VnReview
Hà Nội

Sẽ có ngày smartphone được bán không kèm phụ kiện

Apple đã gây ra rất nhiều tranh cãi vào hồi tháng 10/2020 khi quyết định loại bỏ các cục sạc ra khỏi hộp, không chỉ đối với dòng iPhone 12 mà còn áp dụng cho mọi chiếc iPhone sau này. Samsung cũng đã tiếp bước khi thực hiện điều tương tự trên thế hệ flagship Galaxy S21 ra mắt vào đầu năm nay. Liệu những chính sách này sẽ nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp, buộc mọi chủ sở hữu smartphone mới phải mua thêm các phụ kiện cơ bản, ngay cả khi những chiếc smartphone đang ngày càng đắt?

Rồi sẽ đến một ngày smartphone sẽ được xuất xưởng mà không tặng kèm bất kỳ phụ kiện nào trong hộp?

Đầu tiên, chúng ta sẽ đề cập một chút về động lực đằng sau động thái đó. Trong thời gian ra mắt iPhone 12, Apple đã thực hiện một nỗ lực lớn về việc giảm tác động đến môi trường. Điều đó là không thể phủ nhận. Bất kỳ loại điện tử nào cũng cần có khoáng chất và nhựa, vốn sử dụng các tài nguyên hữu hạn có trên Trái Đất, đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiễm do chuỗi cung ứng tạo ra. Ít phụ kiện hơn sẽ khiến việc đóng gói trở nên đơn giản hơn, giúp tiết kiệm tài nguyên như cây cối và làm cho việc vận chuyển trở nên hiệu quả hơn đối với môi trường. Phần đó vẫn sẽ bị lấy đi bởi các vật liệu bổ sung cũng như chuỗi cung ứng cần thiết cho những phụ kiện của bên thứ ba, nhưng miễn là mọi người không mua quá nhiều, nó vẫn sẽ đảm bảo độ tiết kiệm ở mức nào đó.

Tuy nhiên, thực tế là Apple và Samsung không cung cấp cục sạc (hoặc tai nghe) miễn phí cho những người mua cần chúng. Họ tính phí riêng biệt và thậm chí không giảm giá điện thoại để bù đắp một phần cho những linh kiện này. Rõ ràng, biên lợi nhuận là động lực chính đứng sau động thái cắt giảm các phụ kiện đi kèm của những công ty này.

Apple và Samsung đã đưa thế giới công nghệ đi đến đâu?

Rồi sẽ đến một ngày smartphone sẽ được xuất xưởng mà không tặng kèm bất kỳ phụ kiện nào trong hộp?

Quyết định loại bỏ cục sạc đồng nghĩa rằng thứ duy nhất đi kèm với những chiếc điện thoại Apple và Samsung ở hiện tại đó chính là cáp kết nối. Tất nhiên, trong trường hợp của Apple, đó là cáp Lightning, vốn bị hạn chế tính hữu dụng hơn nữa. Apple đã chống lại các áp lực buộc chuyển sang USB-C cho iPhone. Đây có lẽ là lập luận mạnh mẽ nhất chống lại quan điểm môi trường của nhà Táo. Các cổng độc quyền đồng nghĩa rằng khách hàng phải mua thêm những phụ kiện độc quyền riêng biệt.

Dự đoán trong một vài năm nữa, Apple có thể sẽ loại bỏ hoàn toàn mọi cổng kết nối. Điều đó cho thấy sự "dũng cảm" của công ty khi loại bỏ jack cắm tai nghe 3,5mm từ thế hệ iPhone 7 ra mắt vào năm 2016. Cổng Lightning cũng phục vụ một số chức năng, chẳng hạn như CarPlay, phụ kiện, sạc nhanh hơn và đồng bộ iTunes, nhưng có thể dễ dàng hình dung ra một tương lai mà Apple tuyên bố không dây là tất cả những gì mọi người đều cần. Nó sẽ cho phép công ty loại bỏ mọi phụ kiện đi kèm, cắt giảm chi phí linh kiện và tăng không gian thiết kế bên trong iPhone.

Samsung đã bắt chước Apple trong hợp một thập kỉ, thế nên, công ty Hàn Quốc cũng sẽ không tụt lại quá xa nếu iPhone dần loại bỏ các cổng kết nối của mình. Tuy nhiên, rất khó để công ty chọn cách áp dụng hoàn toàn điều đó. Doanh thu thiết bị di động của Samsung đến từ các thị trường điện thoại bình dân và không nhất thiết phải cần đến những phụ kiện không dây. Nhiều khả năng, các chiếc điện thoại cao cấp trong dòng Galaxy S và Galaxy Note sẽ đi đầu xu hướng này.

Phần còn lại của thị trường smartphone thì sao?

Rồi sẽ đến một ngày smartphone sẽ được xuất xưởng mà không tặng kèm bất kỳ phụ kiện nào trong hộp?

Do những vấn đề về mức giá, rất khó để các công ty bán được hàng loạt điện thoại mà không tặng kèm phụ kiện, và vấn đề sẽ càng tăng đối với những thiết bị không cổng. Những thiết bị không cổng thường yêu cầu các công nghệ như 5G và sạc không dây Qi tốc độ cao nhằm đảm bảo sự liền mạch. Đáng tiếc, những công nghệ này chưa trở nên phổ biến ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ, chứ chưa nói đến đến các khu vực khác trên thế giới.

Ngay cả khi Apple và Samsung dẫn đầu xu hướng, có lẽ sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa trước khi phần còn lại của ngành công nghiệp tiếp bước. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra hoàn toàn. Các phụ kiện tặng kèm có thể là một lợi thế cạnh tranh, bằng chứng là OnePlus Nord 2, vốn được tặng kèm nhiều phụ kiện, không chỉ cục sạc, cáp USB-C mà còn là ốp lưng và miếng dán màn hình. Ở Pháp, nó còn được tặng kèm tai nghe có dây bên trong hộp. Xiaomi không tặng kèm bộ sạc tại Trung Quốc, nhưng công ty lại cung cấp một bộ sạc miễn phí và tặng kèm phụ kiện cho những phiên bản Mi 11 trên toàn cầu.

Tiết kiệm chi phí và sức ảnh hưởng của Apple cũng như Samsung là một điều khó cưỡng lại được, thế nên, cắt giảm phụ kiện chắc chắn sẽ là một xu hướng dài hạn. Trong tương lai, chúng chắc chắn sẽ biến mất. Nhưng phản ứng từ người tiêu dùng sẽ làm chậm quá trình này. Hi vọng, công nghệ sạc không dây sẽ được cải thiện tốt hơn và phổ biến hơn vào thời điểm mà các nhà sản xuất quyết định loại bỏ hoàn toàn mọi phụ kiện tặng kèm bên trong hộp.

Lê Hữu theo Android Authority

Chủ đề khác