VnReview
Hà Nội

Peter Chou: Cứu tinh hay vật cản hồi sinh của HTC?

Trong khoảng thời gian mười năm làm CEO của HTC, Peter Chou từng được ca ngợi là vị kiến trúc sư trưởng đã tạo nên thành công của hãng sản xuất smartphone số một Đài Loan. Nhưng khi vận may đã qua đi, một vài người trong cuộc cho rằng hiện giờ ông đã trở thành vật cản cho sự hồi sinh của HTC.

Peter Chou: Người hùng hay tội đồ của HTC?

Peter Chou có phải là rào cản cho sự phát triển của HTC?

HTC đang gặp nhiều khó khăn, thị phần của hãng đã sụt giảm xuống dưới 5% so với mức 25% cùng kỳ năm ngoái. Bị ảnh hưởng bởi những xích mích trong nội bộ công ty, sự ra đi của nhiều lãnh đạo, lại được định vị ở một phân khúc thị trường smartphone cao cấp vốn gần như đã bão hòa, giá cổ phiếu của hãng đã xuống tới mức thấp nhất trong 8 năm qua và HTC được dự báo sẽ lần đầu tiên phải chịu lỗ trong quý III năm nay.

Hãng tin Reuters đã phỏng vấn hàng chục giám đốc của HTC (cả cựu và đương nhiệm), những người cho rằng lối điều hành cổ hủ và thiếu tính chiến lược của Chou là lý do giải thích cho sự đi xuống của công ty, tình cờ lại trùng thời điểm với sự thành công của iPhone và Samsung Galaxy.

Chou đã phát biểu công khai rằng ông không hề có ý định từ chức, và các nguồn tin nội bộ - chúng tôi xin không tiết lộ danh tính - cho rằng HTC hiện vẫn chưa có một người kế nhiệm rõ ràng. "Một phần của sự đi xuống này là do công ty không có một người kế nhiệm, và điều này làm ảnh hưởng tới tinh thần của nhân viên".

Chou đã từ chối trả lời phỏng vấn của báo giới, nhưng đáp lại thắc mắc của hãng tin Reuters, HTC đã thông báo: "Hội đồng quản trị của HTC và đội ngũ nhân viên vẫn trung thành với sự lãnh đạo của giám đốc Peter Chou. Các điện thoại HTC One – một sản phẩm đã giành được nhiều giải thưởng do các phương tiện truyền thông và người tiêu dùng bình chọn – là thành quả của tầm nhìn và sự lãnh đạo của ông, đã nói lên tất cả".

Bộ óc nhanh nhạy

Peter Chou sinh ra ở Myanmar và từng học ngành kỹ sư điện ở Đài Loan. Ông gia nhập HTC vào năm 1997. Đồng nghiệp miêu tả ông là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và bị ám ảnh bởi các thiết bị và phần cứng. Các nhân viên có thể mang đến hàng loạt mẫu điễn thoại để ông có thể xem xét một cách say mê: xoay tròn chúng để kiểm tra độ cân bằng, vuốt ngón tay dọc theo các cạnh và mối nối. Điện thoại có thể xếp thành đống trên bàn làm việc của ông, đôi khi còn rơi cả xuống sàn.

Peter Chou: Người hùng hay tội đồ của HTC?

Peter Chou giới thiệu HTC One, sản phẩm cao cấp nhất của hãng ở thời điểm này

Những chi tiết đó, cùng với quyết tâm của Chou đã giúp HTC có được một môi trường làm việc với tinh thần luôn sẵn sàng tăng tốc để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hãy lấy một ví dụ: Trong một cuộc họp hai năm trước, đội ngũ HTC đã nhận thấy họ cần một sản phẩm mới cho danh mục đầu tư của mình. Chou nhanh chóng phác thảo ra giấy và ngay lập tức, có được một thiết kế sơ bộ của thiết bị, cùng với mức giá và thời điểm phát hành – chỉ ba tháng nữa. Hầu hết các công ty phải cần tới 18 tháng cho một dự án tương tự, nhưng chiếc Sensation XL vẫn ra đời đúng kế hoạch, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Peter Chou: Người hùng hay tội đồ của HTC?

