VnReview
Hà Nội

Cốc Cốc và nỗ lực lật đổ Google tại Việt Nam

Sự bùng nổ trên thị trường Internet tại Việt Nam cùng với tầm ảnh hưởng của Google và các công ty web Mỹ khác có vẻ như không làm lung lay quyết tâm lật đổ ông trùm tìm kiếm Mỹ của Cốc Cốc – một trang web tìm kiếm "liên minh" của Nga và Việt Nam vừa mới ra đời được ít lâu.

Bài viết của hãng tin Mỹ AP cho rằng Cốc Cốc tham vọng có thể "hạ bệ" Google và sẵn sàng đối diện với sự kiểm duyệt, quản lý gắt gao của Chính phủ.

Cũng như các đối thủ khác của Google trên toàn thế giới, Cốc Cốc (tên tiếng Anh là "Knock Knock") tin rằng ông trùm tìm kiếm đến từ Mỹ không hoàn toàn nắm bắt được các sắc thái của ngôn ngữ bản địa. Cốc Cốc cho rằng các thuật toán của nó sẽ cho ra kết quả tìm kiếm bằng tiếng Việt nhanh hơn và tốt hơn Google, bởi kiến thức bản địa của nó phù hợp với người Việt Nam hơn là một trang web của Mỹ.

Nga đang cố gắng lật đổ Google tại Việt Nam

Một điểm khác biệt giữa Cốc Cốc và đối thủ là: Google không có văn phòng hoặc nhân viên tại Việt Nam. Bởi vậy, Cốc Cốc luôn có trách nhiệm với nội dung được lưu trữ trên máy chủ của mình và đối mặt với các yêu cầu kiểm duyệt thông tin của Đảng và chính phủ Việt Nam.

Với sự tài trợ của Nga, Cốc Cốc đủ mạnh về nguồn lực tài chính để phát triển hơn nữa. Cho đến nay, công ty đã chi khoảng 10 triệu USD, thuê 300 nhân viên - trong đó có 30 người nước ngoài, chủ yếu là người Nga - và có trụ sở gồm bốn tầng lầu tại một tòa nhà văn phòng nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Theo người sáng lập của Cốc Cốc, các nhà đầu tư sẽ bỏ ra 100 triệu USD trong năm năm tới để cố gắng giành được 97% người dùng Google tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cốc Cốc từ chối nêu tên các nhà đầu tư.

Ông Mikhail Kostin, Giám đốc phụ trách lĩnh vực tìm kiếm chuyên gia của Cốc Cốc và là cựu nhân viên của Mail.Ru - công ty Internet lớn nhất tại Nga, cho biết ''Khi tôi đến đây, tôi đã biết lý do tại sao Việt Nam là một thị trường tốt để đánh bại Google... Sau khi sống ở đây một năm, tôi càng hiểu sâu hơn về ngôn ngữ và thị trường (Việt Nam). Và tôi chắc chắn điều đó là đúng".

Gần 1/3 trong số 90 triệu người dân Việt Nam đang trực tuyến. Hình ảnh mọi người sử dụng điện thoại và máy tính bảng để duyệt internet trở nên rất phổ biến ở các quán cà phê. Những tiềm năng của một đất nước đang từng ngày phát triển, dân số trẻ và cơ sở hạ tầng Internet tốt đã biến Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế về mảng nội dung trực tuyến, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Nga đang cố gắng lật đổ Google tại Việt Nam

Tuy nhiên, khi đầu tư vào Việt Nam, các công ty sẽ phải chịu ảnh hưởng rất lớn về luật pháp và chính trị. Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo các điều luật quản lý Internet và có thể bắt buộc các công ty như Google đặt máy chủ của họ ở trong nước.

Patrick Sharbaugh, một giảng viên của Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu về Internet châu Á, đặt ra câu hỏi liệu Cốc Cốc có thể sẵn sàng thay mặt chính phủ Việt Nam kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm tương tự như những gì trang web tìm kiếm Baidu đã làm tại Trung Quốc hay không? Trong khi đó, hai quốc gia Nga và Việt Nam lại có mối quan hệ đặc biệt do lịch sử tư tưởng chung về Chủ nghĩa Xã hội.

Ông Sharbaugh phát biểu rằng ''Nếu một ứng viên như Cốc Cốc hay Baidu bước vào "cuộc chơi" và nói "chúng tôi hoàn toàn vui lòng để lọc bất cứ điều gì mà bạn muốn" và đổi lại họ sẽ nhận được ưu đãi từ chính phủ sở tại thì Google sẽ gặp không ít khó khăn tại quốc gia đó."

