VnReview
Hà Nội

Toyota sản xuất xe như thế nào khi thiếu chip trầm trọng?

Làm thế nào để Toyota tiếp tục sản xuất trong trình trạng thiếu chip nghiêm trọng hiện nay?

Theo Fortune, một trong những dấu hiệu phục hồi đáng hi vọng của nền kinh tế sau cơn suy thoái (do ảnh hưởng từ đại dịch Covid) là sự gia tăng nhu cầu của người dùng đối với ô tô mới. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm chip của lĩnh vực bán dẫn khiến nhiều nhà sản xuất ô tô không thể gia tăng sản lượng, thậm chí phải tạm ngưng sản xuất.

Toyota sản xuất xe như thế nào khi thiếu chip trầm trọng?

Nhu cầu tăng đột biến không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự thiếu hụt: Một loạt các thảm họa khó lường cũng làm rối loạn chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Một đợt lạnh kinh hoàng ở Texas vào tháng Hai đã khiến các nhà máy sản xuất chip hàng đầu phải đóng cửa. Cùng thời gian, đợt hạn hán ở Đài Loan cũng đe dọa làm cạn kiệt nguồn cung cấp chất bán dẫn của quốc gia này (vì sản xuất chip cần các nguồn nước để rửa trôi các hóa chất công nghiệp). Tiếp đến, vào tháng 3, một đám cháy đã gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy tại Renesas của Nhật Bản - một nhà cung cấp chip quan trọng cho ngành.

Dư chấn của các sự kiện này lan truyền qua các dây chuyền lắp ráp và doanh số xuất xưởng xe trên toàn thế giới. Ngay từ tháng Giêng, Ford và General Motors đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt. Kể từ đó, họ đã tạm dừng các dây chuyền lắp ráp do không đảm bảo được chipset xử lí dùng cho máy tính trên ô tô; GM đã cắt giảm sản lượng 278.000 chiếc cho đến hết tháng 5 và Ford đã phải giảm 50% sản lượng toàn cầu trong quý II.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng khó khăn. Volkswagen, Daimler, BMW và Renault từng cắt giảm tổng sản lượng sản xuất của họ. Hàng nghìn công nhân không có việc làm hoặc bị sa thải, trong khi những người sẽ mua ô tô đột nhiên phải đối mặt với danh sách chờ đợi kéo dài hàng tuần. Công ty tư vấn AlixPartners cho biết sự thiếu hụt chip sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu mất khoảng 4% tổng doanh số bán hàng trong năm nay - khoảng 110 tỷ USD doanh thu.

Toyota sản xuất xe như thế nào khi thiếu chip trầm trọng?

Nhưng không phải tất cả các hãng xe đều bị thiệt hại như nhau. Trong khi các OEM đối thủ ‘vấp ngã', Toyota vẫn duy trì phần lớn kế hoạch sản xuất cho đến tháng 5. Công ty cho biết việc đóng cửa nhà máy do thiếu chip sẽ gây ra sự thiếu hụt 20.000 xe tại Nhật Bản - ít hơn 1% sản lượng của Nhật Bản trong năm tài chính 2021. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Toyota tại Bắc Mỹ cũng đảm bảo được 90% công suất so với kế hoạch tính đến tháng 6. Việc đảm bảo năng suất khiến trong quý 1 vừa qua, Toyota đã trở thành nhà sản xuất ô tô số 1 về doanh số bán hàng tại Bắc Mỹ. Đây cũng là lần tiên kể từ năm 1998 GM không giữ vị trí đầu bảng.

Việc thiếu hụt chip toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2022 hoặc xa hơn. Michael Weber, một đối tác tại công ty tư vấn Bain & Co. cho biết nhiều đối thủ đang tìm hiểu xem Toyota làm cách nào để hạn chế sự ảnh hưởng của tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Thành tích của Toyota không hoàn toàn đến từ may mắn. Trong thập kỷ qua, Toyota đã đại tu cách thức giám sát chuỗi cung ứng của mình. Đây là một bài học mà hãng đã rút ra sau trận động đất và sóng thần ở Fukushima tàn phá vùng trung tâm công nghiệp của Nhật Bản. Các giám đốc điều hành của công ty cho biết những cải cách dần dần đó đã chuẩn bị cho công ty vượt qua cuộc khủng hoảng chip hiện tại.

Không giống như nhiều đối thủ của mình, Toyota về cơ bản dự trữ chip. Trên thực tế, các nhà cung cấp của Toyota thực hiện việc dự trữ. Giống như tất cả các nhà sản xuất ô tô, công ty dựa vào vô số các thành phần có chứa chất bán dẫn, chẳng hạn như màn hình thông minh hoặc hệ thống âm thanh. Toyota yêu cầu các nhà cung cấp các thành phần đó phải duy trì nguồn cung cấp chip cho các đơn đặt hàng của công ty trong tối đa sáu tháng (để đề phòng các trường hợp khẩn cấp xảy ra).

Toyota sản xuất xe như thế nào khi thiếu chip trầm trọng?

