VnReview
Hà Nội

Xấu và lười - hai vấn đề nghiêm trọng của doanh nghiệp IT Việt?

Bài viết đăng trên TechinAsia, Singapore về các doanh nghiệp CNTT Việt Nam là quan điểm riêng của tác giả Anh Minh Do. Nhận thấy đây là một bài viết thú vị và có nhiều điều khiến chúng ta phải suy ngẫm và thậm chí gây tranh cãi, VnReview xin lược dịch lại để giới thiệu tới bạn đọc.

Trong vòng 6 tháng vừa qua, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người trong các công ty công nghệ và khởi nghiệp, và chỉ một lúc thôi là câu chuyện trở nên giống hệt nhau. Bạn nghe thấy cùng một tín hiệu giữa tất cả các âm thanh.

1

Và hai lời phàn nàn tôi nghe nhiều nhất trong những tháng vừa qua là kỹ thuật lập trình đang đi xuống, và thiết kế thì quá tệ.

Điều này nghe có vẻ đáng ngạc nhiên đối với những người đang nhìn nhận Việt Nam là một điểm hẹn công nghệ mới và một người đi đầu mới nổi trong lĩnh vực outsource (gia công phần mềm), song những gì mà chúng ta đang thấy hiện nay là hạt giống của một xu hướng đang ngày càng một rõ ràng: thiết kế tồi tệ và các kỹ sư thì ngày càng lười biếng.

Các kỹ sư ở Việt Nam ngày càng lười

Khi mọi người so sánh các kỹ sư máy vi tính ở Việt Nam của 5 đến 10 năm về trước và của bây giờ, họ sẽ nhận ra mọi thứ đã thay đổi. Nói chung là chúng trở nên tồi tệ hơn. Thay đổi lớn nhất mà mọi người thấy là các kỹ sư trẻ lười biếng hơn các thế hệ trước. Vấn đề lớn nhất là bây giờ chúng ta có nhiều tài nguyên ở trên mạng hơn là 1 thập niên về trước. Và có rất nhiều thư viện và các kho code (mã nguồn) để lại từ các kỹ sư đi trước. Điều này tạo ra một thế hệ kỹ sư mới có hiểu biết sâu rộng hơn song lại lập trình kém cỏi hơn.

Trong quá khứ, mọi người phải cố tự tìm ra cách lập trình bằng chính suy nghĩ của họ, và họ sẽ phải tự viết ra phần mềm của mình. Điều này khiến cho các lập trình viên hiểu rõ hơn cách hoạt động của mã nguồn và cách các bộ phận phần mềm phối hợp với nhau. Bây giờ các kỹ sư chỉ cần copy paste mã nguồn mỗi khi họ cần.

Xu thế này được thể hiện rõ ràng trong các sản phẩm được tạo ra bởi thế hệ kỹ sư hiện tại. Các sản phẩm hiện nay không mạnh mẽ về mặt công nghệ. Tôi đã nói chuyện với nhiều người đi đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp, và họ nói rằng khi bạn nhìn vào các website hiện nay, các trang web thương mại điện tử, sản phẩm trực tuyến..., bạn sẽ thấy rằng chúng khá hời hợt. Các sản phẩm này có thể được tạo ra một cách dễ dàng.

Nói tóm lại, điều đó có nghĩa rằng tính sáng tạo bị ảnh hưởng một cách mạnh mẽ. Nếu các kỹ sư không biết tìm tòi, làm thế nào mà họ có thể sáng tạo? Tôi không dám chắc cách nhìn nhận này là kiểu coi thường thế hệ sau thường thấy ở những người lớn tuổi, nhưng tôi đã nói chuyện với nhiều công ty, và đây là xu thế mà nhiều giám đốc công nghệ (CTO) đã bày tỏ với tôi.

Các trang web ở Việt Nam quá xấu xí

Một vật cản nữa đe dọa các công ty khởi nghiệp online ở Việt Nam là thiết kế. Đây là một vấn đề hoàn toàn riêng biệt với công nghệ: nó thuộc về lĩnh vực thẩm mỹ và phong cách. Đây là quan điểm của cá nhân tôi. Nhưng, trong khi tôi sẽ không chỉ rõ ra bất kì một cái tên nào, nếu bạn nhìn vào các trang web của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, bạn sẽ thấy chúng quá xấu xí. Đó là còn chưa kể đến những trang lớn mà mọi người hay ghé thăm.

Hãy thử đi dạo một vòng các trang web nằm trên top của Alexa tại Việt Nam, bạn sẽ thấy rất nhiều trang web xấu xí. Điều đó là rất tệ vì: thứ nhất, không có thẩm mỹ tốt bạn không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong một vài trường hợp, thiết kế quyết định tới số lượng người dùng. Thứ 2, thiết kế xấu có nghĩa rằng các doanh nhân và các nhà phát triển không hề nghĩ tới trải nghiệm người dùng cũng như giao diện. Điều đó không tốt cho Việt Nam, và một cuộc cách mạng về thiết kế là tối cần thiết.

Giải quyết 2 vấn đề này

Cho tới giờ, tôi mới nghĩ ra một giải pháp duy nhất là giáo dục, một lĩnh vực mà Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Song các nhà lãnh đạo của cộng đồng công nghệ cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề giáo dục bằng các sự kiện và các khóa huấn luyện. Thực tế, các vấn đề này là lý do duy nhất mà mọi người tích cực tham gia các sự kiện. Song bánh xe đã bắt đầu lăn và để tìm ra lời giải ngành công nghệ Việt Nam cần phải nghiêm túc tìm cách giải quyết trên diện rộng – và điều này trông có vẻ vẫn rất xa xôi. Hai vấn đề này mang tính chất hệ thống.

Mặt khác, các vấn đề này có thể đánh dấu quá trình chuyển biến trọng tâm. Nếu việc tạo ra các thư viện và mã nguồn trở nên dễ dàng hơn, các doanh nhân có thể tập trung vào kinh doanh và giải quyết vấn đề. Tuy vậy, quan điểm này không thực sự thuyết phục do kỹ thuật và thiết kế là 2 vấn đề liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một sản phẩm tuyệt vời cho thị trường tiêu dùng.

Việt Dũng

Theo TechinAsia

Chủ đề khác