VnReview
Hà Nội

Lazada được ví là Amazon của Đông Nam Á

Rocket Internet đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào trang thương mại điện tử của mình tại Đông Nam Á, sau khi Lazada – một hệ thống giống như Amazon – kết thúc vòng gây vốn với hơn 100 triệu USD tiền đầu tư.

1

Không chỉ có vậy, cách đây chưa đầy 1 tháng, trang thương mại điện tử chuyên về thời trang của Rocket Internet, Zalora, cũng đã thu về 100 triệu USD tiền đầu tư.

Vòng đầu tư của Lazada (và Zalora) đang nắm giữ kỷ lục về số vốn thu được trong cộng đồng các doanh nghiệp mới thành lập tại Đông Nam Á. Vòng đầu tư này đã được tham gia bởi các nhà đầu tư (phần lớn là đối tác thường xuyên của Rocket Internet) bao gồm Holtzbrinck Ventures, Kinnevik, Summit Partners và Tengelmann Group. Công ty đầu tư sản phẩm người tiêu dùng Verlinvest của Bỉ cũng có mặt và trở thành một cổ đông tại Lazada – một doanh nghiệp mới có hơn 1 năm tuổi đời.

Nếu như bạn chưa nắm rõ về lịch sử thành lập và hoạt động của Lazada, các thông tin sau đây có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Lazada được thành lập vào tháng 3/2012 và cho tới nay đã trải qua 4 vòng gây vốn (không bao gồm vòng gây vốn 100 triệu USD nói trên): lần đầu (tháng 9/2012), công ty thu được 50 triệu USD từ JP Morgan; lần thứ 2 (tháng 11/2012), Lazada thu được 40 triệu USD từ Kinnevik; lần 3 (tháng 12/2012) 26 triệu USD từ Summit Partners và lần thứ 4 (tháng 1/2013) 20 triệu USD từ Tengelmann Group.

Tính tổng cộng cả 5 lần gây vốn, Lazada đã thu được tới 236 triệu USD tiền đầu tư.

Đây là một thành tựu rất đáng nể cho một công ty mới chỉ hơn 1 năm tuổi đời. Điều làm cho số vốn của Lazada trở nên ấn tượng hơn nữa là công ty này được đặt tại thị trường Đông Nam Á – nơi các khoản vốn đầu tư thường là khá khiêm tốn.

Lazada hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia. Khi mới thành lập, Lazada bày bán các sản phẩm điện tử người tiêu dùng, song đến ngày hôm nay trang web này đã mở rộng phạm vi sang cả sách, đồ gia dụng, vật dụng cho trẻ em v...v... Lazada chấp nhận phương thức trả tiền bằng thẻ tín dụng và cả phương thức trả tiền khi giao hàng – một điểm mạnh đáng chú ý tại các quốc gia có tỉ lệ sử dụng thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng thấp.

Giống như Zalora, Lazada đang cố gắng xây dựng một đế chế thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Amazon hiện tại mới chỉ bắt đầu tham dự vào một số thị trường trong khu vực này vào năm nay, trong khi công ty bán lẻ lớn của Nhật Bản – Rakuten cũng mới chỉ xuất hiện thưa thớt. Phần lớn các công ty bán lẻ của phương Tây đang bận rộn tấn công vào các thị trường khác.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do suy nghĩ lâu năm rằng các trở ngại về văn hóa, chính trị, ngôn ngữ và địa lý sẽ khiến Đông Nam Á trở thành một thị trường khó chinh phục – song Lazada quyết tâm vượt qua tất cả các trở ngại này.

Nối bước các doanh nghiệp khác của anh em nhà Samwer và công ty mẹ Rocket Internet, Lazada hiện đang tập trung xây dựng hệ thống kiểm toán và cơ sở hạ tầng nhằm đưa các sản phẩm "đẳng cấp thế giới" tới bất cứ địa điểm nào trong khu vực Đông Nam Á chỉ trong vòng 1 – 2 ngày.

