VnReview
Hà Nội

Facebook Home: bước tiếp theo trong cuộc chiến iPhone vs Android

Có thể nói, trong thời đại smartphone và tablet đang dần dần trở thành trọng tâm của thế giới số, tất cả cộng đồng đam mê công nghệ đều hướng sự chú ý về cuộc chiến giữa iOS – người khởi đầu trào lưu, và Android – người mang điện toán di động tới tất cả mọi người. Khi cuộc chiến giữa 2 cái tên này vẫn nóng lên từng ngày và chưa ai có thể khẳng định Android hay iPhone sẽ là người chiến thắng, sự ra đời của Facebook Home có thể đem lại câu trả lời.

1

Cuộc chiến điện toán cá nhân của thập niên 1980 và 1990 là cuộc chiến của 2 người khổng lồ Apple và Microsoft. Sau khi lên sàn chứng khoán hết sức thành công, được tiếp nối bởi sự ra mắt của chiếc máy vi tính mang đậm tính đột phá - Macintosh vào năm 1984, Apple đứng trên đỉnh cao của chiến thắng.

Nhưng cục diện nhanh chóng thay đổi trong thập niên 90. Đầu tiên, Microsoft cho ra mắt Windows 3.0 với giá rẻ nhằm thay thế cho Macintosh (năm 1990); và sau khi Windows 95 đem giao diện người dùng trực quan (GUI) tương đối giống với Macintosh lên PC, Apple nhanh chóng rơi vào thế bị động. Không những thế, Quả táo còn thiếu đi tầm nhìn của nhà lãnh đạo tài ba Steve Jobs từ 1985 tới 1986 (thời điểm mà ông trở lại Apple sau khi công ty mua lại NeXT).

Trong khi Apple vẫn kiên quyết giữ nguyên chiến lược kinh doanh không nhượng quyền hệ điều hành của mình cho các nhà sản xuất khác (với một vài ngoại lệ trong khoảng thời gian Steve Jobs không ở công ty), Microsoft phân phát hệ điều hành của mình đến rất nhiều nhà sản xuất. Với sự giúp đỡ của Intel, các máy chạy Windows nhanh chóng tràn ngập thị trường. Chỉ trong vòng khoảng vài năm gần đây, xu hướng máy vi tính chạy Windows mới bắt đầu thoái trào, với nguyên nhân chính là các làn sóng smartphone và tablet do iPhone và iPad khởi xướng.

2

Cuộc chiến giữa 2 chiến lược "mở" (Microsoft) và "đóng" (Apple), hay còn gọi là cuộc chiến "phân mảnh" và "tích hợp" đã là một chủ đề tranh cãi rất sôi nổi trong nhiều năm liền – và hiện thời cuộc chiến này đang được tái hiện với Android ("mở") và iOS ("đóng"). Tháng trước, nhà báo Tim Wu của tờ báo The New Yorker đã lên tiếng chỉ trích Apple, cho rằng giờ đây, khi không còn Steve Jobs, việc Quả táo vẫn tiếp tục nắm toàn quyền kiểm soát iOS và iPhone sẽ mang lại nhiều bất lợi thay vì các lợi ích như trước đây:

"Cuối cùng, khi mà tầm nhìn và kỹ năng thiết kế của bạn càng tốt, thì bạn mới càng nên cố gắng theo đuổi chiến lược ‘đóng'. Nếu bạn nghĩ rằng các chuyên gia thiết kế sản phẩm của bạn có thể tái lập lại thành tích 12 năm liền tạo ra những sản phẩm hoàn hảo như thời đại Steve Jobs, thì bạn hãy tiếp tục theo đuổi chiến lược đó. Nhưng nếu những kẻ tầm thường đang lãnh đạo công ty của bạn, hoặc nếu bạn đang phải đối mặt với một tương lai hoàn toàn không thể đoán trước được, việc theo đuổi; một hệ thống mở sẽ là một lựa chọn an toàn hơn".

5

John Gruber của trang tin Daring Fireball, một trong những blogger chuyên về Apple hàng đầu thế giới, đã thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác khi tấn công mạnh mẽ vào bài báo của Tim Wu. Theo Gruber, giữa thành công về mặt kinh doanh và tính mở của phần mềm, hoàn toàn không có mối quan hệ phụ thuộc nào cả. Gruber cho rằng Wu đã quên mất sự thật rằng tính năng tìm kiếm của Google vẫn đạt được thành công rực rỡ, cho dù đó là một hệ thống "đóng":

"Cái quan điểm mù quáng rằng tính mở đồng nghĩa với thành công và rằng tính đóng đồng nghĩa với thất bại làm cho cuộc tranh luận trở nên phức tạp quá mức. Giả thuyết của Wu là các hệ thống mở nói chung sẽ đem lại thành công nhiều hơn là các hệ thống đóng, trừ khi công ty của bạn được điều hành bởi một thiên tài. Nếu bạn bỏ phần ‘đóng/mở' ra khởi giả thuyết đó, bạn sẽ nhận được quan điểm như thế này: những công ty được điều hành bởi các thiên tài sẽ hoạt động tốt hơn các công ty khác. Điều đó là quá hiển nhiên."

