VnReview
Hà Nội

TSMC xây nhà máy bán dẫn tại Nhật để phục vụ đơn hàng Sony

Theo thông tin mà Nikkei Asia có được, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã quyết định đưa nhà máy chip đầu tiên của mình tại Nhật Bản hoạt động sớm nhất vào năm 2023.

TSMC xây nhà máy chip tại Nhật Bản để phục vụ đơn hàng Sony

Theo đó, nhà máy này sẽ được đặt tại Kumamoto, nằm trên đảo Kyushu, phía tây Nhật Bản, và tiến hành theo 2 giai đoạn. Dự kiến, hội đồng quản trị của TSMC sẽ quyết định khoản đầu tư trong quý hiện tại.

Khi hoàn thiện cả 2 giai đoạn, cơ sở mới sẽ có thể sản xuất khoảng 40.000 tấm wafer sử dụng công nghệ 28nm mỗi tháng. Chúng sẽ được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại chip, bao gồm cảm biến hình ảnh, bộ vi điều khiển cho xe điện, sản phẩm điện tử.

Dự kiến, nhà máy này chủ yếu sẽ được sử dụng để sản xuất cảm biến hình ảnh cho Sony, khách hàng Nhật Bản lớn nhất của TSMC. Nguồn tin tiết lộ, TSMC sẵn sàng hợp tác để Sony có thêm tiếng nói trong quá trình vận hành nhà máy và đàm phán với chính phủ Nhật Bản.

Quyết định của TSMC vẫn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm những sự khích lệ và hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản, cam kết từ các nhà cung cấp địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tâng liên quan đến chip, cũng như phát triển chuỗi cung ứng.

Sony từ chối bình luận về thông tin này. TSMC nhắc lại, họ đã trao đổi với các nhà đầu tư vào ngày 15/07 về việc tiến hành thẩm định khả năng xây dựng một nhà máy sản xuất tấm wafer ở Nhật Bản. Hiện công ty vẫn chưa tiết lộ thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến điều này ở hiện tại.

Chủ tịch TSMC, Mark Liu, tiết lộ, quyết định về việc liệu có tiếp tục xây dựng nhà máy tại Nhật Bản hay không sẽ được đưa ra dựa trên "nhu cầu của khách hàng, hiệu quả hoạt động cũng như kinh tế chi phí."

Khoản đầu tư cho nhà máy Kumamoto có thể sẽ nhỏ hơn nhiều so với con số 12 tỉ USD mà TSMC đang chi ra để xây dựng một cơ sở ở Arizona, Mỹ. Nhà máy này sẽ xử lý công nghệ 5nm tiên tiến hơn. Mỹ là thị trường chiếm hơn 60% doanh thu của các nhà sản xuất trong năm 2020, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm chưa đầy 5%. TSMC hiện cũng đang mở rộng nhà máy của mình tại Nam Kinh, Trung Quốc.

Mark Liu cho biết, công ty cần mở rộng quy mô sản xuất toàn cầu nhằm duy trì tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng, đặc biệt với nhu cầu về việc cung cấp bán dẫn an toàn trong môi trường địa chính thay đổi ngày càng tăng.

Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đều đang nỗ lực đưa khả năng sản xuất bán dẫn quan trọng vào đất liền trong bối cảnh lo ngại về an ninh quốc gia ngày càng tăng lên cũng như tình trạng thiếu hụt chưa từng có khiến chuỗi cung ứng trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.

Nhà máy Nhật Bản sẽ là một bước đi khác so với chiến lược ban đầu của TSMC, vốn tập trung sản xuất chip tại Đài Loan. Morris Chang, người sáng lập và là cựu chủ tịch của TSMC, vốn được coi là cha đỡ đầu của ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan, gần đây đã liên tiếng cảnh bảo rằng những nỗ lực đưa quá trình sản xuất chip vào đất liền có thể gây tốn kiém và không mang lại khả năng tự cung tự cấp như mong muốn.

Lê Hữu;(theo Nikkei Asia)

Chủ đề khác