Theo Tu Le, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ngành công nghiệp ô tô Sino Auto Insights, hầu hết các nhà sản xuất ô tô không áp dụng hệ thống quản lí quy mô như Toyota. Tình trạng thiếu hụt chip hiện nay đã chứng minh phương pháp này đã phát huy hiệu quả rất tốt, đặc biệt là đối với hầu hết các nhà sản xuất chip, ngành công nghiệp ô tô không phải là khách hàng ưu tiên cao nhất. Le nói: "Không thể đổ lỗi cho trình trạng thiếu chip kéo dài trong 3 tháng. Nguyên nhân là do việc quản lý chuỗi cung ứng kém".

Rất ít lĩnh vực có chuỗi cung ứng phức tạp như ngành công nghiệp ô tô. OEM thiết kế và lắp ráp các phương tiện mà họ bán trong các nhà máy của mình nhưng mỗi OEM đều dựa vào mạng lưới hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn nhà cung cấp để có được đầy đủ các linh kiện. Và nỗ lực của Toyota để quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng này có hiệu quả vượt xa so với các đối thủ.

Công ty đã học được giá trị của việc tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các nhà cung ứng cấp thấp hơn sau khi trận sóng thần Fukushima xảy ra vào năm 2011. Hậu quả là Toyota gặp khó khăn khi các nhà sản xuất phụ tùng riêng lẻ ngừng hoạt động. Công ty đã sẵn sàng để các kỹ sư giúp sửa chữa các nhà máy bị hư hỏng của nhà cung cấp, nhưng các nhà quản lý Toyota nhanh chóng nhận ra rằng họ thậm chí không biết cách giữ mối quan hệ với nhiều nhà thầu phụ. Jeffrey Liker, tác giả của The Toyota Way, một luận thuyết rõ ràng về hệ thống sản xuất của Toyota, cho biết: "Họ không biết tên của nhà cung cấp phụ, không biết số điện thoại hay địa chỉ của đối tác".

Trong những tuần bận rộn đầu tiên sau trận động đất, các nhà quản lý của Toyota đã nhốt mình trong một căn phòng, gọi điện liên tục để thu thập thông tin về mạng lưới các nhà sản xuất linh kiện của họ. Các chi tiết được viết nguệch ngoạc trên giấy ghi chú và được dán trên tường.

Cuối cùng, những biện pháp đó đã phát triển thành một hệ thống quản lý toàn diện mà Toyota gọi là "Rescue—the Reinforce Supply Chain Under Emergency system" (Tạm dịch: Rescue - Hệ thống củng cố chuỗi cung ứng trong tình trạng khẩn cấp). Đó là một hệ thống chứa cơ sở dữ liệu của hàng nghìn nhà cung cấp của Toyota. Khi khủng hoảng xảy ra, các nhà quản lý chuỗi cung ứng sẽ tổ chức xác định nhà sản xuất và bộ phận nào có nguy cơ bị gián đoạn và nhanh chóng đưa ra các kế hoạch thay thế.

Trong lần báo cáo tài chính hồi năm ngoái, Masayoshi Shirayanagi, Giám đốc chuỗi cung ứng và thu mua của Toyota, cho biết hệ thống này đã rút ngắn thời gian Toyota xác định nguồn gốc của vấn đề từ hai tuần xuống chỉ còn 12 giờ.

Toyota sản xuất xe như thế nào khi thiếu chip trầm trọng?

Đây cũng là một phần quan trọng trong Kế hoạch liên tục kinh doanh (BCP) của Toyota, trong đó đặc biệt kêu gọi các nhà cung cấp dự trữ chip. Một yếu tố khác của kế hoạch đó là "tìm nguồn cung ứng song song" - sử dụng nhiều nhà cung cấp để cung cấp cùng một bộ phận. Nếu một nhà cung cấp gặp vấn đề, Toyota sẽ chuyển đơn đặt hàng sang một đối tác thay thế để tiếp tục sản xuất. Mạng lưới các nhà cung cấp thay thế đó đã giúp họ tránh được việc đóng cửa nhà máy trong giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020 - và có thể hữu ích trong các cuộc khủng hoảng sắp tới.

Sự thiếu hụt chip đã khiến cho ngành công nghiệp ô tô nhận ra việc cấp bách là phải bảo vệ chuỗi cung ứng của mình. Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley nói rằng ông sẽ tạo mối quan hệ trực tiếp với các nhà sản xuất chip. Hồi tháng 6, Giám đốc tài chính GM Paul Jacobson cho biết GM cũng có thể làm như vậy.

Ở châu Âu, một tập đoàn các công ty do BMW và gã khổng lồ phần mềm SAP dẫn đầu đang tiến xa hơn: Họ đang xây dựng một cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng trên toàn châu Âu với một giải pháp được gọi là "Catena-X". Khác với giải pháp của Toyota (chỉ sử dụng cho mình công ty), Catena-X xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà cung cấp mà bất kỳ nhà sản xuất ô tô thành viên nào cũng có thể sử dụng. Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz đều là những đối tác sáng lập.

Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục khiến các nhà sản xuất ô tô rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vào tháng 7, Toyota đã phải đình chỉ hoạt động tại 3 nhà máy sản xuất ở Thái Lan sau khi dịch bùng phát khiến một nhà cung cấp linh kiện chủ chốt ở đó phải đóng cửa.

Bạch Đằng

Chủ đề khác