VnReview
Hà Nội

Google muốn thay đổi nhận thức về Android từ 'cấu hình cao' sang 'trải nghiệm tốt'

Có vẻ như Google đã nhận ra rằng đa số người dùng mua điện thoại đều bỏ ngoài tai cấu hình xử lý của máy. Thay vào đó họ chỉ muốn cảm nhận những trải nghiệm mà thiết bị mang lại.

Khi một khách hàng thông thường bước vào cửa hàng để mua điện thoại, rất hiếm khi họ quan tâm đến cấu hình của máy ngoài thời lượng pin, dung lượng bộ nhớ và chất lượng chụp ảnh. Ngoài những khía cạnh đó ra, thứ mà họ quan tâm nhất là: cảm giác sử dụng thế nào, máy đẹp hay không, phần mềm thân thiện hay khó dùng? Đó là lý do khiến iPhone vẫn có sức hút hết sức to lớn. Khách hàng thông thường không quan tâm đến thông số kĩ thuật, họ chỉ quan tâm đến trải nghiệm mà thiết bị mang lại.

Ngược lại, những người dùng đam mê công nghệ thường có hiểu biết cao hơn về lĩnh vực này, và vì thế họ vẫn thường chỉ quan tâm về một khía cạnh: cấu hình. Vấn đề ở chỗ đó là tư tưởng có từ thời máy tính để bàn và từ thời mà hệ điều hành Android còn chưa trưởng thành như bây giờ.

Trải nghiệm và cấu hình

Một phép so sánh phù hợp nhất với cuộc chiến này đó là PC và máy chơi game console. Các game thủ PC thường cứng nhắc rằng console chơi rất tệ bởi cấu hình của chúng thường không bao giờ sánh được với các PC khủng. Và mặc dù nền tảng console có trưởng thành đến đâu, chúng cũng không thể hoàn toàn thay thế được PC. Ở bên kia chiến tuyến, các chiến binh tranh luận rằng console phục vụ chơi game tốt hơn.

Không phải ai cũng muốn mua hay dựng một cỗ máy PC chơi game. Nhiều người chỉ muốn một chiếc hộp trong phòng khách, kết nối với TV, dễ dàng sử dụng và có thể chơi những game họ muốn. Tất nhiên, PC có những ưu điểm rõ ràng như bàn phím, đồ họa có thể đẹp hơn. Nhưng không ít người chỉ muốn chơi game hay và không quan tâm lắm đến sự khác biệt nho nhỏ về hình ảnh giữa 2 nền tảng. Với họ, game là trải nghiệm, đồ họa chỉ là thứ hai.

Màn tranh luận này cũng giống như cuộc đối đầu giữa Android và iPhone từ trước đến nay: cấu hình và công năng so với trải nghiệm. Thực tế còn nhiều fanboy vẫn tiếp tục "chiến đấu". Tuy nhiên chỉ tập trung vào cấu hình và công năng của Android sẽ khiến bạn bỏ qua mức độ trưởng thành tuyệt vời đáng kinh ngạc mà hệ điều hành này đã gây dựng được. Điều này đúng cả khi bạn so sánh 2 thiết bị Android với nhau. Chúng ta đã dần qua cái thời đánh giá máy ảnh chỉ qua số "chấm" để tiến lên nhận xét về các bộ cảm biến và ống kính, song dù vậy vẫn chưa vượt qua được quan điểm sai lầm rằng hiệu năng phải được đo đạc qua vi xử lý và RAM.

Kể cả trong nội bộ hệ sinh thái Android, cấu hình và benchmark là phương pháp rất dễ dàng để "chứng tỏ" thiết bị nào khỏe hơn nhưng cuối cùng, trải nghiệm mới là quan trọng. Bạn có thể chỉ vào cấu hình của Galaxy S4 suốt cả ngày, nhưng cuối cùng người dùng Nexus 4 vẫn tự hào về trải nghiệm họ có được. Sự khác biệt về vi xử lý mạnh mẽ hơn hay hiệu năng cao hơn không đủ để họ phải tỏ ra quan tâm. TouchWiz dường như chẳng làm được gì ngoài thêm vào các tính năng không cần thiết, chiếm bộ nhớ của máy. Chất lượng lắp ráp và vật liệu của Galaxy S4 cũng không bằng Nexus 4. Bạn có thể nói về cấu hình cả ngày trời, nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng đến trải nghiệm mà người dùng Nexus có được. Bởi vì có rất nhiều việc để làm với một chiếc smartphone và việc chạy ứng dụng benchmark liên tục không nằm trong danh sách ấy.

Cộng thêm vào khoảng cách về giá, sự lựa chọn thiết bị nào không còn là về cấu hình nữa. Bạn có thể mua Galaxy S4 Google Edition hay HTC One Google Edition để có được trải nghiệm giống như trên Nexus 4, nhưng trả thêm 300 USD so với Nexus 4 liệu có đáng? Nhiều người sẽ tranh luận rằng sở hữu cấu hình siêu khủng sẽ tránh làm máy bị lỗi thời, nhưng hãy nhớ Galaxy Nexus ra đời cách đây 2 năm vẫn chạy mượt mà trên Android 4.2.2 Jelly Bean.

