VnReview
Hà Nội

Apple từ nay trông cậy vào nhà thiết kế Jonathan Ive

Sự kết hợp;giữa Jonathan Ive và Steve Jobs đã tạo ra những hiện tượng công nghệ, từ iPod đến iPhone. Giờ Apple phải trông cậy vào ông Ive để cho ra những sản phẩm có thiết kế mang tính đột phá dù không còn Steve Jobs ở bên.

Trong bài viết "Nhà thiết kế Apple Jonathan Ive bước vào kỷ nguyên mới" của báo Los Angeles Times hôm nay, ngày 7/9, tập trung sự chú ý vào nhà thiết kế của Apple, nhân vật số hai sau cựu CEO Steve Jobs truyền cảm hứng vào các sản phẩm của hãng.

Những người dùng sản phẩm Apple đều thấy dòng chữ "Designed by Apple in California", tức là "Được thiết kế bởi Apple ở California" trên lưng mỗi sản phẩm iPad, iPhone, iPod. Năm từ (tiếng Anh) này đủ bao hàm sự tự hào của Apple về thiết kế sản phẩm và về nhà thiết kế trưởng của họ, ông Jonathan Ive.

Ông Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, có lẽ là người đưa ra các ý tưởng. Nhưng ông Ive mới chính là người đã biến các ý tưởng đó thành sản phẩm mà khi ra thị trường, sản phẩm nào cũng thành công vang dội.

Sự kết hợp giữa đồng sáng lập Apple và nhà thiết kế hàng đầu của hãng đã tạo nên các hiện tượng công nghệ trong một thập kỷ, từ iPod đến iPad.

Nay Apple sẽ dựa vào ông Ive để tiếp tục cho ra những thiết kế đột phá mà không có sự giám sát hoặc hỗ trợ từ Steve Jobs, người đã từ chức CEO hồi tháng trước.

Ive là một trong những nhà thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới và công việc của ông tại Apple đã trở thành nghiên cứu điển hình tại các trường thiết kế cũng như bộ sưu tập tại bảo tàng nghệ thuật New York hiện đại và trung tâm Georges Pompidou tại Paris. Tất cả sản phẩm của Apple do Ive thiết kế đang lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm thiết kế cao cấp tại bảo tàng nghệ thuật ở Hamburg, Đức.

Song theo các nhà phân tích, giá trị của Ive với Apple không phải ở chỗ các thiết kế của ông làm hài lòng ông chủ hoặc các bậc thầy về thiết kế mà bởi thiết kế sản phẩm ông làm ra đã giúp tạo lập kết nối cá nhân với vô số người hâm mộ Apple ngành điện tử tiêu dùng với hay thay đổi.

Steve Jobs giới thiệu nhà thiết kế trưởng Jonathan Ive của Apple tại một sự kiện Apple ra mắt sản phẩm

Sự sùng kính của Apple với thiết kế - không chỉ phần cứng hay phần mềm – đã có từ nhiều thập kỷ và tạo sự khác biệt giữa Apple và các đối thủ. Trong khi nhiều nhà sản xuất điện tử kiếm từng xu, thì Apple đánh bạc với các ý tưởng tiên phong, các chất liệu mới và các quy trình sản xuất sáng tạo. Các kế hoạch thiết kế của apple không chịu sự ảnh hưởng của các nhóm nghiên cứu thị trường hay nhóm tập trung nào.

Thay vào đó, Tim Bajarin, nhà phân tích đã theo dõi Apple từ nhiều thập kỷ nhận xét, Apple đã dựa vào bản năng của Steve Jobs và Jonathan Ive để dự liệu người tiêu dùng sẽ muốn những gì. Ông nói, cùng với nhau, Jobs và Ive đã tiếp nhiên liệu cho sự thay đổi của Apple bằng việc biến những cái hộp màu xám ảm đạm thành những thiết bị sử dụng đơn giản, hình thức bóng bẩy. Và điều đó đã đưa Apple trở thành một trong những công ty có giá trị nhất và ảnh hưởng nhất thế giới.

Ông Bajarin cho rằng con mắt thiết kế của Ive rất sắc, thậm chí còn "tốt hơn Steve Jobs".

"Steve có cảm giác ruột gan về thiết kế công nghiệp, trong khi Jonathan có điều đó cộng với kinh nghiệm thiết kếchuyên môn", ông nói.

Nhà thiết kế gốc Anh 44 tuổi này được bạn bè gọi thân mật là "Jony". Ông được nhận xét là người có tính cách mềm mỏng, khiêm tốn, kín đáo và làm việc không vì danh vọng hay tiền bạc (mặc dù ông có rất nhiều, cả danh vọng và tiền bạc) mà vì ám ảnh khao khát tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa đối với con người. Các đồng sự cũ của ông ví khả năng một sản phẩm thỏa mãn cảm xúc của mọi người là sản phẩm "có Jony".

