VnReview
Hà Nội

Vi phạm chính sách bảo mật thông tin, Amazon bị phạt 887 triệu USD

Amazon bị xử phạt 746 triệu euro, tương đương 887 triệu USD cho hành động quảng cáo theo mục tiêu sai quy định theo chính sách bảo mật thông tin của Liên minh Châu Âu.

Đây là mức phạt cao nhất từ 2018 đến nay kể từ khi Liên Minh Châu Âu chính thức áp dụng Quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR). Vào ngày 16/7/2021, Ủy ban Quốc gia về an ninh dữ liệu tại Luxembourg (CNPD) đã ra phán quyết cho hành vi vi phạm từ Amazon Châu Âu khi Ủy ban kết luận rằng quy trình xử lý thông tin cá nhân của Amazon "không tuân thủ Quy định chung về an ninh dữ liệu tại Châu Âu". Thông tin trích từ tài liệu 10-Q mà Amazon nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ.

Ngoài khoản tiền phạt 746 triệu euro, phán quyết của CNPD còn yêu cầu "nhanh chóng sửa đổi các hành động tương tự", Amazon cho biết thêm. "Hình phạt liên quan đến cách chúng tôi hiển thị quảng cáo cho khách hàng của Ủy ban dựa trên các diễn giải mang tính chủ quan cũng như các bằng chứng chưa thuyết phục. Khung hình phạt được đề xuất hoàn toàn không hợp lý ngay cả với hành vi mà họ vu khống về chúng tôi", Amazon cho biết trong một tuyên bố.

"Chúng tôi tin rằng quyết định của CNPD là không có cơ sở và chúng tôi sẽ kháng cáo một cách quyết liệt trong vụ việc này", công ty cho biết trong hồ sơ. Trụ sở chính của Amazon Châu Âu đặt tại Luxembourg và do đó, các hoạt động của Amazon trên lục địa này phải chịu sự giám sát và luật pháp từ CNPD của quốc gia này cũng như của Liên minh Châu Âu. Ngay cả khi Amazon kháng cáo không thành công, thì khoản tiền phạt trên chỉ là "muối bỏ bể" đối với tài sản của gã khổng lồ thương mại điện tử quốc tế: Amazon nắm giữ 89,9 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền tính đến cuối tháng 6/2021.

Mùa thu năm 2020, Ủy ban Châu Âu đã đệ trình các hồ sơ pháp lý theo luật chống độc quyền nhắm vào Amazon với cáo buộc Amazon đã lạm dụng dữ liệu của khách hàng. Cụ thể, họ sử dụng thông tin riêng tư nhằm "bẫy" thuật toán AI của Amazon, nó sẽ hiển thị các sản phẩm do Amazon cung cấp nhiều hơn là các sản phẩm cung cấp bởi các đối tác. Nếu hành vi này bị kết tội, Amazon sẽ phải nộp phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu.

GDPR, đi vào hiệu lực từ tháng 5/2018, yêu cầu các công ty tiết lộ chính sách thu thập dữ liệu và bảo mật thông tin của người dùng. Bên cạnh đó, GDPR còn yêu cầu các công ty cho phép người dùng tải xuống bản sao dữ liệu của họ và người dùng có thể yêu cầu công ty chỉnh sửa hoặc xóa bất kỳ thông tin cá nhân nào.

Amazon tiết lộ khoản tiền phạt một ngày sau khi công ty công bố kết quả thu nhập quý 2 hợp nhất. Doanh số của Amazon đạt mức 113,1 tỷ USD, tăng 27% so với quý trước - quý thứ ba liên tiếp doanh thu của Amazon trên mức 100 tỷ USD. Thu nhập ròng cũng tăng khoảng 50%, đạt mức 7,8 tỷ USD.

Chí Tôn

Chủ đề khác