VnReview
Hà Nội

Google ngày càng xấu xí, tham lam và vô tình

Một vài năm trước, Google giống như đế chế La Mã vĩ đại. Đế chế Google lúc đó đang trên đà mở rộng giống như thành Rome cổ đại, với những con đường nối từ những ngôi làng nhỏ đến tòa thành lớn: Google sẽ thống nhất vô số những dịch vụ nhỏ của mình trên 5-6 dịch vụ lớn, thông qua một hệ thống dữ liệu duy nhất.

1

Mọi thứ đã không còn là "I'm Feeling Lucky" nữa

Thời điểm đó, chúng ta đã hình dung ra về một đế chế Google hùng mạnh với vô số dịch vụ có các mức xếp hạng từ "kì cục" cho đến "khổng lồ", được kết nối với nhau thông qua những phần mềm và công cụ khác nhau, đưa một biển dữ liệu tới một cộng đồng người dùng đông đảo. Tất cả những thứ này được tập trung vào một "mắt kính" (Goggle) duy nhất, một điểm truy cập mà qua đó người dùng có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ, từ bản đồ địa phương cho tới những kết quả nghiên cứu khoa học kì quặc và kể cả mức giá hiện thời của trà xanh. Một khái niệm phản chiếu một đế chế dữ liệu hoàn hảo.;Một dải ngân hà tràn ngập những dịch vụ dữ liệu, một hệ thống web đầy sức mạnh, tài nguyên và sự phong phú. 

Và bây giờ, hình ảnh đế chế đó đã không còn nữa.

Những người đã từng hình dung ra một đế chế Google như vậy có lẽ cũng chưa hẳn là đã sai hoàn toàn. Vào thời điểm đó, rõ ràng tham vọng của Google là có thật. Đến bây giờ, có thể nói tham vọng xây dựng đế chế dữ liệu của Google vẫn còn tồn tại. Nhưng tham vọng đó đã bị biến dạng. Google bây giờ giống như Thư viện Babel [*]: một thư viện khổng lồ có độ lớn ngang bằng với độ lớn của Internet. Một tòa nhà hùng vĩ, với những viên gạch thông tin, kết nối bởi loại bê tông mang tên "tính dễ sử dụng". Nhưng Google đã xây tòa thư viện khổng lồ này chỉ để mời bạn vào quầy bán quà lưu niệm biên cạnh.

[*]: Thư viện Babel là tên một cuốn sách mô tả vũ trụ.

Ở đây, chúng ta đang chỉ trích Google vì đã quyết định trở thành một công ty thèm khát lợi nhuận chứ không phải là một dịch vụ công cộng. Dĩ nhiên, lựa chọn đó là quyền của Google, nhưng có lẽ rất nhiều người sẽ đồng ý rằng lựa chọn đó là một lựa chọn tồi tệ. Google của những năm đầu thiên niên kỷ mới là một dịch vụ vừa bao phủ cả thế giới, vừa đáp ứng từng nhu cầu một của tất cả các cộng đồng nhỏ. Nói một cách ví von, Google lúc đó đã trở thành một bệnh viện tâm thần mang tính chất lịch sử, được xây dựng bởi những kẻ hâm mộ công nghệ cuồng tín, dành cho những kẻ hâm mộ công nghệ cuồng tín, và bệnh viện này đủ lớn để chứa cả thế giới.

Nhưng từ bao giờ việc kết nối con người đã trở nên vô vị với Google? Tại sao người khổng lồ tìm kiếm lại loại bỏ từ dự án này đến dự án khác – những sản phẩm có thể sống một cuộc sống rất dài dựa trên một nguồn tài nguyên rất nhỏ - chỉ nhờ vào những cộng đồng giàu tình cảm, luôn luôn biết ơn và sẽ luôn luôn đứng về phe của Google?

Google+ là một bước đi sai lầm, cho dù thất bại đó có chất lượng khá tốt. Nhưng những sản phẩm khác cho thấy người khổng lồ tìm kiếm đang đi những bước chân không chỉ chuệnh choạng mà còn rất vô tình. Google đã cho thấy rõ bản chất của mình: công ty đang muốn trở thành một khẩu súng ít đạn hơn, nhưng bên trong mỗi viên đạn chứa nhiều thuốc súng hơn. Mục đích duy nhất của Google giờ là bắn hết băng đạn của mình, với mục tiêu là lợi nhuận. Với kết thúc rất đáng buồn của Reader và một loạt các sản phẩm khác, chúng ta buộc phải nói rằng, Google đã trở nên vô tình và vô vị.

Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có thể vượt qua cái chết của Reader, thậm chí có thể việc Google đóng cửa dịch vụ này sẽ giúp RSS tái sinh hoặc tạo ra một sản phẩm mới kế thừa RSS, và buộc chúng ta phải nhìn vào cách mà các ý tưởng được lưu truyền trên mạng Internet.

Dõi theo bước chân của Google giờ giống như nhìn thấy một cầu thủ ưa thích tự đặt cược tiền vào chiến thắng của mình. Có thể điều đó sẽ không làm cho cầu thủ đó chơi tệ hơn, nhưng giờ đây người hâm mộ sẽ không nhìn vào sự cống hiến cao cả của cầu thủ đó nữa. Họ đang nhìn vào miếng cơm manh áo của cầu thủ này.

Vậy cho nên làm thế nào chúng ta có thể thích thú với Google Glass được nữa? Làm thế nào chúng ta có thể một lần nữa nóng lòng đón chờ Google Earth 3D hay bất cứ thứ gì mà Google sẽ nghĩ ra? Google đã trở nên rất tồi tệ: người khổng lồ tìm kiếm không chỉ rất tham lam – Google đã trở nên vô vị.

Chúng ta vẫn có thể hạnh phúc với những gì mà Google đã đem tới cho chúng ta. Họ tạo ra một thế giới dữ liệu, giúp các thị trường trì trệ trở nên sôi động, và thực sự đã cách mạng hóa cách mà chúng ta sử dụng dữ liệu – thay đổi cách chúng ta nghĩ về dữ liệu (và nhắc tới dữ liệu là nhắc tới tất cả mọi thứ). Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đón nhận những sản phẩm tốt như Google Maps và Google Books, thậm chí là cả Glass nữa.

Di sản lớn nhất mà Google để lại có lẽ là bài học mà công ty đã dạy cho thế hệ các nhà kinh doanh và các nhà chiến lược tương lai. Google nói "Đừng trở nên xấu xa" (Don't be Evil) và Google đã nói thật lòng, nhưng người khổng lồ tìm kiếm cũng đã học được rằng: nói dễ hơn làm. Không phải là vì sức hút của đồng tiền quá lớn, mà là vì không ai biết "xấu xa" cụ thể là như thế nào. Rất may, những người đến sau chỉ cần phải học một bài học đơn giản hơn:

"Đừng trở thành Google".

Việt Dũng

Chủ đề khác