VnReview
Hà Nội

Facebook: Like rất nhiều nhưng chẳng "ăn" được bao nhiêu

Hơn 1 tỉ người trên thế giới biết Facebook là gì, dùng như thế nào. Facebook đã đạt đến đẳng cấp của Google: trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mạng. Và đó cũng là trở ngại lớn nhất của Facebook.

Mỗi lần Facebook tung ra các tính năng mới (vốn ngày càng dày đặc trong những tháng gần đây), mạng xã hội số 1 này lại gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của người dùng. Tệ hơn, một số người dùng Facebook còn tỏ ra thờ ơ với các "cải tiến" mà Facebook mang lại. Vấn đề của Facebook hiện thời là: Mỗi khi người dùng đã quá quen với một thứ gì đó, họ sẽ sẵn sàng bị gọi là "lỗi thời" còn hơn là phải chịu thay đổi cuộc sống của mình.

1

CEO Mark Zuckerberg trong một sự kiện Facebook diễn ra vào tháng 6 vừa qua

"Người tiêu dùng nói chung rất thoải mái với việc phân chia các hoạt động trên mạng của mình" – Michael Pachter, một nhà phân tích tại Wedbush Securities và cũng là một fan của Facebook cho biết. "Chúng ta lên Amazon mua hàng. Chúng ta lên Linkdln để quảng cáo CV của bản thân. Chúng ta không còn muốn lên Facebook nữa. Tôi không biết tại sao".

Câu trả lời dành cho câu hỏi này là "Mọi người đã chán Facebook. Facebook cần phải thay đổi". Điều này đẩy Facebook vào thế tiến thoái lưỡng nan: Thay đổi thì sẽ bị người dùng phản đối, không thay đổi thì sẽ mất thị phần vào tay các thế lực mạng xã hội mới nổi. Thực tế, đây cũng là lý do chính dẫn đến thương vụ mua lại Instagram của Facebook.

Trong nỗ lực để khiến người dùng không nhàm chán và không rời bỏ Facebook, mạng xã hội số 1 hành tinh đã thêm nhiều tính năng mới: mở cửa tính năng mua quà tặng bạn bè, xây dựng công cụ tìm kiếm Graph Search, thêm tính năng #hashtag (vốn là điểm mạnh nhất của Twitter). Tính năng hashtag không chỉ giúp Facebook tiến đến gần hơn "ngôn ngữ mạng xã hội hiện đại", mà còn là một cách để đẩy mạnh quảng cáo.

Rất tiếc, cả 3 thay đổi mới dành cho Facebook không nhận được nhiều phản hồi tích cực như mong đợi...

Thất bại của #hashtag

Sau khi hashtag làm mưa làm gió trên Twitter (và cả Instagram), cuối cùng Facebook cũng đã phát hành tính năng này cho người dùng của mình. Tuy vậy, Mark Zuckerberg và đồng sự đã không nhận ra rằng, Facebook và Twitter là 2 mạng xã hội có bản chất khác hẳn nhau. Trong khi trên Twitter, hashtag có thể giúp các nội dung lan truyền qua đường truyền miệng (viral) rất nhanh chóng (điều mà Facebook và các nhà quảng cáo muốn đạt được), thì trên Facebook, các hashtag không hề giúp các câu status và các bức ảnh lan truyền nhanh hơn – theo nghiên cứu của công ty EdgeRank Checker.

2

Hashtag ra mắt trên Facebook vào tháng 6 vừa qua

Lý do khiến cho hashtag trở nên vô dụng trên Facebook, theo EdgeRank, là bởi vì chẳng có ai muốn click vào các hashtag trên mạng xã hội này cả. Không ai muốn đi tìm kiếm các bài viết cùng chủ đề ưa thích trên Facebook bằng hashtag. Về phần mình, Facebook không đưa ra các số liệu cụ thể mà chỉ đưa ra những ví dụ rất chung chung về các hashtag phổ biến. Đại diện công ty khẳng định: "Phải mất thời gian thì mọi người mới học được cách dùng hashtag trên Facebook".

Có thể Facebook đã đúng. Nhưng tất cả mọi người đều thấy một sự thật trước mắt rằng: Hashtag -một phần quan trọng của "ngôn ngữ Twitter" - không áp dụng thành công trên Facebook. "Đó là một phong cách nói được hình thành trên Twitter", Charlene Li, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Altimeter Group cho biết. "Dùng hashtag trên Facebook là thừa thãi. Hashtag không có chút ý nghĩa gì trên Facebook cả".

