VnReview
Hà Nội

Đài Loan đầu tư hàng triệu USD ngăn chảy máu chất xám ngành công nghiệp bán dẫn

Vốn là khu vực đi đầu về lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, Đài Loan đang chật vật tìm giải pháp để bảo vệ nền kinh tế chip trước bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tăng cường khả năng sản xuất trong nước.

Theo Nikkei, các cơ quan và nhà sản xuất chip lớn tại Đài Loan đang đầu tư ít nhất 300 triệu USD để thực hiện một số chương trình đào tạo sau đại học cho ngành công nghiệp bán dẫn trong thập kỷ tới.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới từ Đài Loan, TSMC cùng các doanh nghiệp địa phương như MediaTek và PSM (Powerchip Semiconductor Manufacturing) nói với Nikkei rằng họ ủng hộ chiến dịch xây dựng thêm các trường dạy chuyên sâu về chip. Các công ty cho rằng nguồn nhân lực tài năng là chìa khóa để giữ cho ngành công nghiệp bán dẫn cạnh tranh, vốn có liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh quốc gia.

Sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp bán dẫn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và Phó Thủ tướng Thẩm Vinh Tân (Shen Jong-chin) đã thúc đẩy đầu tư vào kế hoạch đào tạo tri thức, một nguồn tin thân cận với Nikkei cho biết.

"Hơn mười công ty chip - từ khâu thiết kế, sản xuất đến đóng gói và thử nghiệm - đã tích cực tham gia thảo luận cho đề án xây dựng trường học chip, vì nhu cầu về nhân tài chất lượng cao có thể sẽ còn gia tăng trong những năm tới và điều này cần được giải quyết sớm".

Động thái của Đài Loan diễn ra khi Mỹ và Trung Quốc đại lục – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang nỗ lực giành quyền kiểm soát ngành công nghệ toàn cầu, bên cạnh việc đẩy nhanh kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn cho riêng mình.

Thông qua báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng của Nhà Trắng vào tháng 6, Mỹ đang "có nhu cầu cấp bách đối với lao động có chuyên môn cao trong ngành bán dẫn". 77% giám đốc điều hành tại các công ty chip đều cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng.

"Khi Trung Quốc ngày càng nỗ lực săn lùng tài năng nước ngoài, việc giữ chân sinh viên bán dẫn tại Mỹ vừa góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, vừa ngăn chặn dòng chảy nhân tài về tay đối thủ cạnh tranh", báo cáo cho biết.

Về phần mình, Trung Quốc cho rằng tình trạng thiếu hụt tài năng bán dẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa cạnh tranh với thế giới. Nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu đang gia tăng số lượng các trường dạy về vi điện tử trong vài năm trở lại đây và dự báo cần thêm 230.000 kỹ sư vào năm 2022 để đáp ứng nhu cầu.

Đại học Bắc Kinh hàng đầu Trung Quốc hôm 15/7 vừa khánh thành đơn vị giảng dạy vi mạch tích hợp đầu tiên của mình. Các quan chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng nhiều học giả từ Viện Khoa học Trung Quốc đã tham gia buổi lễ.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, giữ vị trí thứ hai trên toàn cầu sau Mỹ, đã thiếu hụt nguồn nhân lực giỏi trong nhiều năm do lĩnh vực này liên tiếp theo đuổi các công nghệ tiên tiến. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Đài Loan, sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan đến công nghệ đã giảm từ 23.261 vào năm 2010 xuống còn 16.950 vào năm 2020.

Trung Quốc cũng tích cực thu hút các kỹ sư chip có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Hai dự án chip do chính phủ đại lục hậu thuẫn vào năm 2019 và 2020 đã cùng nhau thuê hơn 100 kỹ sư và nhà quản lý kỳ cựu từ TSMC.

Tính đến năm 2019, hơn 3.000 người đã rời Đài Loan sang đầu quân cho đại lục. Vào tháng 4, giới chức Đài Loan đã yêu cầu các nhà khai thác nền tảng tuyển dụng trong và ngoài nước cùng các công ty săn đầu người tháo gỡ toàn bộ danh sách việc làm ở Trung Quốc. Đây được xem là một động thái tích cực nhằm ngăn chảy máu chất xám sang bên kia eo biển Đài Loan.

Nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt, giới chức Đài Loan đã thông qua đạo luật nới lỏng các quy định cứng nhắc liên quan đến giáo dục. Theo đó, các trường đại học được phép thành lập tổ chức đào tạo sau đại học, hoạt động theo hình thức độc lập và dùng tiền trợ từ các ông lớn công nghệ, để xây dựng và phát triển một số lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Song, bộ luật cũng nêu rõ rằng các cơ sở này không thể làm việc với các công ty Trung Quốc hoặc nhận tài trợ từ các tổ chức có trụ sở ở đại lục. Họ cũng được yêu cầu giám sát lộ trình tuyển dụng của học viên sau khi tốt nghiệp và nên định hướng theo đuổi sự nghiệp tại Đài Loan như một ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Chu Chun-chang, tổng giám đốc Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục Đài Loan, đã có bốn trường đại học hàng đầu tại đây nộp đơn xin thành lập các cơ sở mới để đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài cao cấp thuộc lĩnh vực bán dẫn và AI trong tương lai. Cùng với đó, các đơn vị này báo cáo việc nhận được sự hỗ trợ liên tục từ các công ty trong ngành.

