VnReview
Hà Nội

Lei Jun – Steve Jobs của Trung Quốc?

Trung Quốc vốn nổi tiếng với việc làm hàng giả, hàng nhái. Và giờ họ đang có một phiên bản mới của huyền thoại người Mỹ - Steve Jobs.

Lei Jun – Steve Jobs của Trung Quốc?

Lei Jun – CEO "mang dáng dấp Steve Jobs" của Xiaomi – đang giới thiệu một loại smartphone mới.

Ở một đất nước mà những sản phẩm như iPhone thường chỉ được lắp ráp chứ hiếm khi được phát minh, Lei Jun – một doanh nhân, tỷ phú và một người tôn sùng Jobs – tự coi mình là người thừa kế của Steve Jobs. Truyền thông Trung Quốc gọi công ty của ông, Xiaomi, là "Quả Táo của phương Đông".

Đó là một cái tên phóng đại, xét trên mọi phương diện. Nhưng quả thật ngài Lei đang xây dựng cẩn thận một hình ảnh mang phong cách Steve Jobs, từ dáng vẻ bên ngoài với chiếc quần jean và áo sơ mi sẫm màu. Ông cũng đang bán hàng triệu chiếc điện thoại trông rất giống iPhone. Người tiêu dùng Trung Quốc – và những nhà đầu tư nước ngoài – có vẻ tin vào điều đó.

Nhưng người tin vào điều này nhất có lẽ là chính bản thân Lei Jun. Ông luôn đứng trên bục khi giới thiệu loại điện thoại mới, hay phát biểu những câu mà đối với nhiều người nghe có vẻ rất kì lạ. Ví dụ:

"Chúng tôi đang sản xuất một loại di động giống như một chiếc PC, và đó là một ý tưởng hoàn toàn mới"– ông Lei Jun, CEO của Xiaomi, trả lời một bài phỏng vấn – "Chúng tôi đang làm những việc mà những công ty khác chưa bao giờ làm trước đây".

Lei Jun – Steve Jobs của Trung Quốc?

Chân dung Lei Jun – CEO của Xiaomi

Con số dưới đây có thể gây ngạc nhiên cho Apple và Samsung Electronics, hai gã khổng lồ trên thị trường smartphone. Nhưng Xiaomi đã đạt doanh thu 2 tỷ USD vào năm ngoái từ việc bán các thiết bị cầm tay tại Trung Quốc. Họ đang trở thành một thế lực ở đây, thị trường di động lớn nhất thế giới, và Xiaomi hy vọng sẽ tăng gấp đôi doanh thu vào năm nay.

Về phần mình, ông Lei hiếm khi phủ nhận khi người khác so sánh mình với Steve Jobs và Apple. Và tại sao lại phải làm vậy? Được thành lập ba năm trước bởi một nhóm các kĩ sư người Trung Quốc, công ty của ông đã bán được bảy triệu chiếc di động vào năm ngoái nhờ vào thiết kế bắt chước dáng vẻ của iPhone và một chiến dịch marketing giống với chiến lược mà Apple đã sử dụng.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các doanh nhân mong muốn tạo ra một Apple của Trung Quốc. Rất nhiều người đã nói đến việc đưa Trung Quốc ra khỏi "ngõ cụt" của việc chỉ biết lắp ráp các sản phẩm cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên cho tới giờ có rất ít sự đổi mới xuất hiện. Điều tốt nhất chỉ là họ đã biết đưa công nghệ nước ngoài vào thị trường Trung Quốc.

Ông Lei thu hút được sự chú ý bời vì chưa có công ty nào có doanh thu tại thị trường Trung Quốc đạt ngưỡng 1 tỷ USD nhanh như Xiaomi, kể cả Amazon (cần tới 5 năm để đạt tới mức đó). Xiaomi làm được điều đó trong khi vẫn đảm bảo thu được lợi nhuận.

Những nhà đầu tư của Xiaomi gồm có Qiming Venture Partners, một nhà đầu tư của Qualcomm và Digital Sky Technologies, một công ty của Yuri Milner – từng là nhà đầu tư của Facebook, Groupon và Zynga.

Lei Jun – Steve Jobs của Trung Quốc?

Không khó để nhận ra sự tương đồng trong phong cách ăn mặc của Lei Jun và Steve Jobs

Xiaomi hiện là một công ty tư nhân, và nó sẽ chỉ lên sàn sau vài năm. Công ty được định giá khoảng 4 tỷ USD, theo như báo cáo tài chính của họ tháng Sáu vừa qua. Nếu giữ được giá trị của mình, Xiaomi sẽ trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, chỉ sauAlibaba, Baidu, Tencent và Netease.

Đối tượng khách hàng của công ty là những người trẻ tuổi, đã tốt nghiệp đại học – những người muốn có một chiếc smartphone nhưng không đủ điều kiện tài chính – như Lu Da, một nhà tư vấn giáo dục ở Thượng Hải. "Tôi chọn Xiaomi vì nó hợp với túi tiền" – anh nói.

Những người chê bai cho rằng Xiaomi chỉ đang sản xuất những chiếc iPhone "nhái" không có những phần mềm và phần cứng tiên tiến. Họ cũng cho rằng công ty sẽ phải đối mặt với thử thách thực sự đến từ Apple và Samsung, khi những công ty này cũng đang sẵn sàng cung cấp smartphone giá rẻ. Bên cạnh đó, không thể không kể tới những nhà sản xuất lớn khác cũng tới từ Trung Quốc và Đài Loan như Lenovo, Huawei và Taiwan's HTC, hiện đang chiếm tới 25% doanh số bán smartphone trên toàn lãnh thổ Trung Quốc,.

