trong quá trình đánh giá hợp đồng, họ nhận được sự hợp tác khá hời hợt từ các quan chức Nhà Trắng, do đó không thể đưa ra được kết luận cuối cùng về cáo buộc của Amazon.

Hôm thứ ba, Microsoft nói trong một bài blog rằng họ hiểu quyết định huỷ bỏ hợp đồng JEDI của Lầu Năm Góc, nhưng chỉ ra cuộc chiến pháp lý xoay quanh nó là minh chứng cho thấy cần có một sự cải tổ.

"Quãng thời gian 20 tháng kể từ khi Bộ Quốc phòng chọn Microsoft làm đối tác JEDI cho thấy những vấn đề cần sự chú ý từ các nhà hoạch định chính sách: khi mà một công ty có thể khiến việc nâng cấp công nghệ trọng yếu cho những người đang ngày đêm bảo vệ quốc gia của chúng ta bị trì hoãn suốt nhiều năm, thì quy trình kháng nghị rõ ràng cần phải cải tổ" - Toni Townes-Whitley của Microsoft viết.

Vị này nói thêm rằng quyết định của Bộ Quốc phòng "không thay đổi được sự thật rằng không chỉ một, mà đến hai lần, sau khi được đánh giá cẩn trọng bởi đội ngũ chuyên gia, Bộ Quốc phòng đã quyết định Microsoft và công nghệ của chúng tôi đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Nó không thay đổi được phát hiện của thanh tra Bộ Quốc phòng rằng không có bằng chứng về sự can thiệp trong quá trình đấu thầu. Và nó không thay đổi được sự thật rằng Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên bang khác - cũng như các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu - đã chọn Microsoft để hỗ trợ cho nhu cầu chuyển đổi số và điện toán đám mây của họ"

Một người phát ngôn của AWS nói rằng: "Chúng tôi hiểu và đồng ý với quyết định của Bộ Quốc phòng. Không may là, quyết định trúng thầu kia không dựa trên những tiêu chí của gói thầu và quả thật là kết quả của sự tác động từ bên ngoài, vốn không liên quan đến quy trình mua sắm của chính phủ"

Công ty này khẳng định sẽ cam kết hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết vụ kiện tụng không phải là lý do chính dẫn đến quyết định thay đổi hướng tiếp cận. Nhưng xét việc bối cảnh đã thay đổi rất lớn trong thời gian kiện tụng, cơ quan xác định rằng những nhu cầu của mình cũng phải được thay đổi.

"Những nhu cầu đặt ra là lý do chính của quyết định này" - Trưởng phòng Thông tin của Bộ Quốc phòng, John Sherman, nói.

Lầu Năm Góc cho biết đối tác đám mây cho hợp đồng mới sẽ phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, như làm việc ở cả ba cấp độ mật (không mật, mật, hay tối mật), có cơ sở trên toàn thế giới, và khả năng kiểm soát an ninh mạng hàng đầu.

Cơ quan này kỳ vọng giá trị hợp đồng mới sẽ lên đến hàng tỷ USD, dù giá trị tối đa là bao nhiêu thì vẫn cần đánh giá lại. Thời gian hợp đồng có thể kéo dài đến 5 năm, chia làm hai hạng mục kéo dài 3 năm và 2 năm.

Lầu Năm Góc kỳ vọng JWCC "sẽ là cầu nối đến những dự án lâu dài hơn của chúng tôi", Sherman nói. Ông cho biết Bộ Quốc phòng sẽ đưa ra quyết định trực tiếp thông qua hợp đồng vào khoảng tháng 4/2022 và mở một đợt đấu thầu rộng hơn vào năm 2025.

Minh.T.T (theo CNBC)

Chủ đề khác