VnReview
Hà Nội

Marvel và DC bị tố trả tiền bèo bọt cho các tác giả truyện tranh dù làm phim thu về tỷ đô

"Họ gửi một bức thư cảm ơn cùng 5.000 USD - trong khi phim kiếm được đến 1 tỷ USD"

Khi xem bất kỳ bộ phim siêu anh hùng nào, bạn cũng sẽ để ý thấy sau dòng chữ "dựa trên truyện tranh tạo ra bởi" (based on the comic book created by) là một danh sách những cái tên, thường là các tác giả hay hoạ sỹ nổi tiếng (hoặc đã mất từ lâu). Nhưng còn có một phần khác ẩn sâu trong đoạn credit dài hơi đó: lời cảm ơn đặc biệt (special thanks) dành cho rất nhiều tài năng truyện tranh, phần nhiều vẫn còn sống, những người đã góp phần dựng nên bộ khung và cả da thịt của vô số bộ phim bạn được xem thời gian qua. Những khung hình lấy trực tiếp từ truyện tranh Batman của Frank Miller; cốt truyện nhân vật từ truyện tranh Thor của Walt Simonson; hay toàn bộ các chuỗi thương hiệu nhượng quyền, như loạt phim Avengers cũng như những series spinoff trên Disney+ như The Falcon and the Winter Soldier, sẽ không tồn tại nếu không có những cái tên như Kurt Busiek hay Ed Brubaker.

Hai công ty truyện tranh lớn nhất thế giới - Marvel và DC - có thể tự hào rằng đã góp mặt vào một phần lịch sử trường tồn của loài người với những nhân vật như Superman và Incredible Hulk, nhưng sự thật là hầu hết những câu chuyện nổi tiếng nhất của họ lại được xây dựng nên một cách cẩn thận xuyên suốt hàng thập kỷ nhờ những hoạ sỹ và nhà văn độc lập. Bạn sẽ tự hỏi rằng, có bao nhiêu phần trăm trong khoản doanh thu phòng vé hơn 20 tỷ USD của MCU được chuyển đến tay những người đã tạo dựng nên bộ khung cho nó? Những khuôn mặt vô danh đằng sau thành công rực rỡ kia đang được đối xử ra sao?

Câu trả lời là: không tốt lắm - theo Brubaker, người cùng với Steve Epting đã hồi sinh anh bạn Bucky Barnes của Captain America để tạo ra Winter Soldier, nhân vật do Sebastian Stan thủ vai trong MCU. "Nhìn chung, tất cả những gì Steve và tôi nhận được nhờ tạo ra Winter Soldier và tuyến truyện của anh ta là một vài câu 'thanks', và cứ mỗi năm trôi qua chuyện đó lại càng trở nên khó nuốt" - Brubaker nói.

"Tôi đã có một sự nghiệp nhà văn tuyệt vời, phần nhiều là bởi Cap và Winter Soldier đã mang rất nhiều đọc giả đến với những tác phẩm khác của tôi" - ông nói thêm. "Nhưng tôi cũng không thể chối bỏ cảm giác khó chịu đôi chút những khi hộp thư nhận về hàng tá đề nghị đưa ra bình luận về các bộ phim đó".

Các nhà sáng tạo truyện tranh có thể xem là những người "làm thuê", tức những công ty thuê họ không nợ họ bất kỳ điều gì ngoài một khoản lương cố định và phí bản quyền. Nhưng Marvel và DC còn khích lệ các tác giả tiếp tục cộng tác lâu dài với hứa hẹn về một công việc ổn định và thứ mà họ gọi là "cổ tức": một khoản chia chác lợi nhuận nhỏ mỗi khi một nhân vật họ tạo ra hay một cốt truyện họ viết trở thành tài nguyên cho các bộ phim, chương trình truyền hình, hay các chuỗi thương hiệu. Với một số nhà sáng tạo, những tác phẩm họ làm ra từ hàng thế kỷ trước nay lại trở thành nguồn thu nhập quan trọng bởi phim ảnh đã mang truyện tranh của họ đến với một lượng khán giả lớn hơn; họ lý luận rằng - và các công ty dường như cũng đồng ý - được trả thêm tiền là điều hoàn toàn hợp lý. DC có một hợp đồng nội bộ đảm bảo các nhà sáng tạo được thanh toán khi nhân vật của họ được sử dụng. Hợp đồng Marvel cũng tương tự, nhưng được giấu kín hơn; một số nhà sáng tạo nội dung cho Marvel thậm chí chẳng hề biết đến sự tồn tại của chúng.

