VnReview
Hà Nội

Nhóm Mua bỏ mặc khách hàng

Dù nội bộ lục đục như thế nào, nhưng việc các nhà đầu tư của Nhóm Mua gồm toàn những tên tuổi lớn đang bỏ mặc khách hàng là cách hành xử rất tệ. Chỉ có khách hàng phải chịu thiệt mà không biết kêu ai.

Theo bài viết trên báo ICTNews, nhà đầu tư đã hoàn toàn bỏ quên khách hàng khi "đánh chiếm" Nhóm Mua và ngay cả ông Tom Trần, cũng không thể quyết định được về quyền lợi của người dùng các dịch vụ của Nhóm Mua ở thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư bỏ mặc người dùng

Tại cuộc "đánh chiếm" các văn phòng Nhóm Mua vào ngày 13/11 vừa qua, cũng như thông báo bất ngờ dừng hoạt động Nhóm Mua trong ngày 11/12, có thể thấy nhà đầu tư (bao gồm 3 quỹ; là IDG Ventures Vietnam, Reabate Networks, ru-Net, đại diện là ông Vũ Thành Trung với số cổ phần là 72,73%), đã không quan tâm đến khách hàng đang sử dụng dịch vụ của công ty này.

nhóm mua

Quyền lợi của khách hàng Nhóm Mua đang bị bỏ quên, dù ông Tom Trần ra sức trấn an

Cụ thể, trong ngày 13/11, sau khi bổ nhiệm ông Kyle Phạm thay Tom Trần ở chức Giám đốc điều hành, nhà đầu tư đã tiến hành đóng cửa website Nhóm Mua 3 ngày mà không đưa ra một thông báo nào cho khách hàng, những người đã trả tiền để mua voucher trên website của công ty. Lúc đó, những người dùng đã rất hoang mang khi không biết những chiếc voucher mình mua rồi sẽ đi về đâu, khi chạy lên trực tiếp văn phòng Nhóm Mua thì được bảo về chờ và ngay cả trung tâm hỗ trợ của Nhóm Mua cũng chỉ biết khuyên họ vài ngày sau website sẽ mở cửa trở lại để phục vụ.

Thế nhưng, khi website Nhóm Mua hoạt động trở lại, thực tế cuộc tranh chấp giữa nhà đầu tư và Tom Trần vẫn chưa ngã ngũ, tài khoản công ty vẫn bị đóng băng. Điều đó dẫn đến rất nhiều người dùng đã gặp tình trạng bị nhà cung cấp từ chối không cho sử dụng các dịch vụ mà mình đã mua từ Nhóm Mua,  tất cả  các nhà cung cấp đều đưa ra một lí do là công ty này chưa thanh toán tiền cho họ.

 Lúc này người dùng gần như bị bỏ mặc, chị Trương Tú Dung, một khách hàng tại TPHCM sau khi mua voucher đi ăn ở một nhà hàng đến nơi đã gặp tình trạng trên, voucher không sử dụng được và khi chị gọi lên hỗ trợ nhằm đòi lại tiền mặt mình đã bỏ ra, thì hỗ trợ lại giải quyết theo kiểu trả tiền đó vào tài khoản trên Nhóm Mua của chị. Số tiền mặt của chị Dung giờ xem như "chết cứng" trong tài khoản đó, bởi chị có mua voucher nữa chưa chắc đã sử dụng được.

Rất nhiều người dùng khác cũng gặp trình trạng như chị Dung ở trên, thậm chí có nhiều người đã quyết định bỏ voucher đã mua vì không thể dùng nó. Chị Nguyễn Thị Hồng, tại Quận 3, TPHCM cho biết, chị đã bỏ voucher giảm giá ở một cửa hàng kem vì phía Nhóm Mua không trả tiền cho họ, biết mất tiền biết là tiếc, nhưng không lẽ có vài chục ngàn chị lại phải gọi hỗ trợ, mà mỗi lần gọi bên đó lại trả lời lòng vòng tốn tiền thêm.

