VnReview
Hà Nội

Huawei, ZTE bị châu Âu cáo buộc bán phá giá

Ủy viên phụ trách Ngoại thương Karel De Gucht của EU lần đầu tiên đã tố cáo đích danh hai tập đoàn Trung Quốc sản xuất thiết bị viễn thông là Hoa Vĩ (Huawei) và ZTE bán phá giá, vi phạm các quy định về cạnh tranh.

Nói với hãng tin AFP ngày 18/5, ông Karel De Gucht khẳng định Bruxelles đã chuẩn bị mở điều tra chính thức về những cáo giác vi phạm quy định chống phá giá và trợ giá sản phẩm của hai công ty Trung Quốc nói trên để bảo vệ lĩnh vực "chiến lược" của khối kinh tế này.

Trong cuộc phỏng vấn, ủy viên Ngoại thương châu Âu khẳng định "Hoa Vĩ và ZTE đã bán phá giá các sản phẩm của mình trên thị trường châu Âu". Từ ngày 15/5, trong thông báo thống nhất trên nguyên tắc mở điều tra chống bán phá giá, EU đã nhắc đến tên hai tập đoàn Trung Quốc.

Đáp lại, trong một thông cáo gửi đến Reuters, tập đoàn Hoa Vĩ phủ nhận các cáo giác cho rằng họ vi phạm luật cạnh tranh ở châu Âu cũng như ở các nơi khác và rằng Hoa Vĩ luôn tôn trọng các luật lệ và "chiếm được thị phần và lòng tin của khách hàng là nhờ vào công nghệ cải tiến và chất lượng dịch vụ chứ không phải nhờ vào giá cả hay việc trợ giá của nhà nước".

Nếu châu Âu mở điều tra nhắm vào hai công ty Trung Quốc thì đây là lần đầu tiên vì từ trước tới nay việc làm như vậy vẫn do các tổ chức chuyên ngành thực hiện. Trung Quốc cho biết sẵn sàng đáp trả lại mọi điều tra của EU.

Trên thực tế gần đây, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng như Ericsson, Alcatel-Lucent và Nokia Siemens Network vẫn kêu bị thiệt hại bởi hai công ty Trung Quốc xuất vào thị trường châu Âu những sản phẩm với giá quá rẻ. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại Bắc Kinh có thể trả đũa bởi các quyết định của EU.

Ngược lại, trong một cuộc phỏng vấn của báo Trung Quốc China Daily, chủ tịch phụ trách thị trường Tây Âu của Hoa Vĩ đã tố cáo các đối thủ cạnh tranh của EU đã đổ lỗi cho các tập đoàn Trung Quốc cho việc làm ăn thua lỗ của họ nhưng thực chất là do lười không chịu cải tiến.

EU vẫn luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc. Ngược lại với châu Âu thì Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc xuất khẩu sang 27 nước thành viên EU một khối lượng hàng hóa trị giá 290 tỉ euro, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt 144 tỉ euro.

Báo Le Monde của Pháp ngày 18/5 cũng có bài viết cho biết Bruxelles muốn kiểm tra các khoản trợ cấp công cộng và các khoản cho vay rẻ mạt mà một số tập đoàn viễn thông Trung Quốc được hưởng. Hành động này nhằm thống lĩnh thị trường viễn thông ngay cả những công ty đang thua lỗ.

Vài ngày gần đây, căng thẳng trao đổi mậu dịch giữa châu Âu và Trung Quốc lại nảy sinh từ ba vụ tranh cãi thương mại như trong lĩnh vực viễn thông, pin mặt trời, đồ gốm sứ… 27 nước thuộc EU đã thông qua vào cuối năm 2012 một loại thuế chống phá giá đánh lên hàng nhập khẩu gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Quốc, kéo dài trong 5 năm.

Ngày 8/5 vừa qua, EU còn đặt thêm một loại thuế chống phá giá của các pin sản xuất năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc và tiến hành điều tra chống trợ cấp mặt hàng này. Để trả đũa, Trung Quốc tuyên bố tiến hành điều tra chống phá giá trên các loại "thép ống", mặt hàng xuất khẩu chính của châu Âu.

Thâm hụt thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc không ngừng gia tăng. Châu Âu bị nhập siêu so với Trung Quốc đến 120 tỉ euro vào năm 2011. Đây chính là một vấn đề vừa mang tính kinh tế và chính trị. Công dân châu Âu hy vọng các nước mở cửa thương mại cho nhau như họ đã mở cửa đón các nước khác.

Một biện pháp cuối cùng đầy tính địa chính trị mà châu Âu dự tính tung ra vào giữa tháng 6 tới, đó là thương lượng một Hiệp ước tự do thương mại với Mỹ. Ý đồ đằng sau hành động này chính là chống lại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trên thương trường thế giới. Tuy nhiên, Bruxelles cũng không loại trừ khả năng đi đến một Hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc với điều kiện Trung Quốc cần mở cửa hơn nữa thị trường của nước này.

Với đầy thiện chí, châu Âu đang đợi phản ứng của Trung Quốc trước khi tiến hành điều tra về các trang thiết bị viễn thông. Đây chính là động thái cho thấy châu Âu muốn thương lượng nhằm đưa ra giải pháp hòa giải. Phía Bắc Kinh cho biết họ chờ đợi những đề nghị từ phía EU để đóng lại các hồ sơ đang tranh cãi về viễn thông.

Theo AFP/ Petrotimes

Chủ đề khác