Một người phát ngôn của Marvel từng cho biết các nhà sáng tạo nội dung có thể thảo luận với công ty về hợp đồng bất kỳ lúc nào, và bản thân công ty đang thực hiện những cuộc trao đổi với các nhà văn và hoạ sỹ liên quan những tác phẩm cả gần đây lẫn từ trước đó. Phía DC không đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Nhưng việc thực hiện các bản hợp đồng nhìn chung thuộc quyền quyết định của công ty, và những khoản tiền được hứa hẹn kia có thể trôi vào dĩ vãng một cách có chủ đích.

"Bánh xe lồng chuột được tra mỡ" - đó là lời của Jim Starlin, cha đẻ nhân vật Thanos. Starlin từng thương lượng để có được một khoản chi trả lớn hơn sau nhiều năm tranh cãi về số tiền quá ít ỏi mà Marvel dành cho ông khi đưa Thanos lên làm phản diện chính của MCU. Nhà văn Roy Thomas thì được thêm tên vào phần credit của series Loki trên Disney+ sau khi đại diện của ông lớn tiếng với Marvel. Nhưng đó là những tác giả mà Marvel muốn tạo quan hệ tốt; còn với những tên tuổi "thấp bé nhẹ cân hơn", mọi thứ có thể diễn ra rất khác, khi mà chẳng ai quan tâm họ phàn nàn vấn đề gì cả.

Tác giả nổi tiếng Ta-Nehisi Coates, người viết kịch bản cho Black Panther của Marvel và sau này tiếp bước Captain America của Brubaker và Epting, cho biết ông tin rằng Marvel có những nghĩa vụ đạo đức vượt trên các bản hợp đồng đối với các hoạ sỹ và nhà văn của mình.

"Rất lâu trước khi tôi viết Captain America, tôi đã đọc cốt truyện Death of Captain America và Return of the Winter Soldier của Brubaker và Epting, và đó là những cốt truyện hấp dẫn nhất tôi từng được đọc" - Coates nói. "Tôi thích đọc nó hơn là xem phim - tôi yêu phim nữa - nhưng họ đơn giản là không thể trích xuất những tinh hoa Steve và Ed đưa vào đó rồi tạo ra một thương hiệu trị giá hàng tỷ đô được"

Về phần mình, Coates cho biết ông được đối xử khá tốt, nhưng khẳng định những tên tuổi ít nổi tiếng hơn cũng xứng đáng nhận được điều tương tự từ các studio lớn, bất kể hợp đồng của họ ghi điều gì chăng nữa. "Chỉ vì điều đó nằm trong hợp đồng không có nghĩa là nó đúng. Nếu tôi có lợi thế hơn bạn, tôi có thể buộc bạn ký vào một bản hợp đồng để lợi dụng bạn. Điều đó vẫn hợp pháp thôi"

Qua nhiều thập kỷ, Marvel và DC đều đã trở thành một phần của những công ty thuộc nhóm Fortune 500: Walt Disney Company sở hữu Marvel, và DC thuộc về một công ty con của AT&T. Hiện nay, việc xác định những khoản lợi nhuận mà các tác giả truyện tranh của họ xứng đáng được nhận là một vấn đề phức tạp đang gây tranh cãi giữa Marvel/DC - vốn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các tài năng của mình - và bộ máy điều hành cồng kềnh phía trên họ.

Các nhà sáng tạo nội dung đều có nhìn nhận chung rằng ngày càng khó để nhận được tiền từ Marvel. Một nguồn tin nói rằng Marvel; đã tự trừ khoản phí pháp lý của họ khỏi một cuộc đàm phán kéo dài liên quan việc thanh toán tiền bản quyền. Những người khác từng làm tại DC và Marvel nói rằng cả hai công ty đều tìm cách để khiến các hoạ sỹ và nhà văn không còn muốn phí phạm thời gian đòi hỏi tiền bản quyền từ họ nữa.

