VnReview
Hà Nội

Hanoi Telecom "phản pháo" VNPT, Viettel

Sau khi giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về được nâng lên và có lợi nhuận tốt thì một vài doanh nghiệp nhỏ muốn thoát khỏi quota (hạn mức) 20% đã được phân chia trước đó để có lợi nhuận nhiều hơn.

Các doanh nghiệp viễn thông đều cho rằng có thể áp dụng hình thức quản lý theo quota (hạn mức) lưu lượng để tránh việc phá giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về

Chống phá giá bằng hình thức quản lý theo quota

10 năm trước, câu chuyện về phá giá cước dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về đã được đặt ra. Nhờ có lợi nhuận "khủng" do dịch vụ này mang lại mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm nên sự nghiệp từ "hai bàn tay trắng". Thế nhưng, cũng chính từ việc dễ dàng khai thác dịch vụ mà không phải đầu tư nhiều, không cần có hạ tầng, chi phí khai thác ít nên tình trạng phá giá dịch vụ diễn ra thường xuyên.

Trước thực trạng đó, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra các biện pháp để tránh vấn nạn phá giá dịch vụ. Song lợi nhuận lớn và việc khai thác quá dễ dàng đã khiến cho những chính sách chưa được thực thi một cách hiệu quả. Thậm chí, hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Viettel và VNPT tỏ vẻ mệt mỏi và không mấy mặn mà khi nhắc đến chuyện họp bàn chống chuyện phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về.

Tháng 9/2012, Bộ TT&TT đã tổ chức một số buổi họp với các doanh nghiệp viễn thông cùng bàn về vấn đề xử lý chuyện phá giá cước, đồng thời đưa ra tuyên bố cứng rắn sẽ thanh tra xử phạt, thậm chí rút giấy phép với doanh nghiệp vi phạm.

Trước khi vấn đề phá giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về được dấy lên, các doanh nghiệp nhỏ cũng bày tỏ rằng có thể áp dụng hình thức quản lý theo quota (hạn mức) lưu lượng để tránh việc phá giá. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ chia nhau tỷ lệ thị phần nào đó và không đổ lưu lượng kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về quá hạn mức này. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ yên tâm khai thác trong quota của mình.

Trong buổi làm việc với Bộ TT&TT mới đây, ông Lê Đăng Dũng - Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng có thể quản quota bằng kênh kết nối. Cụ thể, sau khi xác định thị phần của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì VNPT, Viettel sẽ khống chế kênh kết nối sang mạng của hai nhà cung cấp này.

"VNPT và Viettel nắm 80% thị phần, các doanh nghiệp còn lại sẽ chia nhau 20% thị phần dịch vụ kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về. Điều đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho chính các doanh nghiệp và quyền lợi của quốc gia. Doanh nghiệp khi được chia quota tương ứng với số kênh sẽ đảm bảo chỉ khai thác và giữ giá. Giả sử những doanh nghiệp nhỏ có phá giá dịch vụ thì với thị phần này cũng không làm ảnh hưởng đến thị trường chung", ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.

Ngay sau đó, Viettel và VNPT đóng vai trò dẫn dắt thị trường bằng cách điều tiết qua kênh kết nối đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, đại diện FPT Telecom cho biết, trong bối cảnh hiện nay FPT Telecom ủng hộ cách làm của Viettel để giữ thị trường. "Các doanh nghiệp nhỏ có thể có ít lưu lượng, nhưng có được lợi nhuận còn hơn là đua nhau phá giá cước đến mức không còn lợi nhuận. Kinh doanh mà không có lợi nhuận thì cũng chẳng nên làm", đại diện FPT Telecom nói.

Đại diện CMC cũng đồng tình với quan điểm có thể quản lý quota lưu lượng. Tuy nhiên, CMC cho rằng phải đảm bảo được kênh kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ sau khi xác định thị phần cho từng doanh nghiệp. Trước đó, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VoIP quốc tế chiều về khẳng định: "Chúng tôi rất đồng tình với cách xử lý là đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Bộ TT&TT và hình thức xử phạt cao nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về".