 Không dừng lại ở đó, đến ngày 11/12/2012, nhà đầu tư lại tiếp tục "bỏ quên" khách hàng của mình, khi bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi Nhóm Mua, cho cả công ty ngừng hoạt động và nhân viên nghỉ việc không thời hạn, thông qua một mảnh giấy A4…dán trước mỗi văn phòng. Lúc này quyền lợi của khách hàng và đối tác họ lại đẩy qua cho người đang đứng đại diện pháp luật của công ty này là ông Tom Trần, người đã bị chính họ lật đổ vào ngày 13/11 trước đó.

Việc nội bộ tranh chấp có lẽ không cần bàn đến, nhưng việc rút lui này một lần nữa cho thấy nhà đầu tư tiếp tục bỏ qua quyền lợi người dùng, những người đã bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ của họ.

Mọi việc vẫn chưa ngã ngũ

Tại cuộc họp báo sáng ngày 11/12, khi xuất hiện bức thư về việc nhà đầu tư rút lui và thông tin giám đốc điều hành mới Kyle Phạm từ chức,  ông Tom Trần cho biết khả năng mình sẽ trở lại điều hành Nhóm Mua và cam kết sẽ đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho khách hàng và đối tác vì số tiền trong tài khoản ngân hàng của Nhóm Mua vẫn đủ đáp ứng. Đồng thời ngay chiều hôm đó,  trên facebook TheFact AboutNhommua, một văn bản quyết định ông trở lại làm giám đốc điều hành đã được đưa ra với dấu mộc đỏ, một văn bản khác cũng được gửi cho đối tác và khách hàng của Nhóm Mua cũng được đưa lên ngay sau đó với chữ ký của ông và đóng dấu treo.

Tuy nhiên, các hành động này cần phải hiểu là nó vẫn chỉ diễn ra ở một chiều từ phía Tom Trần, bởi đến thời điểm hiện tại nhà đầu tư vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận hay phản hồi gì về việc họ rút lui khỏi công ty này và việc họ có đồng ý cho Tom Trần trở lại điều hành Nhóm Mua hay không? Ngay cả trên văn bản gửi cho khách hàng, chữ ký của ông Vũ Thành Trung, đại diện cho nhà đầu tư vẫn không xuất hiện. Việc xuất hiện dấu mộc đỏ, đơn giản bởi phía ông Tom Trần là người đang giữ nó, chứ không phải phía nhà đầu tư.

Điều đó có nghĩa, quyền lợi của khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Nhóm Mua đến thời điểm hiện nay vẫn hoàn toàn không được đảm bảo và nhiều khả năng trong thời gian tới, nếu sự việc tiếp tục kéo dài, việc khách hàng từ bỏ Nhóm Mua là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Người dùng cũng khó đi kiện

Mặc dù bị thiệt hại về quyền lợi, nhưng theo luật sư Nguyễn Đình, Văn phòng luật sự Đại Đế tại TP.HCM cho biết, việc khiếu kiện công ty Nhóm Mua của người dùng ở đây cũng không hề đơn giản.

Về quy tắc, theo luật Dân sự và Tố tụng Dân sự, nếu người dùng đã mua sản phẩm tại Nhóm Mua, nhưng khi sử dụng không được phục vụ thì hoàn toàn có thể kiện ra tòa và tòa án sẽ đề nghị bên phía Nhóm Mua bồi thường hiêt hại cho họ. Tuy nhiên, thực tiễn của việc mua hàng theo nhóm hiện nay để thực hiện một vụ kiện để tòa thụ lí là rất khó, bởi để thụ lí một phiên tòa như thế này thì thiệt hại của người dùng phải từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, nhưng đa số các sản phẩm mà người dùng mua đều là sản phẩm có khuyến mãi và nhiều voucher giá trị chưa tới số tiền ở trên để tòa có thể giải quyết.

Theo ICTNews

Chủ đề khác