VnReview
Hà Nội

Chỉ dấu tăng cước 3G phạm luật Cạnh tranh

Chưa bàn đến chất lượng, việc thống lĩnh thị trường, thỏa thuận tăng giá, tăng giá bất hợp lý cước 3G đã đặt chỉ dấu các nhà mạng vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ba doanh nghiệp (DN) viễn thông lớn là Vinaphone, MobiFone, Viettel đồng loạt điều chỉnh tăng cước 3G, cá biệt có gói cước tăng 40%. Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cho rằng, tăng giá cước là không thể tránh khỏi, bởi mức cước 3G ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Tính đến thời điểm trước ngày 16/10, các nhà mạng đang phải bán dưới giá thành, thậm chí chỉ bằng 50% giá thành.

Đến nay, chưa có doanh nghiệp công khai các chi phí đầu vào nhưng chiểu theo Luật Cạnh tranh, các nhà mạng này đã vi phạm không ít điều khoản. Luật Cạnh tranh, Mục 2, Điều 11 ghi rõ: "Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên". Thực tế, ba nhà mạng trên chiếm tới 97% thị phần thị trường viễn thông Việt Nam, nếu chia 3, chắc chắn có ít nhất một doanh nghiệp chiếm hơn 30%.

Điều 11 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, dấu hiệu thỏa thuận tăng giá cước của ba nhà mạng này thể hiện khá rõ ở các hành vi như: Cùng lúc tăng cước, tăng cùng mức giá, cùng dung lượng gói cước.

Tăng giá bất hợp lý

Ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương):

Theo quy định của pháp luật tố tụng cạnh tranh thì chúng tôi điều tra độc lập. Tất cả các thông tin do DN cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp đều là nguồn chứng cứ. Phải nhấn mạnh là chúng tôi không có quyền kết luận ai vi phạm. Việc ai vi phạm sẽ do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh kết luận thông qua phiên điều trần, tại đó sẽ có tranh luận giữa các bên bị điều tra, cơ quan điều tra và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Nếu như bị kết luận là có vi phạm, mức phạt tối đa có thể là 10% tổng doanh số của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. 10% tổng doanh số - rất cao.

Báo Pháp luật

Theo Nghị định 116 hướng dẫn một số điều của Luật Cạnh tranh, những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép tăng giá quá 5%/lần hoặc nhiều lần với tổng mức tăng quá 5% trong 60 ngày liên tiếp khi không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

Tăng giá đột xuất, doanh nghiệp phải chứng minh được hai vấn đề. Thứ nhất, nhu cầu sử dụng tăng đột biến, doanh nghiệp buộc phải tăng giá để đảm bảo cung - cầu. Thứ hai, thiệt hại bởi thiên tai, tăng giá để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, 3G không thuộc mặt hàng nhà nước độc quyền, cũng không thuộc lĩnh vực công ích hay quốc kế dân sinh. Việc các nhà mạng tăng giá cước tới 40% giá cước quá 5%, thậm chí có gói tới 40%, mà không chứng minh được chi phí tăng giá là vi phạm quy định Luật Cạnh tranh.

Các doanh nghiệp có quyền lý giải việc tăng giá dựa trên cơ sở được phê duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng quy định của Luật Cạnh tranh vẫn cần xem xét thực thi trong trường hợp này. Theo quy định, với các lĩnh vực hàng hóa thông thường, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ xem xét tăng giá, không quyết định giá, việc tăng giá là do DN trình lên. Như vậy, trong vụ việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị phê duyệt giá và phương thức tính cước 3G của các mạng di động đã vi phạm Điều 6, Luật Cạnh tranh về các hành vi bị cấm đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Về bản chất, người tiêu dùng không quan tâm đến việc cơ quan nào ra quyết định tăng giá, bởi từ ký hợp đồng dịch vụ, thu tiền, xuất hóa đơn đều của doanh nghiệp. Nhưng trong vụ việc này, quyền lợi người tiêu dùng đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo báo Công thương

Chủ đề khác