VnReview
Hà Nội

Kết cục buồn của những kẻ thách thức iPad

Ban đầu, ai cũng tưởng dễ ăn. Bởi vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau khi Steve Jobs giới thiệu iPad vào tháng 1/2010, một loạt công ty đã quyết định nhảy vào lĩnh vực máy tính bảng.

Một số hãng quyết định thiết kế hệ điều hành riêng như trường hợp của HP và RIM; số khác chọn dùng phần mềm có sẵn, phổ biến nhất là Android. Chắc hẳn, các nhà sản xuất đủ thực tế để hiểu rằng vượt qua iPad là khó, nhưng có lẽ họ nghĩ rằng thị trường máy tính bảng đủ lớn để mang lại niềm vui cho nhiều nhà sản xuất.

Nhưng thực tế đã không như vậy, kỷ nguyên thống trị của iPad đến nay đã 2 năm vẫn chưa thấy xuất hiện đối thủ nào xứng tầm. Hệ quả của cuộc cạnh tranh với Apple là một loạt bại binh khốn khổ, điển hình nhất là HP với sản phẩm TouchPad. Dưới đây là cái nhìn sơ bộ về thực trạng của những nền tảng hệ điều hành máy tính bảng đang đối đầu với iOS (hệ điều hành được dùng trên iPad).

Google Android

Sức mạnh lý thuyết: Android Honeycomb là phiên bản dành cho máy tính bảng của hệ điều hành đang thành công trên điện thoại thông minh (smartphone). Phiên bản này hỗ trợ các ứng dụng Android hiện tại (viết cho điện thoại di động) cũng như các ứng dụng viết riêng cho nó. Android cũng là nền tảng mở được hầu hết các nhà sản xuất máy tính bảng sử dụng. Hệ điều hành này cũng cũng có giao diện người dùng được đánh giá là đơn giản, tiện dụng.

Thực tế đến nay thế nào? Google đã có sự khởi đầu mau lẹ trong thị trường máy tính bảng. Nhưng rõ ràng là Motorola Xoom, máy tính bảng Honeycomb đầu tiên, đã ra mắt quá vội vàng – nó có nhiều lỗi, không hỗ trợ khe cắm thẻ microSD và ứng dụng nghèo nàn. Nhiều tháng sau, các ứng dụng cho Honeycomb vẫn ít ỏi đến ngạc nhiên. Các máy tính bảng Honeycomb ra mắt sau đó như Samsung Galaxy Tab 10.1 có cải thiện so với Xoom nhưng vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: tại sao người tiêu dùng lại chọn nó thay vì iPad? Trong khi đó, iPad đã chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai trong xếp hạng máy tính bảng của tạp chí Consumer Report công bố tháng 4. iPad 2 được đánh giá “tuyệt vời” ở hầu hết trong số 17 tiêu chí đánh giá máy tính bảng của tạp chí này, trong khi đó phiên bản iPad ra mắt từ đầu năm 2010 cũng còn được đánh giá cao hơn cả Motorola Xoom.

Tương lai nào cho Android? Ở thời điểm hiện nay, Honeycomb sẽ không thể đe dọa iPad, thực tế nó đã sắp về hưu. Ice Cream Sandwich, hậu duệ của nó, sẽ ra mắt vào tháng 10 hoặc 11 tới. Hiện chưa có nhiều thông tin về phiên bản hệ điều hành này nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ cạnh tranh với iOS 5 của Apple, phiên bản nâng cấp hoài bão cho iPad và iPhone thế hệ mới sắp ra mắt thị trường.

Có nhiều cơ hội để các máy tính bảng dùng Ice Cream Sandwich trở thành kẻ thách thức thực sự với iPad nhưng với một điều kiện là giá phải rẻ hơn và Google phải nỗ lực hết sức để cải thiện chất lượng cũng như số lượng ứng dụng dành cho máy tính bảng Android. Hãy chờ thêm năm nữa để xem kết quả cuộc chiến giữa Android và iOS sẽ diễn ra thế nào?

Hệ điều hành HP WebOS

Sức mạnh trên lý thuyết: Phần mềm này đã nhiều người tán dương về các tính năng thông minh và giao diện đẹp mắt; HP đã từng nói rằng hãng này sẽ đưa hệ điều hành này vào mọi thứ từ máy tính bảng đến điện thoại, máy in và máy tính với tham vọng đưa nó trở thành nền tảng số một.

Thực tế đến nay thế nào? Khi HP ra mắt máy tính bảng TouchPad vào tháng 7/2011, nó đã bị coi là sản phẩm chưa hoàn thiện; nhận nhiều lời chê bai từ các trang đánh giá và doanh số bán ra nghèo nàn. Cuối cùng, HP tuyên bố dừng phát triển máy tính bảng này và tất cả những phần cứng khác chạy hệ điều hành WebOS sau 6 tuần. Máy tính bảng HP TouchPad đã kết liễu số phận bi thảm của hệ điều hành từng được coi là triển vọng sau chiến dịch bán tống bán tháo với giá 99 USD.