"Giới luật sư đứng về phía các công truyện tranh" - theo Jimmy Palmiotti, nhà văn lâu năm chuyên về các nhân vật như Jonah Hex và Harley Quinn tại DC. "Họ không muốn giải thích rõ ràng với bạn về những con số". Mỗi năm một lần, các cộng tác viên tự do (freelancer) được phép kiểm tra số liệu về lợi nhuận họ có được từ các tác phẩm cho DC và Marvel, nhưng Palmiotti nói rằng điều đó cực hiếm khi xảy ra. "Số lượng các nhà sáng tạo nội dung thực sự kiểm tra số liệu của một công ty truyện tranh lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi"

Theo nhiều nguồn tin, khi tác phẩm của một nhà văn hay hoạ sỹ được đưa vào phim Marvel, công ty sẽ gửi cho người đó một vé mời đến dự buổi ra mắt và ngân phiếu 5.000 USD. Ba nguồn tin khác cũng xác nhận điều này. Các nhà sáng tạo không bắt buộc phải đến dự buổi ra mắt, hoặc sử dụng 5.000 USD đó để chi trả cho việc đi lại và mua sắm; các nguồn tin miêu tả nó như một cái gật đầu ngầm rằng khoản tiền đã được chi trả.

Nhiều nguồn tin từng làm việc với Marvel nói rằng những khoản tiền mà các tác giả thu được nhờ cống hiến cho các thương hiệu thành công giao động từ 5.000 USD, đến...không có gì cả, hay - rất hiếm khi xảy ra - một "bản hợp đồng nhân vật đặc biệt" trong đó cho phép một số ít tác giả được chọn nhận tiền thù lao khi các nhân vật hay cốt truyện của họ được sử dụng. Có một số cách khác để kiếm thêm thu nhập - nhiều cựu nhà văn hoặc hoạ sỹ được thăng chức làm giám đốc và nhà sản xuất trong các bộ phim, hoạt hình, và các series stream kinh phí khủng của Marvel - nhưng những thoả thuận đó còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác ngoài nghĩa vụ pháp lý.

"Tôi từng nhận được một bản hợp đồng nhân vật đặc biệt với các điều khoản rất, rất tệ, nhưng hoặc là chọn nó hoặc không có gì" - một tác giả Marvel đề nghị giấu tên cho biết. "Và thay vì vinh danh nó, họ gửi một lá thư cảm ơn và như kiểu, 'đây là một ít tiền chúng tôi không nợ nần gì anh cả', và số tiền đó là 5.000 USD thôi. Còn bạn thì ngẩn ra kiểu, 'Bộ phim đó kiếm được cả tỉ đô mà!'"

"Hợp đồng nhân vật đặc biệt" của Marvel, và "hợp đồng cổ tức tác giả" của DC, là những cách để giữ các tác giả "hạnh phúc" vừa đủ, khiến họ không muốn thu hồi toàn bộ những tác phẩm nguyên bản của mình để bán cho các đối thủ. DC chính là công ty đề xướng ra loại hợp đồng này vào những năm 1970 và 1980 nhằm làm đối trọng với động thái giữ chân tác giả Captain America Jack Kirby. Jim Shooter, sau này là tổng biên tập Marvel, từ chối hoàn trả tác phẩm gốc lại cho Kirby trừ khi ông ký một bản thoả thuận dài hơi nhằm cho phép công ty chuyển thể tác phẩm của mình - bao gồm Incredible Hulk, Fantastic Four, Iron Man, Black Panther, và X-Men - mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. DC nhận thấy đây là cơ hội để ghi điểm trước công chúng nên đã trao cho Frank Miller, Alan Moore, và Dave Gibbons những bản hợp đồng được cho là tốt hơn nhiều liên quan các tác phẩm như Robin và Watchmen (công ty này sau đó lợi dụng một thuật ngữ kỹ thuật để nuốt lời chỉ sau vài năm).