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Cốc Cốc sẽ trở thành "trợ thủ" cho chính quyền Việt Nam. Khi tiến hành tìm kiếm thử nghiệm với các vấn đề nhạy cảm và đem kết quả so sánh với Google thì kết quả của Cốc Cốc vẫn chưa mang tính kiểm duyệt.

Trong một tuyên bố, Google cho biết họ hoan nghênh sự cạnh tranh của Cốc Cốc và hy vọng trong tương lai sẽ mang lại nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn nữa cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, ông trùm tìm kiếm Mỹ lại không cung cấp thông tin về việc mở một văn phòng tại Việt Nam. Đặc biệt, Google tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt AdSense, mạng quảng cáo phổ biến của hãng tại Việt Nam.

Google và Baidu đã chiến đấu trên thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc cho đến năm 2010, khi Google quyết định dời đến Hồng Kông sau một tranh chấp ầm ỹ với Bắc Kinh về kiểm duyệt. Baidu hiện đang là công cụ tìm kiếm thống trị ở Trung Quốc. Baidu đã có một phòng thí nghiệm ngôn ngữ tại Singapore và được cho là đang tìm cách mở rộng vào các thị trường châu Á khác, nhưng có vẻ như nó sẽ không tham gia vào thị trường tìm kiếm ở Việt Nam. Nguyên nhân được xác định là do tình hình chính trị căng thẳng của hai nước dẫn đến làm sóng tẩy chay "hàng Tàu" của người Việt Nam khiến cho sự khởi động (nếu có) của Baidu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nga đang cố gắng lật đổ Google tại Việt Nam

Cả ba người đồng sáng lập Cốc Cốc đều có thời gian học tập và nghiên cứu ở Matxcova. Vì vậy, điểm đặc biệt của Cốc Cốc là sự phản ánh của cả hai quốc gia. Không gian văn phòng làm việc thoải mái với phong cách quần jean cắt xẻ, máy tính xách tay trên đùi và bể cá, nhưng khi bước vào văn phòng, bạn phải tháo giày ra theo văn hóa Việt Nam.

Google đang thống trị tìm kiếm trên toàn cầu, nhưng tại một số ít các thị trường ở Đông Âu và châu Á, hãng tìm kiếm Mỹ gặp phải đối thủ là các công ty địa phương, chẳng hạn như Yandex của Nga, Baidu ở Trung Quốc và Naver của Hàn Quốc. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty địa phương đã "cố thủ" trước khi Google bước vào. Rõ ràng, thâu tóm thị phần hiện có của người khổng lồ Mỹ là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.

Minh Do, biên tập viên của tờ Tech in Asia, một ấn phẩm trực tuyến báo cáo về ngành công nghiệp công nghệ cao cho rằng ''Việt Nam là một nơi rất khó để làm kinh doanh, trừ khi bạn đang ở đây. Vì vậy, có một vài điều mà Google không thể bắt kịp được''.

Hy vọng Cốc Cốc sẽ tồn tại trong sự khác biệt của Việt Nam, sự khác biệt mà họ tin rằng Google đã không làm tốt công việc của mình bởi không đầu tư trong việc tìm hiểu ngữ pháp và cú pháp của tiếng Việt. Công cụ tìm kiếm mới có thể nhận ra sắc thái và các câu phức tạp nên hoàn toàn có thể cung cấp kết quả tìm kiếm có giá trị hơn đối thủ cạnh tranh.

Cốc Cốc tin rằng việc sở hữu một văn phòng lớn có nghĩa là công tác tiếp thị sẽ dễ dàng hơn, giảm các giao dịch với các nhà cung cấp nội dung và làm cho kết quả tìm kiếm mang nhiều đặc trưng của địa phương hơn. Đội ngũ camera đã tiến hành quay phim và chụp ảnh đường phố, đăng nhập vào các cửa hàng, quán cà phê và các doanh nghiệp – những dữ liệu này sẽ làm cho kết quả tìm kiếm phong phú hơn. Trong khi đó, Google đã không thể triển khai hoạt động của những chiếc xe "street view" của nó tại Việt Nam như đã làm ở các nước châu Á khác.

Nga đang cố gắng lật đổ Google tại Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Ngọc, một trong ba nhà đồng sáng lập Cốc Cốc đã khẳng định: ''Google là một công ty nước ngoài, và họ không phải ở đây... Chúng tôi có thể phục vụ lợi ích của thị trường địa phương tốt hơn''.

Quang Sáng

Chủ đề khác