VnReview
Hà Nội

Apple muốn quay lại với "tình cũ" Google

Sau sự kiện ra mắt hai mẫu iPhone mới, Apple vẫn cần một yếu tố cũ-mà-mới đển từ Google để thổi một luồng sinh khí mới vào hệ sinh thái iOS.

1

Một thời là bạn bè thân thiết, mối quan hệ tốt đẹp giữa Apple và Google đã nhanh chóng bị Android phá hỏng. Eric Schmidt (chủ tịch Google) phải rời bỏ hội đồng quản trị của Apple, Steve Jobs tuyên bố "chiến tranh siêu hạt nhân" chống lại Android, và từng bước một, Apple loại bỏ các dịch vụ Google khỏi iOS.

Apple không chỉ cần những thiết bị có màn hình lớn hơn và giá rẻ hơn, Quả táo cần những dịch vụ dữ liệu hoàn hảo. Luận điểm này có thể được dễ dàng được chứng minh nếu bạn sử dụng cùng lúc một chiếc smartphone Android và một chiếc iPhone. Trong khi iPhone có thể mượt mà hơn, ổn định hơn về nhiều mặt nhưng Android mới là hệ điều hành có thể dự đoán và phục vụ các nhu cầu công việc hiệu quả hơn nhờ được tích hợp các dịch vụ phổ biến như Google Now, Gmail, Google Maps...

Mặt khác, dịch vụ dữ liệu không phải là thế mạnh truyền thống của Apple và cũng không phải là các sản phẩm có thể được phát triển nhanh chóng. Thảm họa Apple Maps đã chứng minh điều này.

Do đó, Apple thực sự;cần tìm các đối tác có thực lực để phát triển các dịch vụ dữ liệu mà Google là ứng cử viên sáng giá nhất. Rõ ràng, Google có các dịch vụ dữ liệu chất lượng tốt. Và trái với suy nghĩ của nhiều người, mục tiêu số 1 của Google không phải là dùng Android để đè bẹp iOS mà là khuyến khích càng nhiều người sử dụng các dịch vụ của họ càng tốt. Lợi nhuận của Google đến từ quảng cáo trên mạng, và do đó không có gì khó hiểu khi Google tự "thêm cánh" cho iOS bằng cách đem cả Maps, cả Gmail và cả trợ lý ảo Google Now lên hệ điều hành của Apple.

Trong khi trước đây Apple đã từng tự tay tích hợp Google Maps và YouTube vào iOS, nhưng cuộc chiến với Android đã khiến Apple phải loại bỏ những ứng dụng này khỏi hệ điều hành của mình. Google đã tung ra các phiên bản Google Maps và YouTube miễn phí trên chợ ứng dụng iTunes, song ở vai trò ứng dụng của bên thứ 3, trải nghiệm Maps, YouTube hay bất kì dịch vụ nào khác của Google trên iOS cũng không đạt mức hoàn hảo, và chắc chắn là sẽ thua kém Android. Đây là điều Google không muốn, và cũng không có lợi cho Apple.

Người dùng iOS luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi Apple loại bỏ dịch vụ của Google mà không tự cung cấp được một giải pháp thay thế xứng tầm. Không chỉ vậy, Android nói chung là một trải nghiệm ứng dụng tự do hơn iOS. Ví dụ, vì bất đồng với chính sách chia lợi nhuận giao dịch của Apple, Amazon không được bán sách trực tiếp qua ứng dụng Kindle trên iOS. Người dùng iOS sẽ phải mở trang web của Amazon, mua sách, mở lại ứng dụng Kindle để tải sách về. Đây là những thao tác hết sức rườm rà và gây khó chịu. Một bộ phận người dùng iOS cũng sẽ "chuyển phe" sang Android cũng vì lý do này. Một lần nữa, Apple và các iFan mới là người chịu thiệt.

Đây là lúc mà Apple cần mở cửa đón chào các đối tác dịch vụ dữ liệu như Google và Amazon. Trong thời gian qua, Google cũng đã liên tục tăng cường chất lượng cho các ứng dụng iOS của mình như Chrome và Google+. Vì vậy, từ phía Google, trở lại iOS sẽ không phải là một công việc quá khó khăn. Bởi Google hiểu quá rõ hệ thống của iOS.

Ngay cả khi đón Google về, Apple cũng vẫn có thể giữ được vị thế của mình bằng cách đưa ra những thỏa thuận độc quyền với Yahoo và Microsoft. Cả 2 đại gia này đều có khối lượng người dùng rất lớn, nhiều dịch vụ chất lượng cao và rất nhiều dữ liệu có ích. Cả Microsoft và Yahoo cũng đang cố gắng xây dựng những ứng dụng iOS chất lượng.

Khi iPhone ra mắt vào năm 2007, Apple đã đóng cửa không cho phép bên thứ 3 phát triển ứng dụng. Nhưng nay thì Apple đã thay đổi chính sách này, và những lợi ích mà nó mang lại cho iOS và Apple tính đến thời điểm hiện nay là quá rõ ràng. Nếu bây giờ Apple mở cửa đón các đối tác đem dịch vụ dữ liệu trở lại iOS, hệ điều hành này sẽ nhận được những liều thuốc trợ lực vô cùng mạnh mẽ.

Người hâm mộ của cả Apple và Google có quyền hi vọng điều này sẽ trở thành hiện thực. Steve Jobs và Eric Schmidt đã uống cà phê cùng nhau vào năm 2010. Larry Page (CEO, đồng sáng lập Google) đến thăm Jobs vào những ngày cuối đời. Thậm chí, Page và Tim Cook được cho là đã gặp nhau vào năm 2012 để bàn về việc hợp tác giữa Google và Apple.

Vào tháng Bảy vừa qua, Schmidt cũng khẳng định Google "rất tôn trọng Apple". Theo vị chủ tịch từng làm việc cho cả Apple và Google thì 2 ông lớn công nghệ này "luôn luôn cùng bàn thảo về nhiều vấn đề. Google và Apple là 2 công ty đầy kiêu hãnh, được điều hành tốt nhưng cũng rất khác biệt".

Điều đó chứng tỏ rằng Google vẫn muốn được hợp tác cùng Apple. Và Apple cũng đang cần Google hơn bao giờ hết. Liệu hai đại gia công nghệ sẽ cùng nhau "nối lại tình xưa" hay không? Đó sẽ là một câu hỏi lớn mà chỉ có thời gian mới tìm được câu trả lời chính xác nhất.

Việt Dũng

Theo Cnet

Chủ đề khác