VnReview
Hà Nội

Vì sao Apple lại thuê CEO của một hãng thời trang Paris?

Mới đây, Apple đã chính thức thông báo rằng hãng đã thuê Paul Deneve, cựu CEO của hãng thời trang xa xỉ Yves Saint Laurent về làm phó chủ tịch cho "các dự án đặc biệt". Vậy mục đích của Apple là gì?

600x400

Theo trang tin The Verge, ông Deneve, năm nay 52 tuổi, sẽ trực tiếp báo cáo với CEO Tim Cook. Ở thời điểm hiện tại, công việc chính xác của ông tại Apple vẫn chưa được tiết lộ. Ban đầu người ta nghi ngờ rằng Deneve, với kiến thức và kinh nghiệm trong việc kinh doanh các mặt hàng cao cấp, sẽ thay thế cho cựu phó chủ tịch cao cấp mảng bán lẻ John Browett, vị trí vẫn còn đang để trống tại Apple. Tuy nhiên, Apple đã phủ nhận chuyện này. Vậy thì tại sao một hãng công nghệ như Apple lại cần đến một chuyên gia trong lĩnh vực thời trang? Liệu ông có đóng vai trò gì trong ;trong việc tiếp thị iWatch của hãng hay không?

Mới nghe qua, chúng ta có thể ngạc nhiên vì tin tức một CEO thời trang về làm cho một hãng công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon, thế nhưng đây thực chất là một chuyến "trở về" của Deneve. Từ năm 1990 đến 1997, Deneve từng làm việc trong bộ phận bán hàng và marketing của Apple Châu Âu. Trước đó, khoảng giữa thập niên 1980, ông từng đầu quân cho hãng đầu khí Exxon Mobil và hãng mỹ phẩm Oriflame International.

Sự nghiệp của Deneve có một sự chuyển biến lớn vào năm 1997 khi ông có một cuộc nói chuyện "bùng nổ" với Coqueline Courrèges, nhà thiết kế và cũng là đồng sáng lập hãng thời trang Courrèges (hãng này cũng có làm xe điện nữa). Bị cuốn hút bởi tính thẩm mỹ và tầm nhìn về tương lai của bà Coqueline, Deneve quyết định bước chân vào lĩnh vực thời trang và về làm cho Courrèges với chức vụ giám đốc quản lí.

Kể từ đó, ông "lang thang" gần hai thập kỉ trong những công ty thời trang nổi tiếng nhất ở Paris. Ông từng làm CEO cho Nina Ricci trong giai đoạn 2003-2005, sau đó làm chủ tịch của Lanvin vào năm 2006. Năm 2009, ông bay sang Bay Area, một khu vực ở California, Mỹ, để lấy bằng thạc sĩ quản lí tại Đại học Stanford và gia nhập Yves Saint Laurent hai năm sau để thay thế cho vị CEO đương thời là Valérie Hermann.

Công việc của Deneve tại Yves Saint Laurent đã mang lại cho công ty nhiều thành công. Trong hai năm ở đây, Deneve giám sát thứ mà ông mô tả là "cuộc thay đổi toàn diện" hãng thời trang này với sự trợ giúp của giám đốc sáng tạo Hedi Slimane - cựu chuyên viên thiết kế của hãng Dior.

Trong thế giới fashion, việc Deneve bổ nhiệm Slimane làm giám đốc sáng tạo là một bước đi táo bạo bởi Slimane chính là người đã quyết định bỏ chữ "Yves" ra khỏi tên của dòng sản phẩm may sẵn của công ty, đồng thời giới thiệu logo mới để in lên bao bì sản phẩm. Deneve cũng để Slimane phụ trách mở rộng cửa hàng bán lẻ của YSL, Slimane có nhiệm vụ thiết kế 15 cửa hàng mới mà công ty lên kế hoạch mở thêm trên toàn cầu mỗi năm.

Bộ sưu tập đầu tiên của YSL dưới sự dẫn dắt bộ phận sáng tạo của Slimane đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các nhà phê bình nhưng Deneve vẫn tin tưởng giám đốc sáng tạo của mình. Sau một chương trình đặc biệt gây tranh cãi tại Paris hồi tháng 10 năm ngoái, Deneve còn viết một lá thư gửi đến tạp chí thời trang WWD để nói rằng các chỉ trích mà WWDC đăng tải là không khách quan và dễ gây hiểu lầm.

560x373

Chiến lược mạo hiểm của Deneve cuối cùng cũng đã thu được thành quả khi ông đã giúp Saint Laurent Paris đạt doanh thu 127 triệu Euro (165 triệu USD) vào quý I năm nay, tăng 16.9% so với cùng kì năm ngoái. Tính chung cả năm 2012, hãng thu về 472.8 triệu Euro (612.8 triệu USD), tăng 34% so với năm trước đó.

Ông cũng không lo sợ về việc đẩy sản phẩm của mình hướng đến đối tượng người tiêu dùng mới, cụ thể là giới trẻ. Và việc tin vào phong cách của Slimane đã góp phần lớn vào thành công này.

Vậy thì vai trò của Deneve với Apple là gì?

Paul Deneve giờ đây đã quay trở lại Thung lũng Silicon, câu hỏi hiện tại là làm thế nào kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực thời trang của Deneve có thể giúp ích cho kế hoạch của Apple? Kế hoạch cải tổ toàn diện và những bước đi táo bạo của Yves Saint Laurent có thể đã thu hút Apple bởi nó phần nào giống với cách mà CEO quá cố Steve Jobs từng thay đổi Apple.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều nghi vấn rằng Deneve sẽ tham gia vào việc thiết kế các sản phẩm có thể đeo được mà Apple được cho là đang phát triển. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Apple đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt của mình đến việc phát triển các thiết bị đeo được. CEO Tim Cook từng mô tả thị trường thiết bị đeo thông minh như là một cơ hội cho Apple. Chúng ta cũng đã nghe vô số tin đồn về một chiếc đồng hồ đeo tay thông minh chạy iOS mà Apple có thể sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Tuy nhiên các nguồn tin nói rằng thiết bị này sẽ do nhà thiết kế Jony Ive giám sát. Ngoài ra, Deneve cũng không phải là một nhà phát triển hay một nhà thiết kế thực thụ, và Apple cũng không mang cựu CEO của một hãng lớn về chịu trách nhiệm quản lí cho chỉ một nhóm phát triển sản phẩm.

Những gì mà Deneve mang đến cho Apple đó là khả năng tiếp thị cực tốt các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, và có lẽ quan trọng hơn, là tính sáng tạo và kiên định của ông trong việc thực hiện một tầm nhìn nào đó. Cuộc cải cách của Yves Saint Laurent, mặc dù được dẫn dắt bởi tính thẩm mỹ của nhà thiết kế Slimane, nhưng vẫn nằm dưới sự chỉ đạo và tin tưởng của Deneve mặc cho thế giới đã có nhiều chỉ trích.

Một trợ lý thiết kế cho một hãng thời trang xa xỉ của Pháp đã nói với The Verge rằng "Các CEO thời trang cần phải sở hữu tố chất của một thương gia, tất nhiên, nhưng cái mà họ thật sự cần phải biết đó là làm thế nào để chọn được các nhân tài, và làm thế nào để áp dụng tài năng đó vào công ty. Phần còn lại sẽ phụ thuộc vào nhà thiết kế, nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ thành công nếu nhà thiết kế và CEO không chia sẻ chung một tầm nhìn".

Tiến Tùng

Chủ đề khác