VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc chưa thể chấm dứt phụ thuộc vào công nghệ lõi Nhật Bản

Hai năm trước, Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu vật liệu bán dẫn sang Hàn Quốc. Điều này đã làm rung chuyển chuỗi cung ứng của hai nước và khiến Seoul nhận ra rằng phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm của Nhật Bản sẽ đi kèm với rủi ro. Do đó, Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy tự cung cấp nguyên liệu chip công nghệ cao.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguyên liệu Nhật Bản sản xuất vẫn chưa đạt được tiến triển nhiều như chính phủ hứa hẹn. Các số liệu thống kê thương mại cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế.

Tại lễ kỷ niệm hai năm Hàn Quốc phản ứng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu "không công bằng" của Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết nước này đã trở nên tự chủ hơn về các nguyên liệu công nghệ cao. Ông cũng gọi việc đột ngột áp đặt các hạn chế là một "cuộc tấn công bất ngờ."

Trong bài phát biểu dài 8 phút của mình, tổng thống Moon nhấn mạnh Hàn Quốc đã thành công trong việc giảm phụ thuộc ba vật liệu công nghệ cao. Bao gồm hydro florua và chất cản quang được sử dụng trong sản xuất mạch; polyimide được sử dụng chế tạo tấm nền OLED cho điện thoại thông minh.

Tháng 7/2019, Nhật Bản đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu này sang Hàn Quốc, yêu cầu phải được kiểm tra riêng trước khi vận chuyển.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hydro florua của Hàn Quốc từ Nhật Bản đạt 66,85 triệu USD vào năm 2018, nhưng đã giảm mạnh từ tháng 7/2019 với sản lượng đạt 9,37 triệu USD vào năm 2020. Tỷ trọng của các sản phẩm Nhật Bản trong tổng hàng nhập khẩu vào Hàn Quốc giảm xuống 13% vào năm 2020, từ mức 42% vào năm 2018.

Như tổng thống Moon đã nói, Hàn Quốc đã giảm phụ thuộc vào Nhật Bản đối với hydro florua. Sản lượng xuất khẩu của các công ty Nhật như Stella Chemifa và Morita Chemical Industries đã giảm, do hầu hết chất hydro florua đã được Hàn thay thế bằng các sản phẩm nội địa của Soulbrain, sở hữu một phần bởi Samsung Electronics và SK Materials.

Nhập khẩu chất cản quang của nước này từ Nhật Bản cũng giảm, do Hàn tăng lượng nhập khẩu từ Bỉ hơn 10 lần về giá trị kể từ tháng 7/2019.

Nhưng con số này có một chút lừa dối: chất cản quang mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Bỉ, thực chất do một đơn vị sản xuất vật liệu JSR tại Bỉ sản xuất. Và JSR là hãng Nhật.

Thực tế, tổng lượng nhập khẩu chất cản quang từ Nhật trong năm ngoái đã tăng 22% lên 328,29 triệu USD, sau đó tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong sáu tháng đầu năm 2021. Các sản phẩm của Nhật Bản vẫn chiếm hơn 80% trong tổng kim ngạch nhập khẩu..

Khoảng cách lớn nhất giữa tuyên bố của Seoul và thực tế có thể được nhìn thấy ở số lượng polyimide flo hóa. Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đã áp dụng "kính siêu mỏng" như một sản phẩm thay thế cho các sản phẩm của Nhật Bản, nhằm giảm nhập khẩu từ Nhật Bản xuống "hầu như bằng không".

Samsung sử dụng kính siêu mỏng cho smartphone có thể gập lại của mình. Nhưng trong số gần 300 triệu đơn vị smartphone của hãng năm 2020, các mẫu màn hình gập đó chiếm chỉ hơn 1% tổng số. Nhiều smartphone Samsung vẫn sử dụng nhựa dẻo Pi. Và Nhập khẩu nhựa dẻo Pi từ Nhật đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 44,3 triệu USD.

Mặc dù ông Moon nhấn mạnh rằng sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào 100 mặt hàng cốt lõi đã giảm từ 31,4% xuống 24,9% trong hai năm qua, nhưng Seoul không tiết lộ 100 mặt hàng đó là gì. Một quan chức chính phủ cho biết danh sách này là "bí mật quốc gia".

Thâm hụt thương mại lớn nhất của Hàn Quốc là với Nhật Bản; thậm chí còn vượt trội so với nước xuất khẩu dầu mỏ là Saudi Arabia. Thâm hụt thương mại của Hàn với Nhật đã tăng 9% lên 20,9 tỷ USD vào năm 2020 và tăng 31% trong sáu tháng đầu năm nay do sự gia tăng nhập khẩu thiết bị sản xuất chip.

Tổng thống Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc đã giảm phụ thuộc vào Nhật Bản về vật liệu chip công nghệ cao

Những số liệu thống kê này cho thấy sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào các sản phẩm Nhật Bản không thay đổi nhiều, trái ngược với tuyên bố của Seoul. Tuy nhiên, nước này có thể đạt được sự phụ thuộc trong dài hạn.

Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc mua nhiều vật liệu và thiết bị hơn các đối thủ Nhật Bản do quy mô lớn. Samsung đạt doanh thu hàng năm khoảng 90 tỷ USD từ chip và màn hình, trong khi SK Hynix và LG Display thu về tổng cộng 50 tỷ USD. Ngược lại, Kioxia Holdings, nhà sản xuất chip lớn nhất Nhật Bản, công bố doanh thu hàng năm khoảng 11 tỷ USD.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Tokyo đã khiến Samsung và các nhà sản xuất chip Hàn Quốc khác nhận ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Để đảm bảo hoạt động, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã yêu cầu đối tác Nhật tăng cường sản xuất tại Hàn Quốc. Đáp lại, Tokyo Ohka Kogyo và Daikin Industries, cùng các công ty khác, bắt đầu mở rộng sản xuất ở quốc gia này. Những động thái có thể dẫn đến việc phi công nghiệp hóa và mất việc làm ở chính Nhật Bản.

Hơn nữa, các nhà sản xuất thiết bị trực thuộc Samsung cũng bắt đầu phát triển và sản xuất chip, chẳng hạn như các nhà phát triển thiết bị in và thiết bị khắc. Ngoài ra, các công ty liên kết với SK Hynix và LG Display đang sử dụng trợ cấp của chính phủ để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vật liệu công nghệ cao, giúp ngành vật liệu nội địa phát triển.

Chính phủ Nhật Bản dường như không mấy chú ý đến những diễn biến này. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp chỉ đơn giản thừa nhận một số lo ngại về việc khai thác các ngành công nghiệp thiết bị và vật liệu sản xuất chip của Nhật Bản.

Trong những năm qua, Nhật Bản đã cung cấp nguyên vật liệu và trang thiết bị cho Hàn Quốc, còn Hàn Quốc sản xuất ra sản phẩm gồm chip, màn hình, điện thoại thông minh và TV. Sự phân công lao động đôi bên cùng có lợi đó vẫn còn, nhưng nếu Nhật Bản tiếp tục đấu tranh chính trị và coi thường sự thay đổi cơ cấu đang diễn ra của nước láng giềng thì các công ty của họ sẽ phải trả một cái giá đắt.

Sự ngờ vực lẫn nhau giữa Tokyo và Seoul ngày càng sâu sắc sau khi vào tháng 10/2018, tòa án Tối cao Hàn Quốc ra lệnh cho Nippon Steel của Nhật Bản bồi thường cho những người lao động thời chiến.

Ngay năm sau, 2019, Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu. Tokyo mô tả đó là hoạt động "kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quản lý xuất khẩu", trong khi Seoul gọi đó là "các hạn chế thương mại".

Nhật Bản khẳng định cần có các quy định mới đối với những lo ngại về an ninh. Hàn Quốc thì coi chúng là một cuộc tấn công vào các ngành công nghiệp cốt lõi của nước này và trả đũa cho phán quyết về lao động thời chiến.

Ngay sau khi Nhật Bản đưa ra các biện pháp hạn chế, Bộ trưởng Thương mại khi đó là ông Hiroshige Seko cho biết: "Những động thái gần đây của Hàn Quốc liên quan đến lao động thời chiến và các vấn đề khác đã làm xói mòn lòng tin và mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai nước".

Không muốn thay đổi quan điểm, lãnh đạo hai nước đã không thu hẹp được sự khác biệt.

Ngay sau khi Nhật Bản công bố các quy định hạn chế, việc tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản bắt đầu lan rộng ở Hàn Quốc. Sau đó vào tháng 8/2019, Seoul cho biết họ sẽ chấm dứt Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự với Nhật Bản. Một tháng sau, Hàn Quốc đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới.;

Những nỗ lực cải thiện mối quan hệ hai bên vẫn chưa có kết quả. Chuyến thăm dự kiến ​​của ông Moon tới Nhật Bản cùng với lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo vào ngày 23/7 đã không thành hiện thực. Một quan chức cấp cao của chính phủ Hàn Quốc cho biết các cuộc thảo luận sơ bộ đã có tiến triển nhưng hai nước vẫn chưa thể đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

Hàn Quốc dự kiến ​​tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 3. Cuộc bầu cử có thể trở thành một bước ngoặt lớn đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở cả hai nước. Nếu chính quyền tiếp theo tiếp tục chính sách tự cung tự cấp nguyên liệu công nghệ cao của Moon, các công ty Hàn Quốc có thể sử dụng khoản trợ cấp trị giá 5 năm của chính phủ để trau dồi công nghệ của họ.

Ở Hàn Quốc, các chính sách của chính phủ thay đổi đáng kể mỗi khi tổng thống mới nhậm chức. Các nhà sản xuất chip Nhật Bản đang rất chú ý đến việc, liệu người kế nhiệm ông Moon có tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản và tự chủ vật liệu công nghệ cao hay không.

Hoàng Lan (theo Nikkei)

Chủ đề khác