VnReview
Hà Nội

Samsung và Sony hưởng ứng trào lưu đóng gói sản phẩm bảo vệ môi trường

Bao bì của nhiều sản phẩm nay đã được các hãng công nghệ lớn như Samsung, Sony hay LG và các thương hiệu thời trang khác chuyển sang dạng vật liệu thân thiện với môi trường.

Các nhà sản xuất điện tử và nhiều hãng thời trang đang hướng tới mục tiêu xanh hóa bằng bao bì thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và dùng các vật liệu bền vững.

Samsung đang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường cho tất cả các sản phẩm ra mắt trong năm 2021. Bao bì được làm bằng bìa cứng gợn sóng, có một ma trận các chấm in bên ngoài để khách hàng có thể dễ dàng cắt hộp và tái sử dụng. Thậm chí, công ty còn cung cấp sổ tay hướng dẫn để làm nhiều loại vật dụng hữu ích và thú vị, bao gồm nhà cho thú cưng, một chiếc bàn mini và giá để tạp chí.

Bao bì sinh thái bắt đầu được sử dụng trên dòng TV Lifestyle của Samsung năm ngoái nhưng hiện tại, nó đã xuất hiện trên hầu hết các sản phẩm khác như màn hình máy tính, loa, máy hút bụi và các sản phẩm khác.

Samsung đã tổ chức cuộc thi "Thử thách sinh thái" từ ngày 4/6 đến ngày 31/7. Theo đó các khách hàng đăng tải ảnh chụp các sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của Samsung trên mạng xã hội để nhận các phần thưởng.

Cha Song-yeon, một khách hàng tham gia Eco Challenge, cho biết: "Mặc dù nó chỉ là một cây cầu nhỏ cho thú cưng và làm bằng các hộp các-tông nhưng nó khá đẹp, chắc chắn và tốt cho môi trường. Tôi muốn thử làm một cái khác".

Lee Eun-hee, giáo sư giảng dạy nghiên cứu về người tiêu dùng tại Đại học Inha, Hàn Quốc, cho biết: "Tiếng vang tiếp thị xảy ra khi khách hàng nâng cấp và tái chế các gói sản phẩm theo nhiều cách độc đáo. Các công ty từ đó sẽ tạo dựng được danh tiếng rằng họ đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi xanh".

Samsung Electronics hy vọng việc đóng gói nâng cấp sẽ giảm được 10.000 tấn khí thải nhà kính mỗi năm, bởi hãng này đang bán được 25 triệu chiếc TV/năm.

LG cũng đang thực hiện cách tiếp cận tương tự nhưng khác biệt thông qua nâng cấp các gói hàng dành riêng cho động vật.

Các kỹ sư lắp đặt của LG sẽ lấy lại các hộp bìa các-tông sau khi lắp đặt thiết bị và các hộp này sẽ được tái sử dụng thành đồ chơi cho hổ, tinh tinh và gấu tại Công viên Seoul Grand. Khoảng 400 hộp sẽ được tặng hàng năm.

Bao bì đệm dùng để lót, bảo vệ cho các thiết bị âm thanh của LG và một số máy điều hòa không khí cũng được làm bằng giấy tái chế và bìa cứng. Mặc dù vật liệu đệm tái chế chỉ được sử dụng cho một số sản phẩm nhưng LG có kế hoạch mở rộng việc sử dụng đệm tái chế cho tất cả các sản phẩm máy điều hòa không khí và dàn nóng trong tương lai.

Bắt đầu từ tháng 6, Sony đã bắt đầu tung ra những chiếc tai nghe không dây mới nhất trong hộp đựng được làm từ chất liệu mà công ty gọi là "vật liệu hỗn hợp nguyên bản". Nó được làm bằng tre, sợi mía và giấy tái chế.

Công ty cũng thay đổi bao bì cho tai nghe từ hộp đựng bằng nhựa có thể nhìn xuyên qua, bao phủ một nửa hộp thành hộp đựng hoàn toàn bằng giấy, giúp dễ dàng tái chế.

Người phát ngôn của Sony cho biết: "Chúng tôi có thể giảm mức sử dụng nhựa trên mỗi hộp tai nghe từ 96% xuống dưới 5%. Chúng tôi có kế hoạch sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường hơn để đóng gói các sản phẩm sắp được bán ra".

Không chỉ có các công ty công nghệ

Nhiều thương hiệu thời trang cũng đang cố gắng đi theo hướng xanh hơn. Bao bì, hộp đựng sang trọng, cách điệu là một phần của trải nghiệm thương hiệu. Do đó các hộp đựng quần áo trước đây của các hãng thường khá cầu kỳ và làm từ các chất liệu không quá thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các thương hiệu cao cấp đã bắt đầu nhận thức được vấn đề môi trường và đang tích cực chuyển sang các loại vật liệu bền vững, dễ tái chế.

Mẫu giày thể thao Charlie của Louis Vuitton dự kiến bán ra vào tháng 11 là một sản phẩm rất đặc biệt, 90% giày được làm từ vật liệu tái chế và có nguồn gốc sinh học, chẳng hạn như cao su tái chế và hộp đựng giày được làm bằng bìa cứng tái chế. Một tay cầm làm bằng sợi tự nhiên được gắn vào hộp giày, cho phép nó hoạt động như một chiếc túi.

Tất cả bọc giấy của giày được làm bằng chất liệu vải Tencel, một loại sợi bền vững đã được Hội đồng quản lý rừng, một tổ chức quốc tế, phi chính phủ chứng nhận và túi đựng bụi của nó được làm từ 100% cotton thay vì polyester.

Người phát ngôn của Louis Vuitton cho biết: "Kế hoạch của chúng tôi là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa dùng một lần vào năm 2030".

Gucci đã sử dụng hợp chất bột gỗ cho giấy gói quà, hộp sản phẩm và túi giấy kể từ tháng 11/2020. Túi đựng bụi và túi đựng quần áo của thương hiệu Gucci được làm từ bông tái sinh và polyester tái chế. Túi giấy không nhiều lớp vì vậy chúng có thể dễ dàng tái chế.

Giáo sư Lee cho biết: "Ngoài việc thể hiện sự giàu có bằng cách mua hàng hóa xa xỉ và thiết bị gia dụng cao cấp, mọi người còn cảm thấy hài lòng hơn khi biết rằng họ đang tái chế và tận dụng các gói hàng, đồng thời mua hàng có ý thức". Lee cho biết thêm, đó là một phương pháp kinh doanh hiệu quả nhắm vào người tiêu dùng trẻ tuổi.

Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ sớm thấy nhiều thương hiệu nổi tiếng hơn nữa hưởng ứng trào lưu sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Mai Huyền (Theo Koreajoongangdaily)

Chủ đề khác