Brubaker nhớ lại một lần dự Comic-Con, nơi ông thấy Roz Kirby phẫn nộ trước Jim Shooter vì thái độ khó chịu của ông này trước chồng bà ngay giữa một phiên hội thảo về quyền tác giả (phiên hội thảo này, tình cờ thay, lại có cả Moore và Miller, những người đang bày tỏ sự vui mừng về những bản hợp đồng công bằng mà DC dành cho họ). Nhiều thập kỷ sau, Brubaker đã giúp Marvel đạt được thành công với loạt truyện Captain America mà ông cùng Steve Epting tạo nên. Theo nhiều nguồn tin, Brubaker và Epting cùng xuất hiện trong bộ tuxedo đen tại buổi tiệc ra mắt Captain America: The Winter Soldier, một bộ phim chuyển thể trực tiếp từ truyện tranh của họ, để rồi nhận ra họ không hề có trong danh sách khách mời. Brubaker nhắn tin cho Sebastian Stan, diễn viên thủ vai nhân vật Bucky Barners của ông và Epting, và anh ấy đã đưa cả hai vào trong.

Một số tác giả nói rằng họ không hề biết Marvel cũng có hợp đồng nhân vật đặc biệt như DC. Trên thực tế, công ty này có "Hợp đồng nhân vật đặc biệt Marvel", trong đó cho phép các tác giả yêu cầu Marvel cho biết liệu một trong các nhân vật của họ có đáp ứng tiêu chí để được trả thêm phí bản quyền hay không. Trong đơn xin ký hợp đồng đó, Marvel đặc biệt dành ra một quyền cho riêng mình: có thể nói với các tác giả rằng nhân vật của họ không đủ nguyên bản để được nhận thêm tiền, đồng thời cảnh báo rằng "những quyết định như vậy là cuối cùng" và không thể kháng nghị. DC cũng lợi dụng biện pháp đó; vào năm 2015, studio này đã bị chỉ trích vì huỷ thanh toán đối với nhà văn Gerry Conway liên quan nhân vật Power Girl của ông, mà công ty này tự nhận định là một phiên bản khác của Supergirl và do đó không đủ điều kiện như hợp đồng đã nêu. Conway xác nhận rằng ông không còn được nhận bất kỳ khoản thanh toán nào liên quan nhân vật này nữa.

Sự việc Power Girl cho thấy sự mập mờ về mặt đạo đức của những bản hợp đồng kia, khi mà chúng được DC và Marvel dựng nên, đơn phương thực hiện, và chỉ được chi trả khi hai công ty này ghi nhận sự đóng góp của họ cho rất nhiều bộ phim, chương trình truyền hình, video game, thẻ bài, hình nhân, và những chuỗi nhượng quyền khác. Một tác giả giấu tên cho biết ông và các đồng nghiệp đôi lúc đến cửa hàng Target để chụp ảnh hình nhân các nhân vật họ tạo ra mà các công ty còn nợ tiền để nhắc nhở rằng khoản thanh toán của họ vẫn chưa được thực hiện.

DC và Marvel đã đạt được thành công rực rỡ khi luật bản quyền bắt đầu thay đổi. Đạo luật Bản quyền 1976 trao cho các hoạ sỹ quyền thực thi một lần nhằm huỷ bỏ các hợp đồng đã ký với những tổ chức nắm giữ tài sản trí tuệ - một lựa chọn mà nhiều người đã thực hiện sau khi chứng kiến các tác giả Superman là Jerry Siegel và Joe Shuster bị đối xử thậm tệ và rơi vào cảnh cháy túi. Hoạ sỹ Al Jaffee có lần khẳng định séc thanh toán của ông từ EC Comics bị đính kèm một bản hợp đồng, khiến ông không thể rút tiền mặt nếu không trao quyền tác phẩm của mình cho họ. Đây là một mánh khoé phổ biến trong ngành công nghiệp, bao gồm cả Marvel, và khi Đạo luật Bản quyền 1976 ra đời, nó đã được các công ty tính toán lại.