Tương lai nào cho WebOS? HP đã thông báo cắt giảm hàng trăm nhân viên tham gia vào các sản phẩm WebOS và cho biết rằng hãng này đang tìm cách tống khứ phần mềm WebOS. Đến nay, WebOS vẫn chưa khai tử một cách chính thức và HP thậm chí còn nói rằng phần mềm này sẽ rất tươi sáng nếu nó tìm được các đối tác phần cứng phù hợp.

Cơ hội để nó trở thành thách thức thực sự với iPad không nhiều. HP đã thiếu ý chí để đem lại thành công cho WebOS sau khi đổ ra 1,2 tỷ USD mua lại Palm, liệu có ai đủ mạnh để đưa hệ điều hành này trở lại?

RIM QNX

Sức mạnh trên lý thuyết: QNX là nền tảng mạnh mẽ và rất phù hợp với điện toán di động, nhất là với người dùng doanh nghiệp. Máy tính bảng BlackBerry PlayBook của RIM có những thông số kỹ thuật ấn tượng và chạy thử nghiệm rất tốt. RIM, người phát minh BlackBerry, biết cách để làm dân công nghệ hứng thú.

Thực tế đến nay thế nào? Dường như RIM và HP có thỏa ước mật là cùng nhau đua tranh ngôi vị “ô mai xấu đáy lọ”. Vào tháng 4/2011, RIM đã ra mắt máy tính bảng PlayBook thiếu một tính năng biểu tượng sức mạnh của hãng này: phần mềm email. Ngoài ra, nhiều tính năng quan trọng khác của máy tính bảng này phải kết nối với điện thoại BlackBerry mới có như lịch công việc, sổ danh bạ… trong khi ứng dụng nghèo nàn, hệ điều hành non trẻ và giá lại không rẻ hơn iPad. Hậu quả của những thiếu sót này là tiêu thụ kém PlayBook rất yếu kém.

Tương lai nào cho QNX? RIM đã tuyên bố sẽ giảm giá PlayBook và bổ sung thêm phần mềm email cho máy tính bảng này. Thế nhưng những động thái đó cũng khó mà cứu vãn được số phận lót đường cho iPad. Bởi vì các điều đó chỉ giúp nó duy trì sự hiện diện trên thị trường lâu hơn, chứ không thể trở thành sản phẩm xứng tầm với máy tính bảng của Apple. Hơn nữa, nếu giảm giá quá nhiều thì RIM không thể phát triển dài hạn. QNX không phải là nền tảng phổ thông nhưng cũng có chút hy vọng là nó sẽ trở thành nền tảng cho những điện thoại BlackBerry thế hệ mới của RIM. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn tương lai của các máy tính bảng QNX trong hội nghị các nhà phát triển BlackBerry diễn ra vào tháng 10 tới ở Mỹ. Tại sự kiện này, chắc hẳn các nhà quản lý của RIM sẽ có thông tin về tương lai của PlayBook. Đến thời điểm này, có thể khẳng định RIM đã thất bại trong bước đầu tham gia thị trường máy tính bảng.

Microsoft Windows

Sức mạnh trên lý thuyết: Nó là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới.

Thực tế đến nay thế nào? Tại triển lãm điện tử gia dụng CES 2010 (diễn ra ở Las Vegas, Mỹ), giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đã giới thiệu về “Slate PC” - các máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows. Nhưng đến nay, sau gần hai năm, không thấy một máy tính bảng Windows nào thực sự ra mắt thị trường.

Tương lai nào cho Microsoft Windows? Một số thông tin thú vị với nền tảng này vừa mới xuất hiện. Tại hội nghị các nhà phát triển BUILD của Microsoft diễn ra vào đầu tháng 9, hãng này đã giới thiệu Windows 8 tới cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng. Một điều rõ ràng là Microsoft đã rất quan tâm đến việc đưa Windows đến với các máy tính bảng: Windows 8 có giao diện người dùng gọi là Metro được thiết kế dành cho điều khiển cảm ứng và nó cũng sẽ chạy trên các bộ vi xử lý ARM đang thống trị lĩnh vực máy tính bảng.

Đây là phiên bản Windows mới có nhiều thay đổi lớn nhất kể từ Windows 1.0 đến nay và được đánh giá sẽ là thách thức lớn với iOS trong tương lai gần. Đặc biệt, hệ điều hành này đang có cơ hội thiên phú bởi vì các nhà sản xuất lớn như Samsung và HTC đang muốn xa rời nền tảng Android sau khi Google quyết định mua lại bộ phận sản xuất di động của Motorola. Nhưng phải đến giữa năm 2012, các máy tính bảng chạy Windows 8 mới xuất hiện để cạnh tranh với iPad và các máy tính bảng Android. Từ nay cho đến thời điểm đó, máy tính bảng của Apple vẫn sẽ vùng vẫy một cách an toàn trước đoàn quân Android yếu ớt.

Minh Tiến

Tổng hợp từ Cnet, PCmag

Chủ đề khác