Hanoi Telecom "phản pháo"

Khi lợi nhuận cao thì một vài doanh nghiệp nhỏ không muốn nằm trong vòng kiềm tỏa của quota lưu lượng. Mới đây, Hanoi Telecom đã gửi công văn lên Bộ TT&TT về vấn đề này. Bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom cho biết, trong thời gian qua với sự quyết liệt đổi mới của các thế hệ lãnh đạo ngành, thị trường viễn thông Việt Nam đã chuyển biến căn bản từ sự độc quyền tuyệt đối sang môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng mang lại lợi ích thật sự to lớn cho đất nước và từng người dân.

Nhưng với thực trạng các doanh nghiệp có thị phần khống chế thường xuyên tìm mọi rào cản thương mại, kỹ thuật để chèn ép các doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Đặc biệt, gần đây VNPT và Viettel đã công khai hợp tác thống nhất với nhau cắt giảm kênh và áp đặt quota kết nối điện thoại quốc tế chiều về. Bà Trịnh Minh Châu cho rằng đây là hành động vi phạm luật cạnh tranh và đang làm cho thị trường viễn thông quay ngược trở lại thuở độc quyền ban đầu.

Công văn của Hanoi Telecom thống kê từ 10/12/2012, VNPT đã tự ý cắt giảm các kênh kết nối của Hanoi Telecom mà không dựa trên bất cứ văn bản đồng thuận nào giữa hai bên. Số lượng kết nối từ 53E1 bị cắt còn 22E1, giảm 60% so với ban đầu. Việc này vi phạm những thỏa thuận kết nối hai bên đã ký, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của Hanoi Telecom, Vietnamobile và các đối tác, khách hàng, người sử dụng.

Trong hơn 1 tháng bị cắt giảm, lưu lượng quốc tế chiều về của Hanoi Telecom giảm một đi gần một nửa và gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Động thái này của VNPT hoàn toàn không có được sự nhất trí của Hanoi Telecom, vốn luôn tuân thủ thỏa thuận kết nối đã ký với VNPT. Cho đến thời điểm hiện nay, VNPT cùng với Viettel tiếp tục đơn phương cắt giảm dung lượng đấu nối dịch vụ VoIP chiều về của Hanoi Telecom với lý do tự ý áp đặt phân lại quota cho các doanh nghiệp nhỏ mà không hề có sự đồng thuận, thống nhất của các doanh nghiệp. Viettel khóa giảm 1E1 của Hanoi Telecom, dung lượng đấu nối sang Viettel giảm từ 7E1 xuống còn 6E1. Viettel thông báo cắt giảm xuống còn 5E1 kể từ ngày 1/2/2013.

"Trên phương diện cạnh tranh bình đẳng, các hành động trên của hai doanh nghiệp lớn trong việc đơn phương cắt giảm dung lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh dịch vụ cũng như uy tín của Hanoi Telecom với các đối tác do hệ thống kênh luồng bị nghẽn. Hanoi Telecom nhất trí với các chỉ thị của Bộ TT&TT về việc quản lý thị trường dịch vụ VoIP quốc tế chiều về vì lợi ích chung. Nhưng Hanoi Telecom mong muốn có sự quan tâm hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước mà Bộ TT&TT là vai trò trung tâm, nhằm đảm bảo việc kinh doanh dịch vụ này có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh độc quyền và triệt tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông", bà Trịnh Minh Châu cho biết.

Ngay sau khi các doanh nghiệp áp dụng hình thức quản lý quota lưu lượng thì cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về đã tăng từ 2,6 cent/phút lên 6,1 cent/phút. Theo các chuyên gia, nếu ước tính tổng lưu lượng quốc tế chiều về của Việt Nam khoảng 3 tỷ phút mỗi năm thì việc nâng được giá cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về đã làm lợi cho quốc gia thêm hơn 100 triệu USD/năm. Trong một thống kê khác của Viettel thì tổng lưu lượng cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về của Việt Nam là 4,5 tỷ phút thì con số này là hơn 150 triệu USD mỗi năm.

Theo Bưu điện Việt Nam

Chủ đề khác