Sự thành công của Xiaomi gắn liền với Lei Jun – được biết đến như là một "phù thủy start-up". Vừa là doanh nhần vừa là nhà đầu tư, ông đã dành hơn một thập kỉ làm việc tại Kingsoft – một công ty phần mềm của Trung Quốc – và đã đưa nó lên sàn chứng khoán vào năm 2007. Ông hiện vẫn đang giữ chức Chủ tịch và nắm giữ 300 triệu USD cổ phần.

Ông cũng đã đầu tư thành công vào một chuỗi những công ty phần mềm và Internet, như YY – một mạng xã hội vừa được đưa lên sàn Nasdaq của Mỹ vào năm ngoái và hiện có giá 1.5 tỷ USD. Một trong những thành công đầu tiên của Lei đến vào năm 2004, khi Amazon trả 75 triệu USD để mua công ty thương mại điện tử Joyo.com của ông.

;"Lei Jun đang trở thành một hiện tượng"– Kai-Fu Lee, một nhân viên cũ của Google, nói – "Ông ấy hiểu rất rõ về nhu cầu của người dùng, về thị trường, và giờ ông đang có mong muốn tạo dựng một thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ".

Ngài Lei chia sẻ rất ít về đời tư của mình, cho dù ông có tới gần 5 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Sina Weibo. Ông lớn lên gần Vũ Hán, một thành phố công nghiệp ở trung tâm của Trung Quốc, và theo học ngành công nghệ thông tin tại Đại học Vũ Hán. Theo như ông chia sẻ, năm 1987, khi đang học đại học, ông đã được đọc một cuốn sách về Steve Jobs và quyết định học theo.

"Tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuốn sách đó, và tôi muốn thành lập một công ty sẽ nằm trong top đầu"– ngài Lei nói – "Vì vậy tôi đã lập kế hoạch để tốt nghiệp đại học thật nhanh".

Sau khi tốt nghiệp đại học trong hai năm, ông gia nhập Kingsoft. Là một kĩ sư tài năng với những kỹ năng marketing sắc bén, ông được đề bạt làm CEO vào năm 1998. Trong thời gian làm việc tại Kingsoft, ông đã thành lập Joyo.com và cũng đầu tư vào hàng chục công ty khác.

"Ông ấy có tầm nhìn"– Liu Ren, một người bạn của Lei, nói – "Ông ấy nhìn ra xu hướng trước những người khác và luôn sẵn sang để thay đổi. Chẳng hạn, Joyo vốn bắt đầu là một trang download, còn YY ban đầu chỉ chuyên về đọc tin RSS".

Với 41 triệu USD vốn khởi điểm, Lei đã cùng với Bin Lin – từng là kĩ sư của Google và Microsoft – và năm kĩ sư khác đã thành lập nên Xiaomi. Công ty bắt đầu với việc sản xuất MIUI – một phiên bản Android rất được yêu thích. Công ty cũng đã hợp tác được với những đối tác của Apple như Qualcomm, Broadcom hay Foxconn.

Những chiếc điện thoại với cấu hình "khủng" và giá rẻ của Xiaomi rất được chú ý

Vào tháng Tám năm 2011, Xiaomi giới thiệu chiếc smartphone đầu tiên của mình, chiếc Mi-1 – và bán hết chỉ trong vòng hai ngày. Tháng Tám vừa qua, chiếc Mi-2 đã ra lò, và được tiêu thụ nhanh tới mức một vài nhà phân tích cho rằng Xiaomi đã sử dụng chiến lược "marketing khan hiếm" – tạo ra ảo tưởng về sự khan hiếm.

Lei Jun – Steve Jobs của Trung Quốc?

Xiaomi Phone 2 là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon S4 Pro

Để cắt giảm chi phí, Xiaomi không dùng tới những người trung gian và các nhà phân phối, mà bán trực tiếp sản phẩm của mình thông qua trang web của công ty. Đó không chỉ đơn thuần là phương thức marketing sáng tạo, mà nó còn cho phép Xiaomi bán sản phẩm của mình với giá chỉ bằng một nửa so với các điện thoại iPhone hay Samsung Galaxy.

Xiaomi cũng tận dụng những thiết kế và tính năng được gửi tới từ những người dùng của mình – còn được gọi là Mi-Fans. Họ liên lục cập nhật phiên bản mới của hệ điều hành vào mỗi thứ Sáu, để thêm các tính năng mới và duy trì sự hứng thú cho các Mi-Fans của mình.

"Những gì họ đã đạt được quả thật rất ấn tượng đối với một công ty khởi nghiệp" – Sandy Shen, một nhà phân tích của công ty Gartner, chia sẻ - "Nhưng câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để họ có thể mở rộng thị phần trong phân khúc nhỏ hẹp mà họ đã lựa chọn?".

Rất nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư của Trung Quốc cho rằng giá trị của Xiaomi thực chất chỉ là quả bong bóng và sẽ rất khó để họ có thể giữ được mức tăng trưởng của mình. Dù vậy Lei vẫn khẳng định công ty của mình có thể bán được hơn 15 triệu điện thoại trong năm nay.

Lei Jun – được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, với tổng tài sản 1,7 tỷ USD – đã giúp tạo ra ba công ty start-up trị giá nhiều tỷ USD trong vòng 10 năm qua. Rõ ràng ông có lý do để tự tin.

"Chúng tôi không phải chỉ là một công ty nhỏ bé của Trung Quốc chuyên sản xuất điện thoại rẻ tiền"– ông nói – "Chúng tôi sẽ lọt vào top 500 công ty hàng đầu của Fortune".

Anh Minh

Chủ đề khác