Dựa trên kế hoạch hiện tại, mỗi trường sẽ cần ít nhất 200 triệu Tân Đài tệ (7 triệu USD) vốn thường niên, tương đương tối thiểu 300 triệu USD cho bốn trường trong 12 năm tiếp theo. Số tiền đầu tư sẽ tăng tỉ lệ thuận với số lượng trường và chương trình đào tạo được thành lập.

TSMC cam kết sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu Đài tệ một năm cho bốn trường trong ít nhất 10 năm tới. Chủ tịch Powerchip Frank Huang nói với Nikkei rằng công ty của ông cũng sẽ rót 100 triệu Đài tệ mỗi năm cho công cuộc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Người phát ngôn của TSMC, Nina Kao chia sẻ công ty vẫn chưa quyết toán ngân sách nhưng xác nhận sẽ đầu tư không ít hơn những gì đã cam kết với chính phủ và sẽ làm việc với bốn trường mới trong dài hạn.

"Chúng tôi đã bắt đầu tài trợ học bổng cho các sinh viên theo học chương trình Tiến sĩ từ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là mở rộng lực lượng nghiên cứu và phát triển chuyên môn cao, không chỉ cho TSMC mà còn cho toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn", Kao nói.

Bên cạnh chất bán dẫn, Đài Loan còn đang tìm cách tăng cường nhân tài trong lĩnh vực AI, an ninh mạng và công nghệ tài chính trong tương lai, quan chức này cho biết.

Đại học quốc gia Yangming Chiaotung (Đài Loan), cái nôi sản sinh ra nhiều giám đốc điều hành công nghệ như CEO TSMC C. C. Wei hay Chủ tịch Foxconn Young Liu, là trường đầu tiên trong số bốn trường đại học hàng đầu của Đài Loan được phép thành lập đơn vị đổi mới.

Các công việc chuẩn bị sẽ bắt đầu vào tháng tới, bao gồm khâu thành lập các trung tâm nghiên cứu, lựa chọn trưởng khoa và ủy ban giám sát. Trường Đại học Yangming Chiaotung có kế hoạch tiếp nhận đào tạo cho 120 Thạc sĩ và Tiến sĩ kể từ học kỳ mùa xuân năm 2022.

Đài Loan "đau đầu" khi các kỹ sư bán dẫn trong nước đầu quân về Trung Quốc đại lục

Trường đã nhận được các cam kết trị giá 165 triệu Đài tệ thường niên trong tối đa 12 năm từ bảy công ty công nghệ hàng đầu của Đài Loan, bao gồm TSMC, Foxconn, Powerchip, MediaTek, Novatek, Wistron và Advantech. Quỹ Phát triển Quốc gia Đài Loan dự kiến ​​sẽ đầu tư ở mức tương tự.

Chen Pei-li, Phó Giám đốc Cục Phát triển Công nghiệp, trả lời với Nikkei, chất bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quốc gia quan trọng nhất đối với Đài Loan.

"Khi sự tiến bộ của ngành công nghệ chip tiến gần đến giới hạn vật lý, hệ thống giáo dục hiện tại không thể bắt kịp với việc đào tạo những tài năng phù hợp theo ý các nhà sản xuất mong muốn. Vì thế, họ muốn tham gia nhiều hơn vào giáo dục, không chỉ bỏ tiền tài trợ mà còn giúp điều chỉnh các chương trình và tìm ra giáo viên thích hợp", Chen cho biết.

Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản đều đang gấp rút xây dựng năng lực sản xuất chip tiên tiến cho riêng mình. Trong khi đó, TSMC đang mở rộng quy mô hoạt động ra nhiều nước, đơn cử như việc xây dựng cơ sở sản xuất chip đầu tiên ở Arizona, Mỹ hay xem xét kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Kumamoto, Nhật Bản.

Tầm quan trọng chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan đã được đề cao trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh diễn ra, đặc biệt là khi thế giới rơi vào tình trạng thiếu chip chưa từng có, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp từ smartphone, PC đến ôtô.

Các cường quốc sản xuất ô tô lớn như Mỹ, Đức và Nhật Bản đều đã tìm đến Đài Loan để được giúp đỡ trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có thể nói, chất bán dẫn là trái tim và linh hồn của mọi thiết bị, từ điện thoại di động, máy chủ trung tâm dữ liệu, siêu máy tính đến công nghệ quân đội và vũ trụ.

Ngọc Diệp (Theo Nikkei)

Chủ đề khác