CEO Maximillian Bittner của Lazada trả lời phỏng vấn với The Next Web rằng ông tin Đông Nam Á là một "cơ hội lớn có giá tỉ đô" cho ngành thương mại điện tử trong vòng 5 năm tới, và công ty của Bittner rất muốn dẫn đầu thị trường này.

Dịch vụ của Lazada vừa thay đổi mô hình hoạt động và chuyển đổi sang phong cách "chợ điện tử" vào năm nay, đồng thời cũng chuẩn bị vượt qua mốc 1 triệu đơn hàng. Giống như phần lớn các doanh nghiệp được Rocket Internet hậu thuẫn, các con số tài chính của Lazada không được CEO Bittner tiết lộ, song ông cũng cho biết rằng công ty đã đạt được "ba chữ số triệu euro" vào tháng trước nếu tính tới chỉ số GMV (giá trị sản phẩm). Tuy vậy, con số này cũng là không thực sự rõ ràng để có thể đưa ra nhìn nhận chính xác về Lazada.

Tuy vậy, có thể khẳng định rằng Lazada cho tới thời điểm này chưa sinh lời. Bittner tuyên bố với The Next Web rằng "có một con đường rõ ràng đi đến lợi nhuận", và theo vị CEO này thời điểm sẽ là vào cuối năm 2014. Đây là một tuyên bố rất giống với dự đoán của Giám đốc Quản lý Michele Ferrario của Zalora: đến năm 2015, trang thương mại điện tử thời trang này sẽ bắt đầu sinh lời.

"Không có lý do gì khiến cho thương mại điện tử không thể thành công tại Đông Nam Á", Bittner cho biết. "Có rất nhiều thành phố trung tâm mạng xã hội' (Bangkok và Jarkata là một trong những thành phố có số lượng người dùng Facebook lớn nhất trên thế giới), nơi mà hàng triệu người sử dụng các dịch vụ nhắn tin như Line – tất cả đều cho thấy trong khu vực có một nền văn hóa Internet rất mạnh".

Bittner cho biết Lazada đang tận mắt chứng kiến cơ hội Internet của Đông Nam Á nở rộ: doanh số smartphone và tablet do Lazada cung cấp đang tăng đều, không chỉ tại các khu vực thành thị.

3

Ngày hôm nay, Lazada đã công bố ứng dụng di động đầu tiên (cho Android) của mình – được phát hành từ 10 ngày trước. Một phiên bản iPhone sẽ sớm xuất hiện. Bittner cho biết doanh thu từ các thiết bị di động đã chiếm tới 10% tổng số tất cả các giao dịch. Phần lớn trong số đó đến từ các mẫu máy giá rẻ/tầm trung được Lazada nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nhằm bán tại Đông Nam Á. Bittner cho biết Lazada đang hi vọng doanh thu từ di động tiếp tục tăng, đáp ứng cho nhu cầu của bộ phận khách hàng di động của mình.

"Chúng tôi rất lạc quan về mảng di động 12 tháng trước. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu bán smartphone giá rẻ từ tháng 9 năm ngoái, lượng tiêu thụ trở nên còn ấn tượng hơn nữa."

Bittner cho biết thử thách lớn nhất với Lazada là chinh phục được trải nghiệm khách hàng. Trong một hệ thống chợ điện tử, các trang web như Amazon, Lazada, Rakuten chỉ đóng vai trò cầu nối giữa công ty bán hàng và người tiêu dùng mua hàng, nhưng phần lớn khách hàng đều sẽ coi trang web là chủ kiểm soát của toàn bộ trải nghiệm. Điều đó có nghĩa rằng Lazada phải đảm bảo rằng các thương nhân tham gia dịch vụ của mình phải làm việc tốt với hệ thống của trang web, phải đảm bảo giao hàng đúng giờ và đáp ứng các tiêu chuẩn khác.

Bittner cũng cho rằng, bên cạnh các thị trường thành thị, các thành phố cấp 2/cấp 3 và các khu vực nông thôn cũng chứa đựng tiềm năng lớn cho Lazada.