Trong bối cảnh các nhà xuất bản bước chân vào thị trường truyền thông, đội ngũ quản lý của họ cũng bắt đầu để ý đến những tác hại của việc đối xử tệ bạc với các tài năng. Đã có những cuộc đối đầu nổi tiếng liên quan tiền bản quyền, và những câu hỏi gai góc cũng được đặt ra liên quan những khoản phí chưa được chi trả cho hàng ngàn đồng tác giả trong một vũ trụ chung. Vào năm 2000, một hiệp hội các nhà xuất bản đã thành lập nên một tổ chức tình nguyện để hỗ trợ các hoạ sỹ gặp rắc rối về vấn đề bản quyền, gọi là "Sáng kiến anh hùng" (Hero Initiative, với Marvel là một thành viên sáng lập, còn AT&T thì cho phép nhân viên quyên góp trực tiếp vào sáng kiến này từ tiền lương của họ).

Cho đến tận những năm 1980, những người làm việc trong ngành truyện tranh ở mọi cấp độ có lẽ đều là những người hâm mộ truyện tranh cuồng nhiệt. Năm 1986, biên tập viên DC Paul Levitz và chủ tịch DC Jeanette Kahn cùng xây dựng những mô hình mới nhằm giúp các nhà văn và hoạ sỹ được chi trả tiền bản quyền một cách công bằng hơn. Các hợp đồng của Moore, Gibbons, và Miller lẽ ra phải là thứ thúc đẩy mở ra một kỷ nguyên công bằng mới. Đó là điều sớm muộn cũng thành hiện thực: DC có lẽ đã nhận thấy hơi nóng phả từ sau gáy họ sau những gì họ đối xử với Siegel và Shuster trong quá trình sản xuất Superman 1978.

Nhưng Watchmen của Moore và Gibbons thực sự là một thành công lớn, được tái bản nhiều lần - điều chưa từng có tiền lệ đối với một graphic novel - và DC chưa bao giờ muốn tuột mất quyền tái bản, do đó họ tìm cách giữ chặt nó. Moore và Gibbons có quyền chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi nhượng quyền; DC tạo ra chuỗi nhượng quyền và xếp nó vào nhóm "các sản phẩm khuyến mãi", rồi nói rằng Moore và Gibbons không sở hữu bất kỳ thứu gì cả. Vậy đấy, những bản hợp đồng nội bộ được ca tụng hết mực rằng sẽ giúp cuộc sống của các tác giả trở nên dễ chịu hơn luôn có thể bị đảo ngược mà không ai lường trước được.

Đến mức mà nếu có sự công bằng trong ngành công nghiệp truyện tranh ngày nay, thì đó chủ yếu là công lao của Levitz cùng với Kahn và Karen Berger, nay đang làm việc tại Dark Horse Comics. Levitz rời DC năm 2009, nhưng sức ảnh hưởng của ông vẫn hiện diện trên toàn ngành công nghiệp.

Nhiều tác giả nói rằng họ có lần gọi cho Levitz để đề nghị được trả thêm tiền bởi có một cảnh trong một bộ phim Batman được lấy từ truyện hoặc được đặt tên theo tác phẩm của họ, và rồi bị sốc khi thực sự nhận được khoản tiền đó.

Nhiều đồng nghiệp nói rằng Levitz như một bức tường thành chắn giữ trước sự tham lam của các lãnh đạo của Warner Bros. Trong nhiều năm trời, ông đã ngăn cản việc xuất bản các phụ truyện của Watchmen, điều mà Moore và Gibbons cũng không hề đồng ý - nhưng DC lại thực hiện ngay sau khi Levitz rời đi. Khi không có một Levitz khác ngăn trở, Marvel và DC một lần nữa đứng trước sự chỉ trích vì những bản hợp đồng đặc biệt đầy huyễn hoặc. Một số tác giả đã hoàn toàn từ bỏ các công ty này, số khác tự lập studio riêng, như Image và Dark Horse, mang lại cho các tác giả những nhà xuất bản mới công bằng hơn. Có lẽ Marvel và DC sẽ sớm nhận ra rằng, ngày càng nhiều tác giả - bao gồm cả Brubaker và Mark Millar - đơn giản là sẽ không bao giờ hợp tác với họ lần nữa!

Minh.T.T (theo TheGuardian)

Chủ đề khác