Nexus 4 là smartphone sử dụng Android nguyên gốc hoạt động rất mượt

Mục tiêu cao lớn của Google là trải nghiệm tốt

Những tin đồn xuất hiện gần đây cho rằng chiếc Moto X sẽ có giá khoảng 300 USD không kèm hợp đồng (khoảng 6,3 triệu đồng) tại Mỹ và Dennis Woodside, CEO của Motorola đã phát biểu rằng công ty sẽ tập trung phát triển các thiết bị chất lượng cao nhưng giá rẻ. Như vậy có vẻ Motorola đang tiếp tục con đường mà dòng Nexus đang đi. Cả Nexus 4, Nexus 7 và Nexus 10 đều đem lại giá trị rất cao so với những gì khách hàng hy vọng ở tầm giá của chúng, vốn thấp hơn nhiều so với đối thủ. Khả năng cao Motorola sẽ làm điều tương tự với Moto X.

Phải nói rằng quan điểm nhấn mạnh vào "trải nghiệm tốt" thay cho "cấu hình cao" sẽ không thể đứng vững nếu như không có Android 4.1 Jelly Bean. Trước khi Jelly Bean ra đời, người dùng Android thường phàn nàn về hệ thống giật và nhiều lỗi, và quả thực là như vậy. Giải pháp đối phó hiển nhiên là nâng cấp cấu hình xử lý để triệt tiêu hiện tượng giật, lag. Ngày nay điều đó không còn nữa. Android 4.0 Ice Cream Sandwich ra đời đã vá rất nhiều lỗi, và Project Butter được tích hợp trong Android 4.1 Jelly Bean đã giải quyết vấn đề chậm. Giờ đây việc tranh luận về sự khác biệt trong cấu hình của các vi xử lý, hay thậm chí cả giữa độ phân giải 720p với 1080p trên một màn hình 4.7 inch chẳng tạo ra nét kinh ngạc là mấy.

Thước đo hiệu năng thiết thực nhất là thời lượng pin và cảm giác mà hệ thống mang lại. Nhiều người tỏ ra thất vọng rằng Moto X chỉ được trang bị bộ xử lý Snapdragon S4 Pro và màn hình 720p. Nhưng họ không nên bỏ qua thực tế rằng màn hình 720p khiến nhân đồ họa của vi xử lý "dễ thở" hơn rất nhiều so với màn hình 1080p. Hơn nữa rất ít ứng dụng được phát triển đến mức có thể thấy rõ sự khác biệt giữa 2 màn hình HD này, vì thế bạn sẽ chỉ nhận biệt được độ chênh lệch khi cầm trên tay cả 2 máy. Mặt khác, con người có xu hướng thích nghi với những gì họ có và sử dụng thường xuyên.

Các bản cập nhật dành cho Android gần đây thường chỉ tập trung vào hiệu năng và tin đồn cho thấy Android 4.3 Jelly Bean sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng pin. Motorola cho biết chiếc Moto X sẽ có tùy chọn tiết kiệm pin cùng với các tùy chọn khác phụ thuộc vào hoàn cảnh để có thể phục vụ bạn mọi lúc bạn cần. Các tùy chọn đó nhiều khả năng sẽ bao gồm màn hình chủ được chia ra để phân loại các ứng dụng dùng ở nhà, khi làm việc, du lịch hay đi ăn tối, xem phim.

Motorola cho biết chiếc Motorola X sắp tới của họ sẽ là sản phẩm tập trung vào trải nghiệm thay vì đua cấu hình;

Kết luận

Việc một chiếc smartphone có thể đáp ứng nhu cầu của bạn mọi lúc bạn muốn sẽ buộc thông số về cấu hình phải lùi về phía sau. Cấu hình đã trở thành điểm tranh luận của mọi fanboy bởi niềm tin rằng cấu hình sẽ xóa nhòa ý kiến chủ quan khi bạn sử dụng máy. Thực tế, không gì quan trọng bằng ý kiến chủ quan của người dùng  về trải nghiệm mà thiết bị mang lại cho người dùng đó khi nói về mối quan hệ giữa người dùng với máy móc. Cấu hình có thể giải thích cho việc tại sao bạn thích thiết bị này hơn thiết bị kia, nhưng chúng không thể chứng tỏ rằng thiết bị mà bạn thích thực sự tốt hơn.

Với iPhone, Apple cố gắng khái quát hóa ý kiến chủ quan của số đông và tạo ra một thiết bị có thể làm hài lòng càng nhiều người càng tốt. Android tạo ra rất nhiều thiết bị khác nhau và trao cho khách hàng quyền lựa chọn. Tuy nhiên một người dùng thông thường sẽ không tìm hiểu quá kĩ nên phần lớn sự tập trung đều dồn vào các thiết bị đầu bảng đình đám. Samsung tung ra rất nhiều smartphone nhưng hầu hết khách hàng đều tìm đến dòng Galaxy S hay Galaxy Note. HTC có dòng One. Google có dòng Nexus. Motorola chuẩn bị tung ra moto X, v.v.

Chiến lược của Samsung là cung cấp tất cả các tính năng mà bất kì người nào có thể muốn. Trong khi đó HTC tập trung vào mạng xã hội, tin tức với ứng dụng BlinkFeed. Google, không mấy ngạc nhiên, muốn đem lại trải nghiệm Google với Android nguyên bản. Từ những gì chúng ta đã được thấy, Motorola muốn trao cho người dùng bất cứ kiểu trải nghiệm nào mà họ muốn có bằng cách đưa ra các tùy chọn về phần mềm. Điểm chung của những chiến lược này là cấu hình không nằm trong danh sách các mục cần đặc biệt quan tâm. Phải là trải nghiệm đem đến người dùng và cấu hình chỉ là thứ cho bạn biết bạn vừa mua một thiết bị mới. Có lẽ tất cả chúng ta đều nên nhớ lấy điều đó.

Việt Dũng

Theo PhoneArena

Chủ đề khác