"Các thành phố cấp 3 đang bùng nổ dân số tại các quốc gia như Indonesia. Với chung tôi, điều quan trọng là phải đứng ở vị trí có thể sẵn sàng phục vụ các thị trường này với sản phẩm mà họ muốn – song không thể mua được ở địa phương – với mức độ dịch vụ cao nhất."

Cả Lazada và Zalora đều phủ nhận tin đồn tỉ lệ nhân viên nghỉ việc quá cao. Theo Bittner, Lazada đang đem đến một trải nghiệm hấp dẫn dành cho tất cả các nhân viên, từ học sinh mới ra trường tới những người giàu kinh nghiệm hơn.

2

"Công ty của chúng tôi đang thu hút một thế hệ người Đông Nam Á trẻ tuổi muốn có những cơ hội khác biệt so với những công việc thông thường tại quốc gia của họ", Bittner cho biết.

Rõ ràng, với nhiều vòng gây vốn khác nhau, Rocket Intention không có ý định xây dựng một công ty để rao bán nhanh chóng. Theo Bittner, việc rời khỏi ngành thương mại điện tử "không nằm trong suy nghĩ" của vị CEO này – một phát hiểu hoàn toàn trùng khớp với Ferrario.

Về việc gây vốn trong tương lai, Bittner cho biết khoản vốn 100 triệu USD mới thu được sẽ giúp Lazada "đi rất lâu" và hiện tại chưa có kế hoạch tiếp tục gây vốn.

Cho dù ngành nghề kinh doanh khác nhau, mục đích của cả Lazada và Zalora là giống nhau; cả 2 công ty đều có những vòng gây vốn siêu lớn và đều đang hướng đến cùng một thời điểm bắt đầu thu lợi nhuận. Với mức vốn khá đầy đủ, khoảng thời gian 12 – 18 tháng tiếp theo sẽ là tối quan trọng để 2 công ty có thể biến ý định của mình với ngành thương mại điện tử tại châu Á thành thành công thực sự – xứng đáng với các khoản đầu tư khổng lồ mà họ nhận được.

Rocket Internet đã mang tới Đông Nam Á rất nhiều điều, giúp cải thiện nhận thức quốc tế về khu vực này và đem tinh thần kinh doanh tới các thành phố, các cộng đồng. Giờ là lúc chúng ta xem liệu công ty này có thể biến tầm nhìn của không chỉ 1 mà là 2 công ty tỉ đô thành hiện thực hay không.

Lazada và Zalora không phải là ví dụ duy nhất về việc Rocket Internet mang mô hình kinh doanh dựa trên thương mại điện tử tới các quốc gia có nền thương mại điện tử tụt hậu. Các thương vụ khác của Rocket Internet bao gồm:

- Trang web Lamoda tại Nga nhận 130 triệu USD tiền vốn và trang web Jumia tại châu Phi nhận 35 triệu USD vào tháng này.

- Trang web tại Trung Đông Namashi nhận 13 triệu USD vào tháng 5.

- Trang Dafiti của Brazil nhận 65 triệu USD vào tháng 12.

- Trang Linio của Mỹ Latin nhận 26,5 triệu USD vào tháng 2.

- FoodPanda vừa nhận 20 triệu USD.

Rất nhiều nhà đầu tư đang bỏ vốn vào các công ty trên khắp thế giới. Đây là một ván bài đánh cược lớn cho thấy nhiều công ty khởi nghiệp sẽ thành công và trở thành các hệ thống bán lẻ tại địa phương có trị giá hàng tỉ USD. Có lẽ bây giờ là lúc Rocket Internet ngừng gắn tên tuổi của mình với các công ty "nhân bản vô tính" như Groupon, cũng như các xu thế kinh doanh lạc hậu khác và tiến đến theo đuổi các thị trường đang phát triển hiện nay.

Việt Dũng

Chủ đề khác