Ive và nhóm một tá sao thiết kế của ông làm việc ở một studio bí mật sâu trong khu làm việc của Apple ở Cupertino, California. Studio này được "niêm phong" kín đối với tất cả ngoại trừ các giám đốc Apple. Trong đó, nó chứa thiết bị nguyên mẫu rất đắt.

Đội thiết kế ăn pizza và nghe nhạc trong khi đang thiết kế các sản phẩm để làm sao các sản phẩm này đơn giản với người dùng. Theo các cựu nhân viên Apple, họ chú ý đến mỗi chi tiết trong nỗ lực không ngừng loại bỏ bất kỳ phần nào không cần thiết. Đội làm việc chặt chẽ với các kỹ sư, nhà tiếp thị sản phẩm và thậm chí cả nhà sản xuất của Apple để đảm bảo sản phẩm đúng như kỳ vọng.

Mục tiêu của Ive là "sản xuất ra thứ gì đó trông như nó không thực sự được thiết kế chút nào vì đó là thiết yếu", ông nói năm 2006.

"Ông ấy dường như là kết hợp của mọi tinh túy nhất của người Apple:  trầm lặng, suy nghĩ thấu đáo và đam mê làm nên sản phẩm tốt nhất cực độ", Mike Martucci, cựu giám đốc tiếp thị Apple nói. "Hành xử, tầm nhìn và sự đam mê này là những gì đã đưa Apple lên vị trí hàng đầu".

Apple đã từ chối đề nghị phỏng vấn ông Ive. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn trước, ông nói ông bị Apple thu hút bởi khao khát của nó – như những từ trong chiến dịch quảng cáo của họ - "think different", nghĩa là "nghĩ khác".

Ive nói bản năng làm cách mạng của hãng rõ ràng với ông ngay từ thời điểm ông chạm vào chiếc máy tính Macintosh. Thời điểm đó, ông gần hoàn thành chương trình nghiên cứu thiết kế công nghiệp ở Anh. Không một lần đọc một hướng dẫn sử dụng sản phẩm, ông tức giận với nhiều máy tính cá nhân và đã sợ ông là người "thiểu năng công nghệ". Sau đó ông bật một chiếc máy tính Mac và nói mình cảm thấy có sự kết nối ngay lập tức với máy tính và những người thiết kế nó.

Quá ấn tượng với những gì được thấy, ông đã quyết định đầu quân cho Apple từ năm 1992 sau khi nghỉ việc tại một công ty thiết kế nhỏ ở Anh. Khi ấy, Apple đang mất thị phần và kinh doanh thảm bại.

Ông âm thầm làm việc tại Apple suốt 5 năm cho đến khi Steve Jobs trở lại để cứu Apple đang bên bờ vực phá sản. Ông Jobs đã tiến hành tuyển dụng trên quy mô quốc tế để kiếm được một giám đốc thiết kế và cuối cùng chọn Ive sau khi vào xưởng thiết kế và nhìn thấy những gì ông Ive đã làm.

Sản phẩm đầu tay của Ive với Jobs là iMac, dòng sản phẩm máy tính để bàn trong suốt có màn hình màu sắc rực rỡ tương phản với sản phẩm màu sắc nhợt nhạt từ các công ty đối thủ. Ive và nhóm thiết kế thậm chí đã đến thăm cả một xưởng làm kẹo để thử nghiệm màu sắc và hình dáng của kẹo gôm.

Lúc đó, ông Ive mô tả các cuộc họp "động não" của ông với Jobs không phải là về tốc độ chip của máy tính iMac như suy nghĩ thông thường trong ngành máy tính mà về "Chúng ta muốn mọi người cảm giác về nó thế nào?"

Qua thời gian, Ive làm việc hòa hợp với Jobs đến nỗi nhiều người bảo ông có chung một bộ óc với Jobs. Với sự lãnh đạo của Jobs và sự dẫn dắt đội ngũ thiết kế của Ive, Apple đã có một thập kỷ tung ra hàng loạt sản phẩm đột phá: iPod vào năm 2001; iPhone năm 2007 và iPad năm 2010.

Vậy dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, CEO mới, Ive có tiếp tục thành công không?

Điều đó có lẽ còn phụ thuộc vào việc CEO mới đặt niềm tin vào Ive, đội ngũ thiết kế của ông đến đâu cũng như việc ông Cook có sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào yếu tố mang lại điểm khác biệt cho sản phẩm của Apple.

"Apple là công ty nơi mà bạn được phép tạo ra các sản phẩm với giá thành sản xuất cao hơn hẳn. Hãng là công ty duy nhất đang làm điều đó. Apple xem chi phí đó dưới cách nhìn hàon toàn khác. Chi phí đó không phải là con số trên giấy tờ; nó là cần thiết để thương hiệu Apple giữ được giá trị và phát triển", ông Meyerhoffer nói.

Hà Lan

Chủ đề khác