Chúng ta buộc phải nhắc lại những điều này vì cuộc tranh luận "đóng vs. mở" đã "nóng" lại một lần nữa, nhờ có Facebook. Đầu tuần này, mạng xã hội số 1 hành tinh cho ra mắt Facebook Home, một nền tảng hoạt động trên Android biến smartphone thành những thiết bị có trọng tâm là Facebook.

4

Nhờ có tính mã nguồn mở của Android, Facebook có thể "chiếm đóng" những chiếc điện thoại của Google mà không cần phải tự sản xuất ra phần cứng của riêng mình (cho dù các đối tác như HTC đang cho ra mắt những chiếc điện thoại có cài sẵn Facebook). Facebook Home không phải là một thứ gì đó quá đột phá, nhưng những người dùng "cuồng" Facebook sẽ rất thích các tính năng Chat Heads cũng như Cover Feed – cho phép truy cập vào News Feed nhanh hơn. Quan trọng hơn hết, Facebook Home có thể sẽ sớm trở thành một trong những ứng dụng hàng đầu trên kho ứng dụng Google Play của Android.

Tính cho đến thời điểm này, Facebook Home là sự thay đổi lớn nhất mà một công ty có thể tạo ra với Android, nếu như không tính đến các nhà sản xuất smartphone. Hơn thế nữa, đây sẽ không phải là trường hợp cuối cùng. Pinterest có lý do gì để không tạo ra một nền tảng tích hợp Pinterest mạnh mẽ trên Android? Tại sao Flipboard không tự tạo ra một nền tảng có khả năng thu thập và hiển thị tin tức mạnh mẽ hơn trên Android? Và một nền tảng Android dành riêng cho trẻ em thì sao? Thực ra, một công ty đang tiến hành xây dựng một sản phẩm như vậy rồi!

Trong khi đó, với iPhone, Facebook Home là một điều hoàn toàn không thể xảy ra. Facebook Home báo hiệu một thời đại mà người dùng Android sẽ nhận được rất nhiều giao diện, ứng dụng và thông tin khác nhau, tùy vào sở thích và hoàn cảnh của mình.

Hơn nữa, có một đặc điểm quan trọng mà chúng ta cần phải nhận thấy rõ về Facebook Home: đây là một nền tảng được xây dựng ở trên Android, chứ không phải là các thay đổi trực tiếp tới hệ điều hành này (ví dụ như trường hợp của Amazon và Kindle Fire). Do đó, Facebook Home hoàn toàn tương thích với các bản nâng cấp của Google dành cho Android, giảm thiểu sự phân mảnh của hệ điều hành này. Các nền tảng được phát triển như Facebook Home có thể hoạt động trên nhiều thiết bị Android khác nhau.

7

Rõ ràng, trong suốt lịch sử phát triển của mình, Android có nhiều "hương vị" dành cho người dùng hơn iOS. Đến thời điểm hiện tại, Android đã được mở rộng khá nhiều và sẽ còn tiếp tục mở rộng hơn nữa. Việc Facebook Home ra đời càng làm cho luận điểm đó trở nên rõ ràng. Trong khi iOS có thể được coi là hệ điều hành tốt hơn nếu so sánh về trải nghiệm sử dụng cũng như các ứng dụng, Android có nhiều mẫu điện thoại khác nhau cho tất cả các nhóm người dùng, từ những người dành sự quan tâm đặc biệt tới giá của sản phẩm cho tới những người dùng cần những sản phẩm cao cấp (Galaxy S IV và HTC One đều là những thiết bị tuyệt vời).

Khi nhắc lại cuộc chiến về giá, rất có thể trường hợp "Windows vs Macintosh" sẽ xảy ra một lần nữa. iPhone hiện nay vẫn đang là sản phẩm số một tại Hoa Kỳ, song trên thị trường toàn cầu, Android đang chiếm thế thượng phong, và lý do chính có thể là mức giá rẻ hơn của các sản phẩm chạy hệ điều hành của Google. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không có mức giảm giá điện thoại đi kèm hợp đồng mà AT&T, Verizon cũng như các nhà mạng khác đang đem lại cho người dùng Hoa Kỳ. Do đó, mức giá gốc của điện thoại trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với quyết định mua sắm của người dùng. Nhờ vào tính "mở" của Android, ở thời điểm hiện tại, trên các điện thoại giá rẻ, chúng ta chỉ có thể tìm thấy hệ điều hành của Google mà thôi.

10

Không ai có thể khẳng định được rằng giữa "đóng" và "mở" (hay giữa "phân mảnh" và "tích hợp"), đâu là hướng đi tốt hơn dành cho các công ty. Cả 2 hướng đi đều có những điểm mạnh của riêng mình, và lịch sử đã cho thấy cả hai hướng đi đều có thể góp phần xây dựng nên những công ty trị giá hàng tỷ đô la. Tuy vậy, cần phải nhớ rằng, lịch sử kinh tế luôn luôn đi theo vòng tròn; và hiện giờ xu thế "mở" đang là xu hướng chiếm phần áp đảo hơn. Rõ ràng, Facebook Home đang đánh dấu một thời đại mới trong cuộc chiến giữa iPhone và Android, và Google hiện thời đang nắm lợi thế trong cuộc chiến này.

Quả táo, bạn sẽ làm gì?

Lê Hoàng

Chủ đề khác