VnReview
Hà Nội

Viettel không nhận mình là nhà mạng viễn thông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel tuyên bố Viettel chính thức từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ.

Viettel không nhận mình là nhà mạng viễn thông

Viettel xác định là doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2013 (Vietnam ICT Summit 2013) diễn ra sáng nay, 20/6/2013 ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, nghề chính của "ông viễn thông" là cung cấp dịch vụ alo (dịch vụ thoại), nhưng dịch vụ này đã có gần 100% người dùng. Với xu hướng hiện nay thì các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải từ bỏ nghề chính của mình – nghề alo. "Kinh doanh alo đã thấm đẫm vào trong những người làm viễn thông 100 năm rồi, và tôi nghĩ rằng có khá nhiều doanh nghiệp viễn thông không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ khó đi qua được giai đoạn chuyển đổi này. Đây là một điều không dễ đối với các nhà mạng" ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.;

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh; "Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ. Thực ra Viettel đã thực hiện việc chuyển đổi này được gần 2 năm nay. Hiện nay số lượng người mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng là gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% người Viettel tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định là doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu".  

Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay với các thiết bị các thiết bị đầu cuối, các thiết bị về y tế, các thiết bị điện thoại, cộng với CNTT, tức là xử lý dữ liệu sẽ xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Doanh thu từ lĩnh vực này này sẽ gấp từ 4-5 lần doanh thu của viễn thông. Trong khi đó, khái niệm "viễn thông" giờ đây ít người nhắc đến, mà nó chuyển thành khai niệm "mạng thông tin quốc gia". Khi nói đến thông tin chữ "thông tin" là nói đến dữ liệu (data) gồm truyền data, lưu trữ data và xử lý data. Còn "quốc gia", bây giờ nó không chỉ là câu chuyện "alo", mà là câu chuyện của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của tất cả các ngành, các nghề, vì vậy gọi là "hạ tầng quốc gia". Về việc chuyển đổi một hạ tầng mạng thành một hạ tầng thông tin quốc gia thì hạ tầng bắt buộc phải thông minh, bắt buộc phải chuyển từ alo sang data. Hạ tầng thông minh tức là có khả năng xử lý và có khả năng lưu trữ, và đây cũng là một quá trình đầu tư mới của một nhà mạng.  

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi về hạ tầng viễn thông thành hạ tầng thông tin quốc gia sẽ phải từ bỏ khái niệm phần trăm người sử dụng mà chuyển sang khái niệm mọi người và mọi nhà. Bên cạnh đó, băng hẹp chỉ dành cho nhắn tin và thoại từ 100 năm nay sẽ phải chuyển thành băng rộng để phục vụ được mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 100 năm trước ngành viễn thông chỉ có mỗi 1 dịch vụ là "alo" và không phải sáng tạo gì nhiều, nhưng bây giờ muốn xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì không phải chỉ có 1 dịch vụ như truyền thống mà sẽ phải sáng tạo ra rất nhiều dịch vụ.  

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra dẫn chứng một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thực hiện chiến lược này. Mới đây Viettel có chuyến thăm Úc và ngỡ ngàng bởi Chính phủ Úc thực hiện chính sách đẩy nhanh quá trình bắt nhà mạng chuyển thành nhà cung cấp dịch vụ. Để thực thi chính sách này, Chính phủ Úc không cho nhà mạng làm hạ tầng mà Chính phủ đứng ra làm. Vì vậy, nhà mạng bắt buộc phải chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ.

Theo ICTnews

Chủ đề khác