HTC chỉ mất 3 tháng từ lúc lên ý tưởng tới lúc ra mắt Sensation XL

"Có được khả năng nảy ra một kế hoạch và nói: OK, đây là một dự án mới và chúng ta cần hoàn thành nó càng nhanh càng tốt. Đó chính là Peter" – một cựu giám đốc chia sẻ.

Cách tiếp cận "nhanh như chớp" đó rất phù hợp với HTC khi thị trường còn đang phát triển nhanh chóng. Rút ngắn thời gian nghĩa là HTC có thể thay đổi kế hoạch vào phút cuối để tận dụng những linh kiện mới và rẻ hơn. Nhưng khi thị trường đã ngừng phát triển, khiến cho các nhà sản xuất thiết bị cầm tay khó khăn hơn trong việc khác biệt hóa sản phẩm của mình, cách tiếp cận này đã làm cho HTC trở nên dễ tổn thương. Để có được nguồn cung những linh kiện và vật liệu tiên tiến nhằm tạo ra một sản phẩm nổi bật đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng hơn những gì HTC làm lúc đó.

"Điểm yếu của họ là không có một chiến lược dài hạn thực sự" – theo một nguồn tin – "Đó từng là một thế mạnh, nhưng hiện giờ lại trở thành một vấn đề là họ không có định hướng rõ ràng".

Lợi nhuận ròng của HTC trong quý II vẫn chỉ đạt dưới mức dự đoán kể cả khi vấn đề thiều nguyên vật liệu của HTC One đã được giải quyết, và công ty đã thông báo rằng doanh thu quý này có thể giảm tới mức 30% so với quý trước. Giá cổ phiếu của HTC hiện được giao dịch ở mức giá chỉ bằng một phần mười so với mức giá cao nhất vào năm 2011.

Phong cách quản lý

Chỉ mới ba năm trước, HTC còn bán ra 25 triệu chiếc smartphone mỗi năm. Khi đó Chou đã tiến hành một sự mở rộng quy mô lớn, mang về những giám đốc nước ngoài từ các công ty như Sony Ericsson, Apple, Motorola và Microsoft, như thể ông muốn đánh bại Apple bằng cách tăng gấp đôi doanh số của HTC. Năm 2011, HTC đã dành giải "Nhà sản xuất thiết bị của năm" tại hội nghị Mobile World Congress, và Chou đã bật sâm banh ăn mừng.

Peter Chou: Người hùng hay tội đồ của HTC?

Các lãnh đạo của HTC nhận giải "Nhà sản xuất thiết bị của năm" vào năm 2011

Nhưng do sự thống trị tuyệt đối của Apple và Samsung, doanh số hàng năm của HTC không bao giờ đạt được mức 50 triệu chiếc, và vào cuối năm ngoái, HTC đã rơi xuống vị trí thứ mười trong số những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới.

Chiếc HTC One;và những thiết bị đầu bảng trước đó của hãng, đã dành được nhiều lời tán dương. Nhưng vấn đề lại nằm ở việc tiêu thụ sản phẩm.

Các giám đốc cho rằng sự thất bại của HTC trong việc đạt được mục tiêu một phần là do cách quản lý của Chou. Sau khi mang về một loạt các giám đốc người nước ngoài, ông đã không giữ được lời hứa của mình về việc tạo ra một môi trường làm việc cởi mở và vẫn giữ lại những quyền lợi cố hữu. Ông ngang nhiên mắng thẳng vào mặt các giám đốc và bỏ qua những quyết định của họ, thường là không qua bàn bạc.