Tính năng Tìm kiếm bằng đồ thị (Graph Search)

Tìm kiếm bằng đồ thị (Graph Search) là một sản phẩm rất tuyệt vời: Tính năng này đem lại thông tin tổng hợp hữu ích từ khối lượng dữ liệu khổng lồ mà Facebook sở hữu. Ví dụ, bạn có thể tìm được các bạn bè Facebook cùng thích nghe nhạc Jazz, cùng thích leo núi, hoặc cùng thích đọc Mark Twain; thậm chí là các bạn bè cùng thích nghe nhạc Jazz và cùng thích leo núi. Graph Search được Mark Zuckerberg coi là một trong 3 "trụ cột" của Facebook (bên cạnh News Feed và Timeline).

3

Graph Search là ý tưởng được Facebook ấp ủ từ tháng 1 năm nay

Rất tiếc, trong khi sản phẩm này là hết sức tiềm năng, nhưng cho tới giờ, một tháng sau khi Graph Search ra mắt trên toàn bộ lãnh thổ Mỹ, vẫn chưa có một ai muốn lên Graph Search và hỏi những câu hỏi "tủ" dành cho tính năng này như "Ở New York có hàng sushi nào mà bạn bè tôi đã từng ăn và ưa thích/like?".

Trước khi ra mắt Graph Search, Zuckerberg vẫn còn có thể "khoe khoang" rằng, "Facebook phục vụ một tỉ câu lệnh tìm kiếm mỗi ngày, và chúng tôi thậm chí còn chẳng cần phải cố gắng nhiều;[để đạt con số đó]". Lẽ ra, từ sau khi Graph Search được phát hành tại Mỹ, vị tỉ phú trẻ tuổi này còn có thể "mạnh miệng" hơn nữa – song cho tới giờ, Zuckerberg vẫn phải câm lặng.

Không thể phủ nhận được rằng Graph Search là một tính năng đầy hứa hẹn: Thông tin tổng hợp mà tính năng này mang lại sẽ còn có ích hơn Google gấp nhiều lần. Rất tiếc, không phải lúc nào một sản phẩm hứa hẹn cũng đồng nghĩa với thành công.

Vấp ngã trên thị trường thương mại điện tử

Facebook Gifts – tính năng tặng quà thông qua Facebook – có lẽ là cố gắng đáng kể nhất của Facebook trong suốt lịch sử của công ty nhằm "cải tạo" lại hành vi của người dùng. Facebook vẫn là "cuốn lịch nhắc sinh nhật" lớn nhất trên thế giới, do đó việc công ty tận dụng vị thế này để bước chân vào thị trường thương mại điện tử là không có gì khó hiểu.

4

Có tới 80% các món quà tặng qua Gifts là các phiếu mua hàng ảo

Chỉ ít lâu sau khi mua lại Karma, một công ty chuyên về tặng quà qua mạng xã hội, Facebook đã ra mắt tính năng Gifts tại New York trong niềm hi vọng ngập tràn của giới đầu tư: Người ta đã hi vọng rằng, sớm muộn gì những người dùng Facebook cũng sẽ sử dụng dịch vụ này để mua tặng quà sinh nhật (thật) để gửi đến tận địa chỉ nhà của bạn bè Facebook. Một số người còn dự đoán Facebook sẽ trở thành một Amazon thứ 2.

Vậy mà, chỉ vài tháng sau, Facebook đã phải cải tổ lại Gifts, loại bỏ tất cả các loại quà tặng thật (như mỹ phẩm, đồ điện tử, rượu vang...) và chỉ giữ lại các thẻ tặng quà hoặc mã khuyến mại từ Starbucks, Target... Ván bài bạc tỉ đã thất bại gần như hoàn toàn.

Thực tế, trong khi Gifts có thể trở thành mảng dịch vụ với tổng trị giá 1 tỉ USD, có thể Facebook đã sớm nhận ra rằng các công việc hậu cần (thống kê, quản lý...) là quá tốn kém. Nói một cách chính xác hơn, số lượng người dùng Facebook tham gia sử dụng Gifts là không đủ nhiều để sinh lời cho Facebook.

Nghịch cảnh "ngồi trên đống tiền mà không được hưởng"

Nói tóm lại, vấn đề của Facebook vẫn là do có quá nhiều người dùng và nghiện Facebook – họ không chịu rời bỏ mạng xã hội này, họ liên tục kêu chán, nhưng họ cũng không chịu chấp nhận và sử dụng các tính năng mới của Facebook.

Trong thời gian tới, chắc chắn Facebook sẽ còn ra mắt nhiều sản phẩm và tính năng mới, song có lẽ sẽ là không quá bi quan khi khẳng định rằng, Zuckerberg sẽ còn tiếp tục phải chịu nghịch cảnh "mạng xã hội nhiều người dùng nhất thế giới nhưng lại không sinh được lợi nhuận như Google" trong một thời gian dài.

Việt Dũng

Theo CNET

Chủ đề khác