VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc tăng cường bảo vệ "công nghệ lõi" quốc gia gồm vaccine và chip nhớ

Chip nhớ vẫn đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng, trong khi đó các quốc gia lại đang đổ xô sản xuất các thành phần thiết yếu cho xe điện (EV) và vắc xin COVID-19. Chip trở thành một "vấn đề an ninh quốc gia"!

Hàn Quốc đang nỗ lực ngăn chặn bí mật thương mại của các ngành cốt lõi

Trong vấn đề này, Hàn Quốc là một nước có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ vì đây chính là quê hương của hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới - Samsung Electronics và SK Hynix. Ngoài ra, LG Energy Solution (LGES) là nhà sản xuất pin EV cùng với Samsung SDI và SK Innovation (SKI).

Thêm vào đó, Tổng thống Moon Jae-in còn hy vọng đất nước sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất vắc-xin COVID-19, vì Samsung Biologics đã thiết lập sản xuất vắc xin COVID-19 của Moderna tại nhà máy ở Incheon.

Theo trang Korea Times, chính phủ Hàn đang tìm cách xây dựng kế hoạch cấm bán các công ty bán dẫn, vắc-xin hoặc pin, mà không có sự chấp thuận trước của chính phủ. Đây được xem là nỗ lực ngăn chặn rò rỉ bí mật thương mại của các ngành thúc đẩy tăng trưởng cốt lõi.;

Các động thái này diễn ra sau khi gần đây Mỹ đã thông qua một dự luật bao gồm việc thiết lập nguồn tài trợ có thể lên tới 52 tỷ USD hỗ trợ các sáng kiến ​​nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. EU cũng đã thiết lập nguồn vốn để mở rộng sản xuất chất bán dẫn của châu Âu.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực tuyển dụng các chuyên gia CNTT trong các lĩnh vực này. Cơ quan tình báo của Trung Quốc được cho là luôn theo dõi các chuyên gia trong các lĩnh vực cốt lõi này, giữa bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng cạnh tranh về quyền sở hữu trí tuệ.

Dữ liệu gần đây của Dịch vụ Tình báo Quốc gia (NIS) cho thấy, có 111 sự cố làm rò rỉ công nghệ công nghiệp từ tháng 1/2016 đến tháng 6 năm nay. Con số này sẽ dẫn đến khoản thiệt hại hơn 21 nghìn tỷ won (18,1 tỷ USD), với các yếu tố gồm chi phí R&D và bán hàng thua lỗ. Trong đó, có 35 công nghệ chính liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia và nền kinh tế.

Trong tổng số 111, 66 sự cố xảy ra tại các công ty vừa và nhỏ (SME), cho thấy họ dễ bị tổn thương do mức độ bảo mật doanh nghiệp và quản lý lực lượng lao động lỏng lẻo. Tiếp theo là 36 sự cố xảy ra tại các công ty lớn, 8 sự cố tại các trường đại học và viện nghiên cứu và một sự cố tại cơ sở nhà nước.

"Nhiều chiêu thức rò rỉ bí mật thương mại đang nhanh chóng diễn ra, ngày càng nhiều các công ty Hàn Quốc dễ bị tổn thương và lợi ích quốc gia quan trọng bị tổn hại. Cần có các biện pháp ngăn chặn việc rò rỉ bí mật công nghệ ở các công ty nhỏ", một nhà quan sát trong ngành cho biết.

Ủy ban đặc biệt về công nghệ bán dẫn của Hàn Quốc đang tìm cách đưa ra dự luật sửa đổi, cấm những công ty nắm giữ "công nghệ cốt lõi" bán công ty hoặc công nghệ của họ mà không có sự chấp thuận của Bộ Thương mại. Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng sẽ là cơ quan xem xét và đưa ra ý kiến chấp thuận đối với các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp liên quan đến các công ty nước ngoài và các khoản đầu tư từ nước ngoài.

Đằng sau cơ sở lý luận của những động thái trên là quan điểm cho rằng sự tham gia sâu rộng của chính phủ là một yếu tố cộng giúp giảm bớt các áp lực thiếu hụt nguồn cung, bởi vì chỉ có một số công ty toàn cầu thống trị chuỗi cung ứng. Điều đó có nghĩa là Hàn Quốc có thể có vị thế tốt để tận hưởng "lợi thế cạnh tranh", tăng giá nhờ thế mạnh về sản xuất của đất nước.

Hình phạt khắc nghiệt

Hàn Quốc có kế hoạch thiết lập các hình phạt nghiêm khắc đối với những hành động vi phạm quy định. Những quy định này sẽ hạn chế khả năng làm việc của một cá nhân trong một ngành cụ thể trong một khoảng thời gian sau khi người này kết thúc hợp đồng làm việc. Những quy định đó nhằm tránh nguy cơ người lao động sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, sẽ chuyển sang công ty mới và sử dụng chính những bí mật thương mại mà họ học được từ trước để cạnh tranh với công ty cũ.

Quy định này nhằm thiết lập cơ sở pháp lý trừng phạt các nhân viên trong ngành bán dẫn và pin. Quy định sửa đổi sẽ còn áp dụng nhiều biện pháp hình phạt khắc nghiệt hơn đối với những người làm rò rỉ bí mật thương mại.

Theo luật quản lý bảo vệ công nghệ công nghiệp, rò rỉ bí mật thương mại là một tội hình sự có thể bị phạt tù đến ba năm. Tuy nhiên, chỉ có ba trường hợp bị kết án tù trong khoảng từ năm 2017 đến năm 2019. Những người chưa thu được lợi nhuận gì từ việc bán bí mật thương mại và những người phạm tội lần đầu bị phạt tù từ 10 tháng đến một năm rưỡi và được hưởng án treo.

Hàn Quốc có kế hoạch ra các chi tiết cụ thể vào ngày 31/8 tới, sau đó sẽ xem xét thông qua dự luật tại kỳ họp thường kỳ của Quốc hội vào tháng 9.

Hoàng Lan

Chủ đề khác