Môi trường làm việc căng thẳng ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm việc và khiến cho nhân viên không hiểu được vai trò của mình. Chou vẫn tách giám đốc marketing, giám đốc bán hàng, giám đốc thiết kế và sản xuất ra riêng biệt và nhiều khi thành lập các nhóm chỉ để làm cùng một công việc. Ông không tổ chức những cuộc họp giữa các phòng ban để tìm ra vấn đề, kể cả khi tình hình hoạt động của HTC xấu đi.

"Có một thông lệ ở HTC là đừng bàn bạc về số liệu tại những buổi họp giám đốc cấp cao"­ – một cựu giám đốc nói – "Những cuộc thảo luận đó thường có xu hướng trở nên căng thẳng, nhưng nếu bạn không giải quyết được vấn đề đó ngay, nó thậm chí còn tệ hơn".

Trông chờ cựu binh

Hiện Chou vẫn đang gặp khó khăn trong việc đưa HTC trở thành một thương hiệu sản xuất thiết bị cầm tay hàng đầu thế giới, đồng thời xây dựng một hệ thống ứng dụng và dịch vụ gắn liền với nó. Điều này làm dấy lên câu hỏi làm thế nào để HTC có thể hồi phục dưới sự lãnh đạo của ông trong bối cảnh thị trường smartphone cao cấp tăng trưởng ngày càng chậm?

"Với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các đối thủ hàng đầu và sự xuất hiện của những đối thủ mới, chúng tôi cho rằng sự sụt giảm lợi nhuận dài hạn là không thể tránh khỏi" theo ngân hàng SinoPac.

Rất nhiều vị giám đốc nước ngoài đã từ chức, và những "cựu binh" của HTC đang trở lại nắm quyền, điều hành hầu hết các chi nhánh trừ xưởng thiết kế ở Đài Loan. Điều này, theo cả những người trong cuộc và ngoài cuộc, là một tín hiệu tích cực.

Trong khi sự căng thẳng có vẻ đã giảm bớt, thì lại xuất hiện sự lo ngại rằng việc HTC thực hiện truyền thông từ Đài Loan sẽ là cách tiếp cận mang tính cục bộ, và không thể giúp cho HTC phát triển toàn cầu. "Những gì áp dụng được ở Đài Loan khác với các thị trường khác" – một cựu giám đốc chia sẻ. Nhưng giám đốc marketing Benjamin Ho biện hộ rằng chiến lược này có cái lý của nó, và HTC "không quên rằng chúng tôi là một thương hiệu quốc tế".

Kể cả những người chỉ trích dữ dội nhất cũng đồng ý rằng Chou vẫn sẽ là trái tim của HTC và cho rằng thật khó tưởng tượng được công ty có thể cho ra đời những sản phẩm tuyệt vời mà không có ông.

Trong nỗ lực nhằm thay đổi vận mệnh của mình, HTC đã phát hành những chiếc điện thoại giá rẻ hơn ở Trung Quốc, và tung ra phiên bản nhỏ hơn, rẻ hơn của lá cờ đầu HTC One: chiếc One Mini. Họ cũng đang cố gắng khôi phục công việc kinh doanh ở thị trưởng Mỹ bằng cách làm việc nhiều hơn với các nhà điều hành và lập ra một chi nhánh mới.

Peter Chou: Người hùng hay tội đồ của HTC?

Robert Downey Jr. sẽ là nhân vật chính trong chiến dịch truyền thông mới của HTC

HTC cũng đã ký hợp đồng với "Người Sắt" Robert Downey Jr . "Một nguồn cảm hứng", giám đốc Ho nói, ám chỉ việc Downey là một ví dụ của sự hồi sinh sau quá khứ tù tội và ma túy. Cuối tuần trước, đoạn quảng cáo đầu tiên với sự có mặt của Downey đã xuất hiện, như là một phần của khoản chi 1 tỷ USD hằng năm dành cho marketing của HTC.

Anh Minh (nguồn Reuters, IndiaTimes.com)

Chủ đề khác